Nấm da là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến. Tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng những triệu chứng của bệnh như: phát ban, ngứa ngáy khó chịu, gây mất thẩm mỹ, thậm chí có thể tái đi tái lại nhiều lần khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống.
Bệnh nấm da là gì?
Bệnh nấm da khởi phát là do các loại nấm có bệnh gây ra. Có hàng triệu loài nấm trên trái đất và chúng sống ở khắp mọi nơi (trong bụi bẩn, trên thực vật, bề mặt đồ gia dụng và trên da của con người). Đôi khi, chúng có thể dẫn đến các vấn đề về da.
Bệnh nấm da là tình trạng nhiễm trùng da và móng do một số loại vi nấm khác nhau gây ra và được phân loại theo vị trí trên cơ thể như nấm da đầu, nấm bẹn, nấm thân mình, nấm kẽ chân, nấm móng, lang ben…
Nguyên nhân gây bệnh nấm da
Những bệnh nấm da thông thường gây ra bởi các loại nấm men (chẳng hạn như Candida, Malassezia furfur,…) hoặc các loại vi nấm bên ngoài (dermatophytes) như Epidermophyton, Microsporum và Trichophyton.
Các loại nấm gây bệnh có thể tồn tại ở bất cứ đâu trong môi trường xung quanh, khi người bệnh tiếp xúc trực tiếp với các loại nấm này, chúng bám vào cơ thể và phát triển mạnh tạo ra những tổn thương rõ rệt trên da.
Việt Nam là một đất nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, là môi trường rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm gây bệnh phát triển. Bên cạnh đó, cơ thể ẩm ướt, không được vệ sinh sạch sẽ cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh nấm da.
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm da mà mọi người nên biết để phòng tránh:
- Tiếp xúc với các loài động vật mang bệnh, đặc biệt là các giống thú cưng như: chó, mèo,…
- Tiếp xúc gần gũi, chia sẻ quần áo, khăn trải giường hoặc khăn tắm với người bị nhiễm nấm.
- Tham gia các môn thể thao có tiếp xúc da kề da, như đấu vật
- Cơ thể đổ nhiều mồ hôi nhưng không được vệ sinh sạch sẽ
- Mặc quần áo, dày dép quá chật khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, bí bách, không thoáng khí.
- Môi trường làm việc có nguy cơ cao tiếp xúc với nấm như: trồng trọt, đánh bắt,…
- Hệ thống miễn dịch yếu
Các triệu chứng thường gặp của bệnh nấm da
Bệnh nấm da được chia làm nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà nấm gây bệnh phát triển. Ví dụ như: nấm móng, nấm da đầu, nấm chân, tay, nấm bẹn,… Mỗi loại bệnh nấm da đều sẽ có những đặc trưng riêng biệt, bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết về những chứng bệnh da liễu cụ thể tại Cẩm nang y tế của BookingCare.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nấm da nói chung mà mọi người nên biết để:
- Ngứa, đau nhức, tấy đỏ hoặc phát ban ở vùng da bị nhiễm nấm.
- Móng tay, móng chân bị đổi màu, dày hơn bình thường hoặc nứt, kẽ chân, kẽ tay bong tróc, lở loét, đau rát.
- Đau đớn khi ăn, mất vị giác hoặc có mảng trắng ở miệng hoặc cổ họng.
- Xuất hiện khối u không đau dưới bề mặt da.
- Da đầu bong tróc, tóc dễ gãy rụng, ngứa, xuất hiện các mảng trắng lớn, dễ bong tróc, rất mất thẩm mỹ.
- Da xuất hiện các mảng vảy đỏ, thường có hình tròn hoặc bầu dục.
- Trong thời gian xuất hiện mẩn đỏ và vảy da, bệnh có thể lây truyền cho những người khác. Việc cào hoặc gãi ngứa có thể gây ra tình trạng sưng, chảy nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh nấm da
Với những bệnh nấm da thông thường, các bác sĩ có thể chẩn đoán dễ dàng thông qua quan sát bằng mắt thường và hỏi về các triệu chứng mà người bệnh đang gặp.
