Mụn đầu đen là dạng mụn trứng cá, thường nổi ở cả nam và nữ. Mụn này tuy không gây đau như mụn nhọt, mụn mủ nhưng gây mất thẩm mỹ và khó điều trị triệt để. Mụn có thể gặp ở nhiều vị trí như: mũi, 2 má, trán… Vậy nguyên nhân gây nổi mụn đầu đen ở trán là gì? Dấu hiệu và cách trị dứt điểm mụn như thế nào?
Mụn đầu đen ở trán là gì?
Mụn đầu đen ở trán là dạng mụn trứng cá có lỗ chân lông hở, do đó khi nhân trứng cá tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa sẽ khiến mụn có màu đen ở đầu nhân trứng cá. Mụn đầu đen ở trán hình thành do tuyến bã ở nang lông hoạt động quá mức, gây tích tụ bã nhờn, tế bào chết và vi khuẩn.
Mụn đầu đen thường xuất hiện ở các vị trí chứa nhiều tuyến bã nhờn, nhất là vùng chữ T như mũi, cằm, đặc biệt ở trán. Ngoài ra, mụn đầu đen còn nổi ở nhiều bộ phận khác trên cơ thể gồm ngực, cổ, lưng và mông. May mắn là mụn đầu đen không gây đau như mụn nhọt. (1)
Nguyên nhân gây mụn đầu đen trên trán
Một số nguyên nhân gây nổi mụn đầu đen trên trán, bao gồm:
1. Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh
Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, tiết nhiều dầu thừa trên da. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn phát triển mạnh và gây nổi mụn ở trán. Khi lỗ chân lông hở sẽ hình thành mụn đầu đen ở trán.
2. Vệ sinh da không đúng cách
Vệ sinh da rất quan trọng giúp da sạch sâu, loại bỏ được dầu thừa, bụi bẩn, lớp trang điểm và vi khuẩn. Nếu bạn rửa mặt không đúng cách, bỏ qua bước tẩy trang, không dùng sữa rửa mặt hoặc kỹ thuật rửa không đúng cách có thể khiến bụi bẩn tích tụ ở lỗ chân lông, gây nổi mụn và hình thành mụn đầu đen khi nhân trứng cá tiếp xúc với không khí.
3. Lạm dụng các loại mặt nạ
Phương pháp này giúp điều hòa tuyến bã nhờn và giảm mụn. Tuy nhiên, bạn không nên đắp mặt nạ trị mụn quá nhiều trong tuần. Vài loại mặt nạ trị mụn có tác dụng tẩy da, giảm sừng, giảm viêm nhưng khi sử dụng quá nhiều sẽ làm da kích ứng và nổi mụn nhiều hơn.
Ngoài ra, việc chọn mặt nạ phù hợp với da để điều trị mụn rất quan trọng. Nếu chọn sai mặt nạ, da không hợp sẽ gây ngứa, dị ứng và thậm chí khiến tình trạng mụn nặng hơn. Hãy gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được khám và tư vấn mỹ phẩm và phương pháp trị mụn đầu đen hiệu quả và an toàn.
4. Di truyền
Nếu cha mẹ có cơ địa dễ nổi mụn thì con cái có thể dễ nổi mụn đầu đen. Hệ miễn dịch nhạy cảm với vi khuẩn, da người bệnh sẽ khiến cơ thể dễ nổi mụn. (2)
5. Nặn mụn
Hành động này tưởng chừng lấy sạch nhân mụn đầu đen nhưng thực tế khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Dùng tay nặn mụn không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn có thể thâm nhập vào da. Chưa kể, nếu nặn mụn quá mạnh có thể làm da tổn thương và nổi nhiều mụn hơn.
6. Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh
Chế độ ăn uống cay nóng, nhiều dầu mỡ, căng thẳng (stress), thức khuya, ngủ không đủ giấc và ít tập thể dục sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, gây nổi mụn ở mặt cũng như ở trán. Khi lỗ chân lông hở sẽ hình thành mụn đầu đen.
7. Mỹ phẩm không phù hợp
Dùng mỹ phẩm kém chất lượng, chứa những thành phần độc hại hoặc không phù hợp với da sẽ khiến da kích ứng và hình thành nhân mụn ở mặt cũng như ở trán. Nhân mụn khi tiếp xúc với không khí sẽ hình thành nên mụn đầu đen.
