Rửa mặt và chăm sóc da, kiểm soát tình trạng nhờn mụn là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa Demodex phát triển quá mức và gây bệnh. Ngay khi phát hiện những tình trạng bất thường trên da, bệnh nhân nên đi khám da liễu ngay để được thăm khám, điều trị hiệu quả nhất.
Việc điều trị Demodex hiện chỉ dựa trên những báo cáo riêng lẻ, ít bằng chứng. Khi kết quả xét nghiệm phát hiện có Demodex, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc diệt Demodex cho tới khi xét nghiệm kiểm tra lại không còn Demodex. Các loại thuốc trị Demodex cho người thường dùng gồm:
- Toàn thân:
- Ivermectin: Uống 200mcg/kg liều duy nhất. Bệnh nhân nên uống thuốc sau khi ăn 2 tiếng;
- Metronidazole: Có cơ chế điều trị chưa rõ ràng, chưa xác định được liều tối ưu. Thông thường sử dụng với liều 500 mg/ngày;
- Tại chỗ: Sử dụng các thuốc diệt ký sinh trùng:
- Benzyl benzoat 10%: Thoa thuốc tại chỗ 2 lần/ngày;
- Lindan 1%;
- Permethrin;
- Crotamiton;
- Metronidazole dạng bôi 1%.
Bên cạnh đó, người bệnh được khuyến nghị nên rửa sạch da mặt hằng ngày. Đồng thời, bệnh nhân nên tránh sử dụng các chất tẩy rửa có dầu hay lớp trang điểm nhờn; nên tẩy tế bào chết định kỳ để loại bỏ sạch các tế bào da chết.
Sau khi dùng thuốc, người bệnh sẽ được kiểm tra lặp lại để xác định rằng Demodex đã biến mất hoàn toàn sau điều trị. Việc xét nghiệm cũng giúp theo dõi tiến triển của quá trình điều trị (ngay cả khi không còn triệu chứng bệnh). Chỉ nên ngưng điều trị khi kết quả xét nghiệm cho thấy không còn Demodex.
Demodex là loại ký sinh trùng thường gặp với biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu. Việc chẩn đoán sớm các bệnh ở da do Demodex giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh và tiết kiệm chi phí. Khi áp dụng phác đồ điều trị Demodex, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định và phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ.