1. Bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương có được hay không?
1.1. Thuốc mỡ tra mắt là thuốc gì?
Thuốc mỡ tra mắt là thuốc được dùng để điều trị bệnh lý về mắt như: khô, viêm, nhiễm trùng mắt. Thành phần chính của loại thuốc này thường là Tetracyclin 1%.
Thuốc mỡ tra mắt có thành phần chính là Tetracyclin 1%
Loại thuốc mỡ tra mắt chứa Tetracyclin 1% là thuốc kháng sinh phổ rộng dùng để điều trị các loại nhiễm trùng khác nhau do vi khuẩn. Khi sử dụng ở mắt, thuốc sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn nhạy cảm với thành phần này, nhờ đó mà đạt được tác dụng trị viêm kết mạc, nhiễm khuẩn mắt, viêm mí mắt, khô mắt và nhiều vấn đề khác.
Do đặc điểm của thuốc được bào chế dạng mỡ nên có tính nhờn, dạng bán rắn. Thuốc lưu giữ trong mắt càng lâu thì thẩm thấu càng sâu và tăng hiệu quả điều trị.
1.2. Có được dùng thuốc mỡ tra mắt bôi vào vết thương không?
Thành phần chính của thuốc mỡ tra mắt là Tetracyclin 1%, dùng để điều trị nhiễm khuẩn. Vậy có thể bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương ở da được hay không?
Tuy thuốc không có chỉ định cụ thể với các vết thương ở da nhưng với một số trường hợp, để phòng ngừa nhiễm trùng da do vết thương hở, thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1% vẫn có thể dùng để bôi vào vết thương để ngăn sự phát triển của vi khuẩn. Trước khi dùng thuốc cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn trên nhãn thuốc.
Một số trường hợp bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương có thể gặp tác dụng phụ như châm chích ở nơi bôi thuốc, kích ứng, ngứa da nhẹ, nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời,… Việc dùng thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin bôi vào vết thương hở còn có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
Việc bôi thuốc lên vết thương nên dừng khi vết thương đã bắt đầu liền mặt. Lúc này chỉ cần để cho vết thương khô thoáng và tự liền. Nếu đã bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương nhưng vẫn bị bội nhiễm vi khuẩn thì cần đến gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp hiệu quả hơn, tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh vì dễ làm bệnh nặng hơn hoặc rơi vào tình trạng kháng thuốc.
Có thể bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương nhưng cần có chỉ định từ bác sĩ
2. Một số loại thuốc mỡ dùng để bôi vết thương và cách sử dụng
2.1. Khi nào cần dùng thuốc bôi vết thương?
Khi có vết thương hở ít nghiêm trọng, để đề phòng nguy cơ nhiễm trùng, người bệnh có thể sẽ được chỉ định dùng thuốc mỡ bôi ngoài da. Trường hợp này dùng kháng sinh đường uống có thể gây ra tác dụng phụ nên hầu như không chỉ định.
Dùng thuốc mỡ bôi ngoài da lên vết thương có thể tăng khả năng hấp thu của da, thẩm thấu thuốc vào sâu bên trong nên vết thương sẽ mau lành. Tuy nhiên, trong quá trình bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương, nếu phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng như: ửng đỏ, sưng tấy, có dịch mủ mùi hôi, sốt cao,… thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được xử trí ngay.
2.2. Một số loại thuốc mỡ dùng để bôi vết thương
Đối với các vết thương hở ngoài da, tùy theo từng tình trạng cụ thể mà bác sĩ có thể kê một số loại thuốc mỡ bôi ngoài da như:
– Bacitracin
+ Ngăn ngừa nhiễm trùng da nhẹ như: bỏng nhẹ, trầy xước da, vết cắt nông trên da.
+ Thuốc giúp ức chế vi khuẩn phát triển và ngăn ngừa nhiễm trùng.
– Petrolatum
Là hỗn hợp dầu khoáng tự nhiên nên giúp dưỡng ẩm và giảm viêm.
– Neosporin
+ Chứa các hợp chất kháng khuẩn: Bacitracin, Neomycin và Polymyxin B.
+ Trị nhiễm trùng, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
– Hydrocortisone
+ Thành phần chứa Corticosteroid.
+ Giảm ngứa, viêm, thường dùng cho vết thương nhẹ có kích ứng da.
2.3. Lưu ý khi dùng thuốc mỡ bôi vết thương
Hầu hết các loại thuốc mỡ dùng để bôi lên vết thương hở ngoài da đều chứa thành phần kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn để vết thương mau lành. Tuy nhiên, thuốc sẽ đi xuống các mạch máu dưới da để phát huy công dụng vốn có nên trong quá trình sử dụng cần lưu ý:
Trước khi bôi thuốc mỡ cần sát trùng vết thương sạch sẽ
– Chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định từ bác sĩ và tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng do nhà sản xuất ghi trên nhãn thuốc cùng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
– Luôn vệ sinh sạch sẽ vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc cồn sát khuẩn trước khi bôi thuốc.
– Không để thuốc tiếp xúc với miệng, nếu chẳng may tiếp xúc thì cần dùng nước rửa sạch ngay.
– Thuốc sau khi mở cần bảo quản nơi sạch sẽ, khô ráo và mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và không để gần tầm tay trẻ em.
– Nếu vết thương hở đang tiết dịch hay đang trong giai đoạn cấp tính, tuyệt đối không dùng thuốc mỡ để bôi vào vết thương.
– Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần thận trọng với mọi loại thuốc mỡ bôi lên vết thương, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
– Trong quá trình dùng thuốc nên kết hợp bổ sung các loại vitamin qua nguồn thực phẩm hàng ngày như: sữa, trứng, cá, thịt, rau xanh,… để cung cấp thêm vitamin B12, sắt, acid folic cho quá trình tạo máu giúp vết thương mau lành và đề phòng bội nhiễm.
– Không lạm dụng thuốc mỡ tra mắt để bôi lên vết thương trong thời gian dài hay bôi trên diện rộng hơn chỉ định để tránh bị kháng thuốc.
Hầu hết các trường hợp trầy xước da nhẹ không cần dùng thuốc mỡ để bôi mà chỉ cần rửa sạch rồi sát trùng vết thương bằng Povidine hoặc Betadine sau đó để vết thương khô tự nhiên, không cần băng lại khi không có dịch rỉ ở vết thương. Việc dùng thuốc mỡ bôi chỉ cần khi vết thương bị sưng viêm và có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Như vậy, với vấn đề bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương có được không thì câu trả lời là có thể bôi được nhưng cần thận trọng và có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa để tránh tác dụng phụ không đáng có. Trong quá trình dùng thuốc nên theo dõi vết thương cẩn thận, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường thì cần thông báo với bác sĩ ngay.