Dấu hiệu nhận biết mụn đầu đen ở vùng trán
Một số dấu hiệu nhận biết mụn đầu đen ở vùng trán, gồm:
- Mụn có màu sẫm.
- Mụn đầu đen chỉ nổi đơn lẻ.
- Khi sờ mụn đầu đen thô ráp.
Mụn đầu đen ở trán có nên nặn không?
Không nên nặn mụn đầu đen ở trán bằng tay vì không thể loại bỏ sạch mụn đầu đen. Việc nặn mụn đầu đen có thể vô tình đẩy nhân mụn hoặc vi khuẩn xâm nhập vào da sâu hơn. Hơn nữa, việc này cũng khiến lỗ chân lông to ra, thậm chí khiến da tổn thương, gây viêm, đau và để lại sẹo. Hãy đến gặp nhân viên y tế để được lấy nhân mụn đúng cách và gặp bác sĩ để có liệu trình điều trị mụn đầu đen triệt để.
Bài viết liên quan: Mụn đầu đen ở cằm, mụn đầu đen ở mũi
Cách điều trị mụn đầu đen ở trán hiệu quả tại nhà
Các cách điều trị mụn đầu đen ở trán hiệu quả tại nhà, bao gồm:
1. Rửa mặt 2 lần một ngày và sau khi tập thể thao
Duy trì thói quen dùng sữa rửa mặt 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối. Lưu ý, hãy rửa mặt đúng kỹ thuật để da sạch sâu, ngăn vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông. Ngoài ra, sau khi tập thể thao, mồ hôi tiết ra tưởng chừng bình thường nhưng thật ra nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ thì cơ chế này góp phần gây ra mụn.
Trong quá trình tập thể thao da tiếp xúc với vi khuẩn trên thiết bị tập hoặc tóc chạm vào mặt, gặp độ ẩm cao và đọng trên da quá lâu sẽ khiến da dễ nổi mụn. Vì vậy, bạn cần rửa mặt sạch sau khi tập thể thao.
2. Loại bỏ mụn đầu đen đúng cách
Trước khi nặn mụn đầu đen ở trán, người bệnh cần làm sạch da và xông hơi hoặc rửa mặt với nước ấm trong vài phút để lỗ chân lông giãn nở và da mềm hơn. Các bước nặn mụn đầu đen đúng cách, gồm:
- Bước 1: Rửa tay sạch, chuẩn bị dụng cụ như tăm bông, gạc sạch và găng tay y tế nếu có để ngăn tình trạng nhiễm trùng.
- Bước 2: Dùng tay ấn nhẹ xung quanh lỗ chân lông. Lưu ý, không ấn quá mạnh sẽ khiến da bầm, tổn thương và có thể vô tình đẩy nhân mụn vào sâu trong da hơn. Không nên cố gắng ấn mạnh để lấy nhân mụn, việc này khiến da tổn thương hơn, hãy để da hồi phục rồi thử nặn lại sau.
- Bước 3: Sau khi nặn mụn đầu đen ở trán, hãy làm sạch da bằng toner (dạng nước dưỡng ẩm cân bằng da) giúp se khít lỗ chân lông.
Phương pháp này chỉ dùng tạm thời để điều trị mụn đầu đen ở trán. Vì vậy, nếu muốn mụn đầu đen được lấy sạch hoàn toàn, bạn hãy đến chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được lấy nhân mụn đúng cách và hiệu quả, đặc biệt những mụn đầu đen to, sâu và chai cứng.
Duy trì thói quen dùng sữa rửa mặt 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối để da sạch sâu, ngăn vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông.
3. Dùng miếng dán lột mụn
Miếng dán lột mụn đầu đen ở trán giúp loại bỏ dầu thừa và nhân mụn đầu đen nhanh gọn. Trước khi dùng miếng dán lột mụn, bạn hãy làm sạch da, xông hơi hoặc rửa bằng nước ấm trong vài phút để lỗ chân lông mở ra. Sau đó, hãy lột mụn bằng miếng dán theo các bước sau:
- Bước 1: Thấm khô da và dán miếng lột mụn lên vị trí cần điều trị.
