“Nha đam” hay còn còn có tên gọi khác là “lô hội”. Đây là loại cây có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người như trị đau mắt đỏ bằng nha đam và được chế biến thành nhiều các món ăn và thức uống giải nhiệt thơm ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, bạn cần nắm được bí quyết sơ chế nha đam. Cùng xem bài viết dưới đây để biết cách ăn nha đam tươi mà không bị đắng và nhớt nhé!
Cách làm nha đam không bị nhớt đắng
Nguyên liệu và dụng cụ để sơ chế nha đam
Cách ăn nha đam tươi chưa hề dễ bởi đặc tính nhiều nhớt và rất trơn nên mỗi khi cắt vỏ nha đam bạn cực kỳ vất vả. Chưa kể đến nhiều bạn không biết cách sơ chế làm nha đam không giòn mà còn đắng, khó ăn nữa. Sau đây sẽ là cách chế biến nha đam cực nhanh mà còn giòn ngon nữa đó.
- Bước 1: Chuẩn bị 1 ca nước muối loãng rồi vắt vào đó 1 ít nước chanh. Các bạn nhớ là không được cho quá nhiều muối và chanh vì muối và chanh sẽ ngấm vào miếng nha đam làm khi ăn nha đam sẽ có vị mặn và chua.
- Bước 2: Lấy dao gọt sạch phần vỏ xanh bên ngoài nha đam và thái hạt lựu. Rồi ngâm phần thịt nha đam vào nước chanh với muối trong 15 – 20p.
- Bước 3: Sau đó vớt nha đam ra rổ, xả lại với nước lọc thường, vừa xả vừa xóc đều lên. Xong bước này sẽ thấy nha đam đã sạch nhựa rồi đấy nhưng vẫn còn vị hơi ngăm đắng.
- Bước 4: Đun nước sôi để trần nha đam. Khi nước thật sôi thì tắt bếp rồi đổ nha đam vào nồi nước sôi, dùng thìa hoặc đũa khuấy đều vài vòng rồi đổ tất cả ra rổ. Ngay sau khi đổ nha đam ra khỏi nước nóng thì các bạn hãy cho ngay nha đam vào nước lọc thường hoặc nước có đá thì càng tốt, bước này sẽ giúp nha đam có độ giòn.
Giờ thì bạn đã có những miếng nha đam vừa trắng, giòn, không nhớt và không đắng để nấu chè hoặc pha đồ uống…
Hướng dẫn cách làm nước nha đam đường phèn ngon
Cốc nước nha đam đường phèn thanh mát
Nước nha đam đường phèn là một trong những món giải khát được nhiều người yêu thích. Cách ăn nha đam tươi sau khi sơ chế xong, nấu cùng với đường phèn tạo nên một thức uống thanh mát, rất thích hợp hợp những ngày nắng nóng.
Nguyên liệu đầy đủ để nấu nha đam đường phèn
- 0.5kg nha đam đã sơ chế.
- 150g đường phèn.
- 1 nắm lá dứa.
- 1 ít đá viên.
- 1 quả chanh.
Cách nấu nha đam đường phèn
- Bắc nồi lên bếp, đổ 2 lít nước vào đun sôi lên cùng với 150g đường phèn. Khi nước đang sôi cho nắm lá dứa vào, vớt những lợn cợn và bọt đi nếu có.
- Tiếp theo cho nha đam đã sơ chế vào nồi nước, đun tiếp trong khoảng 3 – 4 phút thì tắt bếp, xong để nguội rồi vớt bỏ lá dứa đi. Rót nước nha đam đường phèn vào chai rồi cho vào tủ lạnh đợi cho mát.
- Đổ nước nha đam vào ly, thêm chút nước cốt chanh và đá viên vào. Trang trí thêm vài lá bạc hà hay lát chanh tươi vào cho bắt mắt rồi thưởng thức khi lạnh.
Yêu cầu và thành phẩm
Nước nha đam đường phèn sau khi nấu sẽ có vị ngọt thanh nhẹ nhàng của nha đam tươi ngon, thêm chút mùi thơm thoang thoảng của lá dứa. Nước ngọt và nha đam không bị đắng, ít nhớt. Vẫn giữ được độ giòn, tươi mát của nha đam.
Uống nước nha đam đường phèn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đường phèn chưa qua tinh chế nên sẽ có vị ngọt thanh, đảm bảo có lợi cho sức khỏe. Khi kết hợp với nha đam thì tạo thành một loại thức uống hoàn hảo nhất. Loại nước này rất thanh mát và có nhiều tác dụng trong làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, bạn nên uống hàng ngày.
Nước nha đam đường phèn để được trong bao lâu?
Trong những ngày hè oi bức thì 1 ly nha đam đường phèn sẽ giúp bạn xua tan đi mọi nóng nực, khiến cơ thể thanh mát, giải nhiệt. Nhưng làm thế nào để bảo quản nếu không uống hết khi nấu nhiều, liệu nha đam đường phèn nấu sẽ để được bao lâu?
- Thông thường nếu như để nha đam vừa chế biến xong bảo quản trong nhiệt độ thường thì khoảng 2 – 3 giờ sau thì nha đam sẽ có mùi và không thể sử dụng được. Nếu bỏ vào tủ lạnh thì để từ 2 – 3 ngày sau vẫn có thể sử dụng được.
- Nếu được cho vào trong chai và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể bảo quản trong khoảng 1 – 2 tuần. Không nên tiếc mà mà uống sau khoảng thời gian này. Ngoài ra nếu nước có mùi lạ thì nên bỏ đi, không nên uống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lưu ý khi ăn nha đam sống
Nhựa cây nha đam cần lưu ý khi ăn
Nhựa cây nha đam là chất màu vàng ở bên trong phần lá, có nhiều tác hại không tốt cho sức khỏe. Nếu sử dụng với liều lượng nhỏ thôi thì nhựa nha đam có thể giúp điều trị bệnh táo bón bằng cách thúc đẩy lưu động ruột.
Nhưng nếu ăn lâu dài nhựa nha đam sẽ gây ra các tác dụng phụ như: Co thắt dạ dày, nhịp tim không đều, các vấn đề về thận và yếu cơ. Ăn liều cao trên 1g/ngày sử dụng kéo dài còn có thể gây tử vong. Bởi vậy trong cách ăn nha đam tươi cần chú ý những điểm này.
Phụ nữ mang thai không nên sử dụng nha đam, vì có thể làm kích thích co bóp tử cung, gây sảy thai.
Những người bị rối loạn tiêu hóa như bị bệnh viêm ruột, bệnh Crohn thì không sử dụng nha đam tươi.
Những người dùng thuốc trị tim, tiểu đường hoặc thận, không dùng nha đam tươi vì có thể sẽ làm giảm tác dụng từ thuốc.
Trên đây là hướng dẫn cách chế biến, cách ăn nha đam tươi không bị đắng, nhớt mà nhà thuốc Long Châu đã chia sẻ. Hi vọng với hướng dẫn của chúng tôi bạn sẽ biết cách nấu nha đam đường phèn ngon. Ngoài ra, nha đam sau khi đã sơ chế bạn còn có thể dùng để chế biến nhiều món ăn khác vô cùng hấp dẫn như nấu chè, sữa chua, làm gỏi…. Chúc bạn thành công!
Hải Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp