Để có được sự lựa chọn phương pháp triệt lông phù hợp, trước hết cần có hiểu biết về sự hình thành và phát triển của lông: Lông được hình thành từ một đơn vị lông-tuyến bã, thường nằm tại tầng sâu của lớp lưới của trung bì da. Trong mỗi đơn vị lông-tuyến bã này có chứa một sợi lông cùng với nang lông, tuyến bã và cơ dựng lông. Nang lông (follicle) là nơi các tế bào mầm biệt hóa thành các tế bào sừng, cùng với các tế bào sắc tố, tạo ra sợi lông với màu sắc, kích thước khác nhau, được đẩy dần lên khỏi bề mặt da qua một lỗ chân lông. Sự hình thành, phát triển, thoái hóa của lông diễn ra theo một chu kỳ qua 3 giai đoạn (được gọi là 3 trạng thái của lông). Trạng thái lông hoạt động (anagen) là giai đoạn lông phát triển, tồn tại trên bề mặt da; trạng thái lông thoái triển (catagen) là giai đoạn lông thoái hóa, rụng vĩnh viễn khỏi vùng da; và cuối cùng là trạng thái lông nghỉ – chưa phát triển (telogen). Tùy theo đặc điểm di truyền, giai đoạn phát triển của cơ thể (hormone) và sự tác động của các yếu tố ngoại lai, mỗi vùng da trên cơ thể có sự phân bố về tỷ lệ lông tồn tại ở mỗi trạng thái, là khác nhau. Lông ở trạng thái hoạt động thường được loại bỏ dễ dàng hơn nhiều so với lông còn đang ở trạng thái nghỉ (điều này giải thích cho việc, trên một vùng da nhất định, ngay cả khi đã triệt vĩnh viễn các lông hoạt động, sau đó các lông ở trạng thái nghỉ vẫn có thể phát triển và mọc trở lại).
Có rất nhiều phương pháp nhằm loại bỏ một vùng lông không mong muốn trên cơ thể. Có thể chia thành 2 nhóm các phương pháp, bao gồm các phương pháp loại bỏ lông tạm thời và các phương pháp loại bỏ lông vĩnh viễn:
1. Các phương pháp loại bỏ lông tạm thời.
1.1. Phương pháp tẩy màu lông.
Thực chất đây không phải là triệt lông mà chỉ là phương pháp sử dụng hóa chất để làm giảm hoặc mất màu lông, qua đó làm cho lông không còn bị lộ rõ trên vùng da. Cách làm này nếu có thể, chỉ áp dụng đối với một số vùng da có lông đen nhưng nhỏ và thưa; tuy nhiên cách này cho đến nay có lẽ chỉ còn mang ý nghĩa lịch sử.
1.2. Phương pháp cạo bỏ lông.
Đây là cách thức phổ biến và đơn giản nhất để tạm thời loại bỏ phần lông phía trên bề mặt da. Mặc dù phương pháp cạo bỏ lông đã được khẳng định không làm cho lông trở lên cứng hơn, đen hơn hay mọc lại nhanh hơn… tuy nhiên, do sau khi cạo đầu ngọn của lông không còn hình dáng thon nhọn tự nhiên, làm cho lông trở lên lộ rõ hơn trên nền da. Ngoài ra, với một số vùng da như nách, bẹn, cạo bỏ lông bằng dao thường xuyên, có thể gây tổn thương da kèm theo là nguy cơ nhiễm trùng, tăng sắc tố tại chỗ.
1.3. Phương pháp nhổ lông.
Nhổ bỏ lông là phương pháp đơn giản, phổ biến, rẻ tiền, đồng thời sau khi mọc lại lông cũng không bị bất kỳ thay đổi nào về màu sắc, độ cứng hay mật độ (độ dày). Ưu điểm của phương pháp nhổ lông là lông mọc lại chậm hơn do nang lông bị tổn thương sau nhổ và cần có thời gian để tái tạo; mặt khác, có một tỷ lệ nhất định nang lông bị tổn thương không hồi phục và lông có thể không mọc lại. Nhược điểm của cách làm này là gây đau và có nguy cơ gây viêm nhiễm nang lông.
1.4. Phương pháp sử dụng sáp (Waxing method).
Là phương pháp tương đối đơn giản, cho phép loại bỏ một số lượng lớn lông cùng lúc. Với phương pháp này, lông cũng được nhổ ra khỏi nang lông. Sáp dùng cho triệt lông thường được chế từ các sản phẩm tự nhiên (sáp ong, acid thực vật, bột tan, đường… nên thường ít gây kích ứng cho da. Tuy nhiên, để giảm đau thường phải dùng các thuốc giảm đau tại chỗ dưới dạng kem bôi (EMLA 5%) hoặc bình xịt lidocain 20%. Cần lưu ý nhiệt độ của sáp khi bôi lên da để tránh gây bỏng cho vùng da.
1.5. Phương pháp sử dụng đường (sugar waxing).
Sử dụng đường cũng là cách phổ biến để tẩy bỏ lông. Cách làm này về cơ bản cũng giống như phương pháp sử dụng sáp chỉ thay việc sử dụng sáp ong nóng chảy bằng sử dụng đường nóng chảy dưới dạng mạch nha, để trát lên vùng da cần loại bỏ lông, sau đó lông cũng được giật trực tiếp ra khỏi nang lông.
1.6. Loại bỏ lông bằng phương pháp gây rụng lông (depilatories).
Đây là phương pháp sử dụng một hỗn hợp hóa chất bao gồm chất thioglycolate kết hợp với hydroxide natrium hoặc hydroxide calcium, hợp chất này có khả năng phá vỡ mối liên kết disulfide – mối liên kết chính để gắn kết giữa các tế bào da và giữa các tế bào sừng, giúp duy trì sự tồn tại của sợi lông và giúp sợi lông liên kết được với bề mặt da. Khi mối liên kết giữa các tế bào da cũng như các tế bào sừng bị phá vỡ, sợi lông dễ dàng bị gãy và rụng khỏi bề mặt da. Đây cũng là phương pháp đơn giản để loại bỏ lông một cách tạm thời, tuy nhiên nhược điểm của cách làm này là thường gây kích ứng cho vùng da do sự tác động trực tiếp của hóa chất lên các tế bào da tại chỗ. Để hạn chế sự tác động có hại của hóa chất lên vùng da, thời gian lưu thuốc trên da tối đa là 15 phút và cần thiết phải thử test trên vùng da nhỏ ít nhất 48 tiếng, trước khi tiến hành.
2. Các phương pháp triệt lông vĩnh viễn.
2.1. Phương pháp điện phân hủy (electrolysis).
Là phương pháp sử dụng một điện cực rất nhỏ cắm vào tận nang lông sau đó đưa một dòng điện vào để đốt, phá hủy nang lông, làm cho sợi lông không tiếp tục được tạo ra. Cách làm này đòi hỏi phải phá hủy từng nang lông, vì vậy cần rất nhiều thời gian để có thể triệt được một vùng lông rộng như cẳng chân, cẳng tay hay ngực, lưng… Mặc dù là phương pháp triệt lông vĩnh viễn nhưng cách làm này cũng còn có nhiều nhược điểm như: Khó khăn trong quá trình thực hiện kỹ thuật, mất nhiều thời gian, để lại nhiều nguy cơ cho vùng da (đau đớn, nhiễm trùng, sẹo và sẹo bất thường…).
2.2. Triệt lông bằng công nghệ laser, ánh sáng.
-Cơ chế triệt lông bằng laser, ánh sáng: Dựa trên nguyên lí Quang nhiệt chọn lọc (selective-photothermolysis), năng lượng của laser và ánh sáng được hấp thu rất mạnh bởi melanin (chất vốn có sẵn và tập trung với đậm độ rất cao dọc theo sợi lông và tại nang lông-tạo ra màu đen của sợi lông). Quá trình này gây phá hủy các tế bào sắc tố (melanocyte) và sinh nhiệt gây phá hủy các tế bào mầm của nang lông, làm cho nang lông bị phá hủy hoặc yếu đi, không còn hoặc giảm khả năng sản sinh tạo ra sợi lông. Mặt khác, ngoài mục tiêu tác động là melanin, năng lượng của laser và ánh sáng còn tác động chọn lọc lên hemoglobin và oxyhemoglobin (thành phần tạo lên màu đỏ của máu). Sự tác động này có thể làm tắc các mạch máu nhỏ đến nuôi dưỡng nang lông, góp phần làm tăng khả năng tổn thương cho các nang lông.
