Trả lời:

Dầu dừa là chất béo bão hòa, chứa nhiều chất kháng khuẩn, axit béo như linoleic, axit lauric và cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) – một loại cholesterol tốt. Dùng dầu dừa vừa phải giúp cải thiện da khô, tình trạng viêm da dị ứng, ngừa sâu răng, tốt cho sức khỏe tim mạch.

Chế độ ăn giàu chất béo thường tạo cảm giác no lâu hơn, từ đó giảm cảm giác thèm ăn thực phẩm giàu carbohydrate và hỗ trợ quá trình giảm cân.

Tiêu thụ dầu dừa vào ban đêm kích thích tiêu hóa và tăng cường trao đổi chất. Điều này giúp đốt cháy chất béo trong khi ngủ, gián tiếp hỗ trợ giảm cân.

Tuy nhiên, lạm dụng dầu dừa hay các chất béo khác đều gây hại sức khỏe. Bạn có thể sử dụng dầu dừa trực tiếp hoặc thông qua chế biến món ăn. Liều lượng dùng dầu mỗi ngày tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, cân nặng của mỗi người, nên đi khám để bác sĩ dinh dưỡng tư vấn.

Nguyên tắc chung khi sử dụng dầu dừa là cắt giảm nguồn chất béo khác để đảm bảo an toàn, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thường xuyên. Chú trọng kiểm soát, cắt giảm tổng năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày để năng lượng ăn vào thấp hơn năng lượng tiêu hao (nếu cần). Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo no như mỡ động vật, phủ tạng động vật, hạn chế xào rán. Đảm bảo đủ lượng protein từ thịt nạc, thịt cá, sữa gầy, phô mai.

Bạn cũng nên bổ sung nhiều loại rau xanh nhằm cung cấp đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nguồn carbohydrate cung cấp cho cơ thể hàng ngày nên đến từ ngũ cốc và các loại quả có chỉ số đường huyết thấp và nhiều chất xơ hòa tan như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, các loại khoai, củ, quả ít ngọt. Hạn chế tối đa thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, trà sữa, kem, chè, nước ngọt.

Bạn nên đi khám dinh dưỡng để có chế độ ăn uống giúp giảm cân hiệu quả. Tránh áp dụng các cách giảm cân khắt khe, có hại cho sức khỏe.

Bác sĩ Trần Thị Trà PhươngHệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp

Rate this post