- Bước 2: Chờ 3 – 5 phút rồi lột miếng dán theo chiều từ phải sang trái hoặc ngược lại. Lưu ý, không giật mạnh miếng dán, da sẽ tổn thương.
- Bước 3: Rửa sạch lại với nước.
- Bước 4: Dùng đá lạnh hoặc serum, mặt nạ giấy được làm lạnh để se khít lỗ chân lông.
- Bước 5: Dưỡng ẩm da với mỹ phẩm dạng gel mỏng nhẹ.
Miếng dán lột mụn có thể loại bỏ mụn nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, miếng dán cũng loại bỏ luôn lượng dầu nhờn tự nhiên trên da nên kích thích tuyến bã nhờn hỏa động nhiều hơn. Chưa kể, một số loại miếng dán khiến da kích ứng nên người bệnh hạn chế dùng phương pháp này để điều trị mụn.
4. Tẩy tế bào chết bằng AHA và BHA
Hai thành phần phổ biến trong sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da là axit alpha hydroxy (AHA) và axit beta hydroxy (BHA). Hai hoạt chất này đều có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mờ nếp nhăn, chống lão hóa và cải thiện kết cấu da. Tuy nhiên, người bệnh không dùng AHA và BHA đúng cách có thể dễ kích ứng da, nổi mẩn đỏ và dễ cháy nắng. Vì vậy, khi dùng AHA và BHA cần lưu ý một số điều, như:
- Lần đầu dùng, hãy thoa sản phẩm ở vùng da nhỏ. Nếu da kích ứng hãy ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Cần dùng đúng theo hướng dẫn sử dụng của sản phẩm, không dùng nhiều hơn mức khuyến nghị.
- Không dùng sản phẩm cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ mỗi ngày.
5. Sử dụng mặt nạ đất sét
Đất sét có tác dụng thấm hút dầu thừa trên da rất tốt. Với da dầu, đắp mặt nạ đất sét đều đặn 1 – 2 lần/tuần để kiểm soát dầu thừa và mụn đầu đen ở trán. Mặt nạ đất sét hoạt động trên da nhẹ nhàng hơn so với miếng dán lột mụn. Miếng dán lột mụn có thể làm bong tróc da trong quá trình lấy nhân mụn. Mặt nạ đất sét sẽ hút bã nhờn sâu bên trong lỗ chân lông ra ngoài và không gây tổn thương da.
6. Tẩy trang vào cuối ngày
Tẩy trang cũng thuộc bước chăm sóc da quan trọng cần thực hiện hàng ngày. Sau một ngày dài hoạt động, da tích nhiều bụi bẩn, dầu thừa, phấn trang điểm… khiến lỗ chân lông không được thông thoáng. Vì vậy, cần tẩy trang trước khi dùng sữa rửa mặt để da sạch sâu.
7. Các thuốc trị mụn đầu đen không kê đơn (OTC)
Mụn đầu đen ở trán ở mức nhẹ đến trung bình được điều trị bằng các loại thuốc bôi tại chỗ để giảm dầu thừa, tẩy tế bào chết và thúc đẩy tái tạo tế bào mới. Người bệnh cần kiên trì bôi thuốc vài tuần hoặc vài tháng mới thấy được hiệu quả và duy trì lâu dài.
Hiện có nhiều hoạt chất được nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả vào các mỹ phẩm thuốc bôi điều trị mụn đầu đen ở trán như:
- Adapalene: Thuốc có cơ chế tác dụng giống tretinoin, có tác dụng tiêu nhân mụn, giảm quá trình sừng hóa của biểu bì, giúp lỗ chân lông thông thoáng, mang lại hiệu quả cao nên thường được ưu tiên trong các quy trình điều trị mụn, đặc biệt mụn cám, mụn đầu đen,… Thuốc có dạng gel, kem và thường bôi 1 lần/ngày trước khi đi ngủ. Lưu ý, bạn nên bôi thử thuốc lên vùng nhỏ trên da và quan sát tình trạng kích ứng. Ngoài ra, thuốc có một số tác dụng phụ phổ biến như kích ứng đỏ nhẹ, châm chích trên da và dễ bắt nắng.
