1. Tại sao bạn bị viêm da nhiễm trùng?
Da bị viêm nhiễm trùng chủ yếu do các vi sinh vật gây hại tấn công, được chia thành các nhóm sau:
- Viêm da do vi khuẩn: khuẩn tụ cầu, khuẩn liên cầu, khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin,… có thể gây viêm mô tế bào, nhọt, chốc lở, bệnh phong,…
Viêm da nhiễm trùng vùng mặt khá thường gặp
- Viêm da do virus: virus gây bệnh thường gặp như virus herpes, virus pox, virus papilloma,… gây các bệnh sởi, tay chân miệng, zona thần kinh, mụn cóc, thủy đậu,…
- Viêm da do nấm: nấm miệng, nấm móng tay, nấm chân,…
- Viêm da do ký sinh trùng: Ký sinh trùng tấn công da gây bệnh thường gặp như ghẻ, chấy rận, giun móc, các loại ve, demodex,…
Tùy theo tác nhân gây bệnh khác nhau mà triệu chứng người bệnh gặp phải cũng khác nhau. Có 5 loại viêm da nhiễm trùng là: nhiễm trùng bề mặt da, nhiễm trùng đơn giản (chốc, viêm quầng, viêm mô tế bào), nhiễm trùng hoại tử, nhiễm trùng liên quan đến vết cắn của thú vật và nhiễm trùng liên quan đến phẫu thuật và suy giảm miễn dịch.
Viêm da nhiễm trùng xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây bệnh, nguy cơ cao hơn ở các vùng da tổn thương hở hoặc da đổ nhiều mồ hôi, quần áo ẩm ướt,…
Viêm da nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào
2. Các dạng viêm da nhiễm trùng thường gặp
Viêm da nhiễm trùng được chia làm 5 loại:
- Nhiễm trùng bề mặt da.
- Nhiễm trùng đơn giản.
- Nhiễm trùng hoại tử.
- Nhiễm trùng liên quan đến vết cắn thú vật.
- Nhiễm trùng liên quan đến phẫu thuật và suy giảm miễn dịch.
Theo tác nhân gây bệnh và theo các dạng viêm da nhiễm trùng mà việc lựa chọn thuốc điều trị cũng khác nhau. Đa phần các trường hợp phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng nguyên nhân sẽ cải thiện triệu chứng nhanh chóng, song bệnh ngoài ra nói chung và viêm da nhiễm trùng nói riêng rất dễ tái phát. Để phòng ngừa tái phát, điều quan trọng là xác định nguyên nhân, tác nhân và tránh xa tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Dưới đây là các dạng bệnh viêm da thường gặp nhất:
2.1. Nhiễm trùng da MRSA
Dạng viêm nhiễm trùng da này được gọi chung cho nhóm bệnh do vi khuẩn nhưng không thể dùng kháng sinh ngăn chặn được. Những vi khuẩn này đã tấn công gây viêm nặng, hình thành mủ trong mô hoặc các ổ áp xe, cần phải dẫn lưu mủ ra ngoài và không dùng thuốc.
Đối tượng dễ nhiễm bệnh viêm da nhiễm trùng MRSA là người cao tuổi, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường bệnh viện hoặc nhân viên chăm sóc y tế. Dạng bệnh này có thể gây tổn thương nặng nên phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.
2.2. Chốc lở
Chốc lở là bệnh viêm da nhiễm trùng do vi khuẩn, vùng da dễ mắc bệnh là cổ, tay hoặc mặt của trẻ em. Nguyên nhân do tổn thương hở (vết cắt, phát ban,…) tiếp xúc với vi khuẩn khi đi học mẫu giáo hoặc nguồn bệnh từ người chăm sóc.
Khác với nhiễm trùng da MRSA, chốc lở có thể điều trị bằng kháng sinh khá hiệu quả, sử dụng dưới dạng thuốc uống, thuốc bôi mỡ hoặc thuốc bôi dạng lỏng.
