Có nhiều loại bớt khác nhau gặp phải ở trẻ sơ sinh, được mô tả theo từng loại như sau:
- Bớt cá hồi (bớt hồng, bớt đỏ)
Đây là các vùng da phẳng, có màu đỏ hoặc hồng giống như những miếng cá hồi. Loại bớt này khá thường gặp với vị trí nằm trên mí mắt, đầu hoặc cổ của em bé. Màu sắc của bớt sẽ càng dễ thấy hơn khi trẻ khóc nhưng sẽ thường mờ dần khi trẻ ở tuổi 2 đối với các bớt trên trán hoặc mí mắt trong khi có thể mất nhiều thời gian hơn đối với bớt ở sau đầu hoặc cổ.
- Bướu máu
Đây là các mạch máu tạo thành một cục đỏ nổi gồ lên trên bề mặt da, xuất hiện ngay sau khi sinh và thường có màu đỏ tươi như dâu tây. Loại này có khuynh hướng phổ biến hơn ở các bé gái, trẻ sinh non (sinh trước 37 tuần), trẻ nhẹ cân và sinh đa thai, chẳng hạn như sinh đôi.
Bướu máu được quan sát thấy là có thể lớn hơn trong 6 đến 12 tháng đầu tiên, sau đó nhỏ lại và biến mất vào năm 7 tuổi. Tuy nhiên, đôi khi chúng lại có thể xuất hiện dưới da, chuyển sang màu xanh hoặc tím. Lúc này, bướu máu có thể cần điều trị nếu chúng gây ảnh hưởng đến thị lực, hô hấp hay chức năng tại các cơ quan có liên quan.
- Bớt tím
Đây là các vết bớt ở trẻ sơ sinh có màu đỏ sậm hay chuyển sang tím, giống màu của rượu vang thường gặp tại vị trí trên cổ, má, mũi và môi của trẻ được quan sát thấy từ khi trẻ sinh ra. Nếu trẻ có da sẫm màu thì bớt tím sẽ trông như những mảng da tối.
Nếu trẻ lớn lên mà các vết bớt này không thuyên giảm, vì lý do thẩm mỹ, đôi khi có thể xóa nhạt màu vết bớt bằng cách điều trị bằng laser. Một số ít trường hợp vết bớt có thể trở nên sẫm màu và sần sùi hơn nếu không được điều trị hoặc đây có thể là dấu hiệu của hội chứng Sturge-Weber, hội chứng Klippel-Trenaunay hoặc dị dạng mao mạch đầu to nhưng rất hiếm gặp.
- Bớt cà phê sữa
Đây là các mảng phẳng, nhạt hoặc nâu sẫm giống màu cà phê sữa có thể ở bất cứ đâu trên cơ thể với kích thước và hình dạng khác nhau. Loại bớt này có thể được xem như là dấu hiệu của u xơ thần kinh loại 1 nếu trẻ có từ 6 mảng trở lên.
- Ban xanh
Một mảng lớn, màu xám xanh đậm trông giống như vết bầm tím trên đùi của em bé cũng được xem là một loại vết bớt bẩm sinh. Vị trí gặp phải thường ở vùng lưng dưới, trên cánh tay hoặc chân.
Ban xanh cũng có từ khi trẻ được sinh ra, phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh có làn da sẫm màu. Thông thường, loại bớt này không cần điều trị gì vì không phải là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe bất thường và sẽ tự khỏi khi trẻ lên 4 tuổi.
- Nốt ruồi bẩm sinh hoặc nevi tế bào hắc tố bẩm sinh
Nốt ruồi bẩm sinh là những nốt ruồi màu nâu hoặc đen do sự phát triển quá mức của các tế bào sắc tố trên da, nhìn tối hơn trên da sẫm màu và có thể nổi gồ cao lên hay mọc nhiều lông, đặc biệt là lúc trẻ vào tuổi dậy thì.
Tình trạng này có thể phát triển thành ung thư da nếu nốt ruồi lớn hơn, nguy cơ càng tăng khi chúng càng lớn. Tuy nhiên, các nốt ruồi dạng này vẫn có thể không cần điều trị trừ khi có nguy cơ chuyển thành ung thư da.