Corticoid có tác dụng giảm viêm, giảm tăng trưởng, ức chế miễn dịch, co mạch. Do thuốc tác động thông qua cơ chế gắn với receptor nội bào, điều hòa biểu hiện gen đặc biệt là gen mã hóa các interleukin tiền viêm, vì vậy sau khi bôi thuốc cần ít nhất 1 tuần để thuốc đạt được tác dụng cải thiện trên lâm sàng và cần trung bình 2 tháng để các triệu chứng lui bệnh.
Corticoid bôi cũng được chia làm 7 nhóm từ I – VII, tương đương với hoạt tính rất mạnh, mạnh, trung bình và yếu. Việc lựa chọn thuốc sẽ được bác sĩ quyết định dựa vào mức độ nặng của bệnh, vị trí, lứa tuổi.
Corticosteroid loại nhẹ (nhóm 7 như hydrocortisol nồng độ 1%) có thể được sử dụng để điều trị vảy nến ở mặt, nếp kẽ, vùng da dễ bị teo da (như mặt trước cánh tay). Đối với lòng bàn tay, bàn chân, các mảng tổn thương vảy nến thường là mảng dày, mạn tính cần sử dụng corticoid nhóm I (ví dụ clobetasol propionate 0.05%). Các vùng da còn lại có thể được bắt đầu sử dụng thuốc bôi corticoid thuộc nhóm từ 2 đến 5.
Corticoid loại mạnh bôi ngày 1 – 2 lần cho đến khi đạt được hiệu quả điều trị bệnh, sau đó giảm xuống bôi ngày 1 lần vào 2 ngày cuối tuần hoặc bôi cách ngày để duy trì hiệu quả điều trị. Do bệnh vảy nến thường có xu hướng dễ tái phát khi ngừng thuốc, cần giảm thuốc từ từ, không dừng đột ngột. Đối với nhóm rất mạnh (clobetason propionat) cần sử dụng 2 lần/ ngày, không dùng kéo dài hơn 4 tuần và không sử dụng quá 50g/ tuần.
Corticoid các thế gây ra các tác dụng phụ tại chỗ: Teo da, giãn mạch, rạn da, xuất huyết, viêm nang lông, trứng cá đỏ,… hoặc tác dụng phụ toàn thân như: hội chứng Cushing, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi và ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ em… Do đó, khi có hiệu quả điều trị cần chuyển thuốc nhẹ hơn, áp dụng liệu pháp điều trị ngắt quãng và kết hợp các thuốc không corticoid.