-Các loại laser, ánh sáng ứng dụng trong triệt lông:
+Laser triệt lông: đỉnh hấp thu năng lượng từ ánh sáng của melanin nằm trong vùng quang phổ nhìn thấy và cận hồng ngoại, vì vậy dải sáng có bước sóng từ khoảng 500 đến khoảng 1200nm, thường được lựa chọn để chế tạo ra các loại laser có hiệu quả cao trong triệt lông. Bên cạnh điều kiện cần là yếu tố bước sóng phù hợp, thiết bị laser còn phải có độ rộng xung (thời gian tia laser được phát ra và tác động lên mô đích) phù hợp, đảm bảo cho mô đích (ở đây là melanin của nang lông) hấp thu năng lượng cao nhất. Các loại laser triệt lông hiện tại bao gồm: laser YAG 1064nm xung dài, các laser diode 800,808, 810nm…
+IPL (intense pulse light): là thiết bị phát ra chùm sáng cường độ cao, có dải bước sóng từ 610nm đến 1200nm, thời gian xung có thể thay đổi từ 0,1-1ms. Ngoài ra có thể kết hợp IPL với RF (radio frequency) để tăng hiệu quả điều trị.
-Liệu trình triệt lông laser hoặc IPL: liệu trình điều trị thường kéo dài từ 1-7 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần, vùng da được cạo lông ngay trước điều trị và làm mát ngay sau điều trị bằng khăn hoặc gạc lạnh để giảm tổn thương nhiệt hoặc kích ứng tại chỗ (một số trường hợp ở những vùng da nhạy cảm, cần gây tê bề mặt trước điều trị, bằng mỡ tê tại chỗ EMLA5%).
-Ưu nhược điểm của triệt lông bằng laser hoặc IPL:
+Ưu điểm: là phương pháp an toàn không có tai biến, biến chứng; có hiệu quả cao, không gây đau, không cần nghỉ làm việc sau mỗi lần điều trị. Có khả năng cùng lúc triệt lông trên một vùng da rộng.
+Nhược điểm: Chỉ có thể triệt được các loại lông tối màu, lông cứng; cần có khoảng thời gian điều trị tương đối dài. Một số trường hợp, laser hoặc IPL có thể gây kích ứng da hoặc gây bỏng da để lại sẹo hoặc tăng sắc tố vùng da… (thường do việc lựa chọn chỉ định, năng lượng hoặc kỹ thuật chưa phù hợp, nhược điểm này hoàn toàn có thể khắc phục được); cũng giống như các phương pháp khác, laser và IPL thường chỉ triệt được các sợi lông ở trạng thái hoạt động, rất ít tác động được tới lông ở trạng thái nghỉ.
2.3. Triệt lông bằng kem bôi Vaniqa.
Vaniqa là một dược phẩm, được bào chế dưới dạng kem bôi tại chỗ, có thành phần chính là eflornithine hydrochloride (thuốc điều trị bệnh ngủ châu Phi) có nguồn gốc thực vật. Vaniqa có tác dụng triệt lông vĩnh viễn thông qua cơ chế gây ức chế enzyme cần thiết cho quá trình nhân lên của tế bào cũng như duy trì một số chức năng khác của tế bào – giúp cho sự phát triển bình thường của lông; qua đó làm cho sợi lông không phát triển tiếp tục, thoái hóa và rụng đi. Vaniqa được sản xuất dưới dạng kem 5-15%, bôi lên vùng da cần triệt lông 2 lần/ ngày, liên tục trong 4-8 tuần. Đây là phương pháp sử dụng thuốc để triệt lông một cách đơn giản, an toàn, có hiệu quả và đã được FDA cấp chứng nhận.
TS. Đỗ Thiện Dân – Khoa Y học thực nghiệm