Ngoài ra, chẩn đoán nấm da còn được xác định bằng cách kiểm tra các mảng vảy, mảng da bị nấm dưới kính hiển vi. Hoặc sử dụng phương pháp xét nghiệm nuôi cấy nấm để xác định loại nấm cụ thể, giúp điều trị bệnh một cách chính xác và hiệu quả nhất. Nấm được nuôi cấy có thể lấy từ mẫu nhỏ da hoặc chất dịch có trong các vết phát ban, mụn nước,…
Đối với trường hợp nhiễm trùng nấm nặng, người bệnh cần xét nghiệm máu để được chẩn đoán chính xác nhất.
Điều trị bệnh nấm da
Để điều trị bệnh nấm da, các chuyên da thường chỉ định sử dụng các thuốc bôi chống nấm như: Ketoconazole, miconazole, terbinafine, clotrimazole, dung dịch BSI, ASA. Thời gian điều trị nấm da khoảng 3-4 tuần, nấm móng 3-6 tháng.
Những trường hợp điều trị thuốc bôi không đáp ứng thì nên bổ sung thuốc kháng nấm đường uống.
Quần áo của người bệnh phải được giặt nước nóng, lộn trái, phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng bàn là làm nóng.
Điều trị bệnh nấm da hiệu quả tại nhà
Với một số trường hợp bệnh nhẹ, chỉ xuất hiện ở một vùng da nhỏ với các triệu chứng không quá nghiêm trọng. Người bệnh có thể tham khảo sử dụng một vài phương pháp điều trị nấm da có nguồn gốc thiên nhiên dưới đây:
- Giấm táo:
Giấm táo có các đặc tính kháng nấm chống lại được Candida – một loại nấm có khả năng gây bệnh. Để điều trị nhiễm nấm ngoài da bằng giấm táo, người bệnh cần thấm ướt một miếng gạc bông trong dung dịch giấm không pha loãng và lau nhẹ lên vùng da bị nấm. Lặp lại 3 lần mỗi ngày.
- Dầu dừa:
Một vài acid béo ở trong dầu dừa có thể diệt được các tế bào nấm bằng cách phá hủy màng tế bào của chúng. Một vài nghiên cứu gợi ý rằng dầu dừa có thể làm một thuốc trị hiệu quả dành cho những người bị nhiễm trùng da ở mức độ từ nhẹ đến vừa. Thoa dầu dừa lên vết thương 3 lần mỗi ngày để điều trị nhiễm trùng da do nấm.
- Nghệ:
Nghệ là một gia vị thông dụng có tính chất kháng viêm hiệu quả. Một thành phần của nghệ là chất curcumin, chất này được cho là thành phần mang lại các đặc tính tốt cho sức khỏe đồng thời có tác dụng chống vi sinh vật mạnh mẽ. Sử dụng hỗn hợp bột nghệ và dầu dừa thoa lên vùng da tổn thương để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Nha đam:
Theo nhiều nghiên cứu, nha đam có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn và kháng virus. Thoa gel được chế biến từ cây nha đam lên các sang thương nhiễm nấm ngoài da từ 3-4 lần mỗi ngày. Gel này cũng có tác dụng làm mát, do đó nó có thể làm giảm ngứa và sưng ngoài da.
Sống chung với bệnh nấm da
Bệnh nấm da có thể xuất hiện ban đầu với những triệu chứng không rõ ràng hoặc chỉ biểu hiện ở những vùng da nhỏ khiến nhiều người chủ quan bỏ qua và không chữa trị kịp thời. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu tới người bệnh thậm chí có thể để lại sẹo vĩnh viễn gây mất thẩm mỹ.
Mỗi người cần có nhận thức về bệnh nấm da để có thể ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro mắc bệnh da liễu này.
Dưới đây là những lưu ý giúp mọi người phòng ngừa bệnh nấm da an toàn, hiệu quả:
- Tránh mặc quần áo ẩm ướt, đồ lót quá chật.
- Các kẽ ngón tay chân thường xuyên lau khô, không để ứ đọng nước và mồ hôi, nhất là những người thường xuyên làm công việc nội trợ, chế biến thực phẩm.
- Vệ sinh cơ thể thường xuyên, thay quần áo ngay sau khi bị ngấm nước mưa hoặc sau khi chơi thể thao ra nhiều mồ hôi.
- Tránh xa những loài động vật có khả năng gây bệnh với biểu hiện như: gãi ngứa liên tục, ghẻ, rụng lông, lờ đờ,…
- Lau khô, sấy tóc sau khi gội đầu, không để tóc ướt đi ngủ.
Bệnh nấm da có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào và ở mọi độ tuổi khác nhau. Ngay khi nhận thấy trên da xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.