Nhiều người dùng gel nha đam để dưỡng ẩm cho da, dưỡng tóc. Vậy theo góc độ khoa học, gel nha đam có tác dụng gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Thành phần trong gel nha đam
Nha đam (lô hội) được coi là một trong những thảo dược phổ biến nhất khi đối phó với các vấn đề liên quan đến da. Điều này là bởi vì gel được chiết xuất từ cây nha đam đã được chứng minh có tác dụng chữa lành các vết thương nhỏ trên da rất hiệu quả.
Thực ra, có rất nhiều giống cây nha đam, với ước tính khoảng 420 loại khác nhau. Giống nha đam được ưa chuộng nhất trong việc điều trị da là Aloe barbadensis Miller. Trong thành phần gel nha đam này có chứa đến 75 loại hợp chất khác nhau, giàu vitamin và các loại dưỡng chất tốt cho da.
Trong y học, gel nha đam được dùng để bôi trực tiếp lên da (được lấy từ phần thịt bên trong bẹ nha đam tươi). Cách tự làm gel nha đam tại nhà cũng rất đơn giản, từ các bẹ lô hội tươi, bạn chỉ cần tách vỏ và lấy gel bên trong.
Tuy nhiên, việc dùng gel nha đam có sẵn sẽ giúp tiện lợi và dễ sử dụng hơn đặc biệt trong việc điều trị bỏng hoặc cấp cứu các vết thương. Bạn dễ dàng mua được gel nha đam kết hợp với các tinh chất dịu da khác, ví dụ như echinacea và calendula. Những sản phẩm gel này được bày bán sẵn tại nhiều hiệu thuốc và cửa hàng hóa mỹ phẩm.
Gel nha đam có tác dụng gì trên da?
Khi gặp các vấn đề về da liễu nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng nha đam trong các trường hợp:
Làm dịu vết bỏng
Gel nha đam có tác dụng làm dịu cảm giác đau và rát của những vết bỏng nhẹ. Bạn có thể bôi gel lên vết bỏng mỗi ngày 2 – 3 lần và bảo vệ vết bỏng bằng băng gạc. Tuy nhiên trong các trường hợp bỏng nặng hoặc không liền sẹo sau nhiều ngày điều trị, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Phục hồi da bị cháy nắng
Gel nha đam là một lựa chọn tuyệt vời để phục hồi và làm dịu da bị cháy nắng. Thành phần carbohydrate phức hợp trong gel nha đam có tác dụng chữa lành những tổn thương trên da, bao gồm những tổn thương do cháy nắng từ nhẹ đến trung bình.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng nha đam không thể ngăn ngừa cháy nắng hoàn toàn. Vì vậy đừng quên che chắn và bôi kem chống nắng mỗi khi đi ra ngoài.
Làm lành vết cắt, vết trầy trên da
Đối với những vết cắt nhỏ, vết trầy xước trên da, bạn có thể thoa gel nha đam để làm giảm đau và cảm giác nóng rát một cách nhanh chóng. Ngoài ra, gel nha đam còn có tác dụng làm lành vết thương, thúc đẩy sản sinh collagen và chống lại vi khuẩn để làm liền sẹo.
Để vết thương phục hồi nhanh chóng, bạn nên sử dụng gel nha đam tối đa mỗi ngày ba lần.
Dưỡng ẩm cho da
Trong gel nha đam có đến 95% là nước. Vì vậy khi hỏi gel nha đam có tác dụng gì thì không thể thiếu tác dụng dưỡng ẩm cho da. Không những thế, gel nha đam tự nhiên có hỗ trợ tái tạo da, tăng độ đàn hồi cho da, giúp các tế bào da liên kết lại với nhau tốt hơn. Quá trình này còn được gọi là quá trình khoá ẩm, giúp giữ cho da luôn mềm mịn và căng bóng mà không có hiện tượng nhờn rít.
Hỗ trợ điều trị bệnh chàm
Khô da là một trong những triệu chứng điển hình nhưng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm da. Ngoài da, gel nha đam cũng giúp làm giảm ngứa da, cải thiện tình trạng viêm da tiết bã (hay còn gọi làm chàm mỡ), một tình trạng da liễu phổ biến ở da dầu.
Hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến
Vảy nến là một trong các loại viêm da phổ biến, đặc trưng với các mảng sần đỏ, đóng vảy trên khu vực đầu, cổ, tay và chân. Để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm trong bệnh vảy nến, bạn có thể thoa gel lô hội mỗi ngày vào vùng da bị tổn thương.
Hỗ trợ cải thiện viêm mụn
Nhờ vào khả năng chống viêm và kháng khuẩn nên gel nha đam cũng có tác dụng điều trị tình trạng viêm nhiễm do mụn trứng cá, mụn mủ hay mụn viêm. Để làm giảm viêm mụn và các triệu chứng ngứa rát do mụn, bạn có thể thoa gel nha đam bằng tăm bông trực tiếp lên nốt mụn, mỗi ngày khoảng 3 lần.
Cách sử dụng gel nha đam lên da an toàn và hiệu quả
Gel nha đam an toàn để bôi ngoài da. Tuy nhiên tùy thuộc vào cơ địa của từng người mà có thể gặp phải những phản ứng dị ứng khác. Một số người bị bỏng nhẹ hay ngứa da dùng nha đam phục hồi rất nhanh chóng. Tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể bị dị ứng với gel nha đam dẫn đến phát ban, mề đay.
Lưu ý tuyệt đối không dùng gel nha đam trên vết thương hở, vùng da bị nhiễm trùng vì vô tình sẽ tạo thành màng bọc, bảo vệ cho vi khuẩn phát triển khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn.
Thận trọng khi dùng nha đam
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều sau đây khi dùng gel nha đam:
- Nha đam có tác dụng nhuận tràng nhưng vì thế cũng có nguy cơ gây tiêu chảy và chuột rút, mất cân bằng điện giải nếu bạn sử dụng liên tục trong nhiều ngày.
- Mủ của nha đam có thể gây các vấn đề về thận, máu, kali thấp, yếu cơ và rối loạn nhịp tim.
- Uống 1g nha đam mỗi ngày, kéo dài trong vài ngày có thể gây tử vong.
- Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em không nên uống nha đam.
- Bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi đường huyết chặt chẽ khi uống nha đam.
- Người bệnh trĩ, bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng thì không nên uống nha đam.
- Nên ngừng dùng nha đam ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Hy vọng qua bài viết trên đây bạn sẽ trả lời được câu hỏi gel nha đam có tác dụng gì cũng như những lưu ý cần biết khi dùng nha đam. Gel nha đam dùng bôi ngoài da mang lại nhiều lợi ích đáng kể nhưng phải thận trọng khi dùng uống. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu không chắc chắn bất kỳ vấn đề gì khi dùng nha đam bạn nhé!