- Benzoyl peroxide: Hoạt chất kháng khuẩn dùng điều trị các loại mụn khác nhau. Thuốc có tác dụng tẩy tế bào chết, dầu thừa giúp lỗ chân lông thông thoáng, giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, hạn chế nổi mụn. Benzoyl peroxide có các dạng gel, kem ở nhiều mức độ khác nhau và thường dùng kết hợp với các hoạt chất khác như retinoid, thuốc kháng sinh,… dưới sự chỉ định của bác sĩ. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như: da khô, căng, bỏng rát, ngứa, châm chích, kích ứng đỏ,… và sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.
- Axit salicylic: Thuốc có các dạng gel, kem, dung dịch, miếng dán, mặt nạ,… hoạt động bằng cách làm bong lớp vảy, sừng. Ngoài ra, với đặc tính ưa mỡ, axit salicylic sẽ xâm nhập sâu vào nang lông, tiêu mụn và chống viêm nhẹ. Nếu da khô hoặc bong tróc, bạn cần dùng thuốc 1 – 3 lần/ngày, tần suất sẽ giảm dần còn 1 lần/ngày. Dùng axit salicylic điều trị mụn khi các hoạt chất như retinoid, benzoyl peroxide không đạt hiệu quả. Ngoài ra, thuốc có thể kết hợp với benzoyl peroxide để bổ trợ cho nhau trong quá trình điều trị mụn.
- Axit azelaic: Thuốc hoạt động bằng cách loại bỏ tế bào chết và tiêu diệt vi khuẩn. Axit azelaic có dạng gel, kem,… thường bôi 2 lần/ngày và cần khoảng 1 tháng thuốc mới phát huy hết tác dụng. Axit azelaic có một số tác dụng phụ:
- Da đỏ do kích ứng.
- Da bỏng.
- Ngứa hoặc châm chích.
- Khô da, bỏng da.
- Lưu huỳnh: Thuốc tác dụng với cysteine trong tế bào sừng, thúc đẩy sản xuất hydro sulfua giúp tiêu sừng, tái tạo tế bào mới và điều trị mụn.
8. Thuốc trị mụn đầu đen cần kê đơn
Thuốc bôi OTC là phương pháp đầu trong điều trị mụn đầu đen hiệu quả, kiểm soát được tình trạng mụn. Tuy nhiên, một số người dùng thuốc không đạt hiệu quả, bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc kháng sinh bôi hoặc uống khác cho người bệnh.
Một số loại thuốc trị mụn đầu đen cần kê đơn, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh.
- Thuốc tránh thai.
- Isotretinoin.
- Spironolactone.
Biện pháp ngăn ngừa mụn đầu đen ở trán
Một số biện pháp ngăn mụn đầu đen ở trán, bao gồm:
- Duy trì thói quen dùng sữa rửa mặt 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối.
- Thực hiện kỹ thuật rửa mặt đúng cách.
- Không dùng mỹ phẩm và đồ trang điểm chứa dầu và có khả năng gây nổi mụn.
- Tẩy tế bào chết.
- Tránh đội mũ bó sát trán.
- Tránh chạm, cạy, nặn mụn trên trán.
- Tẩy trang trước khi đi ngủ.
- Tránh tiếp xúc lâu dưới ánh nắng mặt trời.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp việc tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh. Ngoài ra, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da luôn trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị tân tiến nhất như máy phân tích da A-one Simple, điện di Apollo Duet +EL, Laser Pico, Laser CO2 Fractional, IPL, HIFU, Sofware Superb, máy hút khói, súng nitơ lỏng, cây lăn, bút lăn… nhập khẩu chính hãng từ các nước như Anh, Mỹ, Hàn, Israel… để hỗ trợ liệu trình điều trị da cho người bệnh tốt nhất.
Mụn đầu đen ở trán cũng như ở mặt hoặc những nơi khác, thường do sự tăng hoạt động của tuyến bã nhờn ở nang lông hình thành nhân mụn. Khi nhân mụn tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa từ đó hình thành nên mụn đầu đen. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về tình trạng mụn đầu đen của mình, biết cách điều trị và phòng ngừa mụn tái phát hiệu quả.