Chốc lở là dạng viêm da nhiễm trùng do vi khuẩn
2.3. Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào thường khởi phát bằng những vệt đỏ trên da, đi kèm với tình trạng đau nhức, ớn lạnh, sốt vừa đến sốt cao. Tác nhân gây bệnh này cũng là vi khuẩn, song chúng có thể tấn công sâu vào các mô và xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Cần phát hiện sớm viêm mô tế bào để kịp thời điều trị bằng kháng sinh IV đường tiêm hoặc đặt thuốc trong tay, cánh tay,…
2.4. Viêm nang lông
Viêm nang lông là dạng viêm da nhiễm trùng rất thường gặp song không nhiều bệnh nhân biết cách xử lý đúng dẫn đến những tổn thương sâu, sẹo vĩnh viễn. Vị trí tổn thương nhiễm trùng ở đây là các nang nằm dưới chân lông, chúng bị viêm, đỏ, gây đau rát và ngứa.
Trong những nang lông này mang theo vi khuẩn và mủ sưng viêm nên nổi bật trên làn da. Một số trường hợp tác nhân gây bệnh là nấm và virus, hầu hết các trường hợp này thường tự khỏi khi vệ sinh và chăm sóc tốt. Song viêm nang lông ở bệnh nhân sức khỏe, sức đề kháng kém có thể nghiêm trọng và lan rộng, lúc này bác sĩ sẽ cần sử dụng đến thuốc kháng sinh hoặc kem chống nấm.
2.5. Nhọt
Nhọt là một dạng viêm da nhiễm trùng gây đau đớn nghiêm trọng, chúng thường bắt đầu với vết sưng đỏ trên da, dần tích tụ mủ lớn cho đến khi vỡ ra. Tác nhân gây bệnh thường do vi khuẩn xâm nhập vào một hoặc nhiều nang lông qua vết thương hở, vết cắt hoặc vết côn trùng cắn.
Cần dẫn chất lỏng ra khỏi nhọt mới có thể giảm đau và trị khỏi bệnh
Để giảm đau, người bệnh có thể dùng khăn ấm đắp nhẹ, nước trong nhọt được thoát ra cũng sẽ bớt gây đau đớn. Tuy nhiên nếu nhọt lớn, bác sĩ phải can thiệp để dẫn chất lỏng ra ngoài.
2.6. Nấm ngoài da
Có nhiều loại nấm có thể tấn công gây viêm, nhiễm trùng da, chúng có thể tồn tại ở bất cứ đâu nhưng phổ biến nhất ở môi trường tập thể không được vệ sinh tốt như: sàn phòng tập, sân chơi,… Triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên là ngứa ngáy, hình thành nốt đỏ sưng đau, đôi khi gây chảy máu,…
Có thể dùng kem chống nấm, thuốc uống hoặc thuốc dạng xịt để điều trị cho bệnh nhân bị nấm ngoài da. Bệnh rất dễ tái phát nên cần điều trị kéo dài kết hợp với phòng ngừa.
2.7. Ký sinh trùng
Ký sinh trùng là các vi sinh vật có kích thước vô cùng nhỏ, chúng có thể xâm nhập từ môi trường hoặc từ người bệnh khác. Do kích thước nhỏ nên chúng có thể chui vào lỗ chân lông, phát triển và đẻ trứng ở đó. Chúng cũng đồng thời gây tổn thương da, dẫn đến đỏ, ngứa, chảy máu, sưng viêm,…
Ký sinh trùng da thường gặp nhất là chấy, chúng gây bệnh ở vùng da có tóc, phổ biến nhất là da đầu và dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, con người cũng có thể bị ký sinh trùng da khác như giun móc, ve,…
Để điều trị viêm da nhiễm trùng do ký sinh trùng, có thể dùng kem dưỡng da, kem bôi hoặc một số loại dầu gội đặc biệt có khả năng tiêu diệt nhanh chóng.
Viêm da do ký sinh trùng có thể trị bằng kem bôi đặc trị
Các bệnh lý da liễu nói chung và viêm da nhiễm trùng nói riêng thường không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, song triệu chứng bệnh lại ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và thẩm mỹ. Vì thế bệnh nhân nên chủ động thăm khám và điều trị sớm ngay khi triệu chứng viêm da nhiễm trùng bắt đầu xuất hiện.