1. Hiểu hơn về kỹ thuật nâng mũi hiện nay
Trước khi tìm hiểu phẫu thuật nâng mũi có đau không thì bạn nên biết những thông tin quan trọng liên quan đến phương pháp này.
Nâng mũi là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ sử dụng chất liệu độn đưa vào sống mũi. Phương pháp này được thực hiện vì nhiều mục đích khác nhau bao gồm cải thiện hình dáng mũi, sửa chữa các dị tật mũi, cải thiện chức năng hô hấp hoặc kết hợp giữa những mục đích này.
Hiện nay có 3 loại phẫu thuật nâng mũi là:
- Nâng mũi thường (sụn nhân tạo) là phương pháp sử dụng chất liệu độn hoặc kết hợp chất liệu độn với sụn tự nhiên để nâng sống mũi và đầu mũi nhằm cải thiện một phần hình dáng của mũi.
- Nâng mũi bọc sụn tự thân là phương pháp mới, sử dụng sụn lấy từ chính cơ thể người nâng mũi. Phương pháp này có thể khắc phục được những hạn chế từ kỹ thuật sụn nhân tạo nhờ độ tương thích cao.
- Nâng mũi cấu trúc sẽ thay đổi gần như hoàn toàn cấu trúc mũi gồm đầu mũi, sống mũi và trụ mũi. Nhờ đó, mũi sẽ có khả năng chịu được áp lực lớn và tạo nên vẻ đẹp tự nhiên hơn.
Nâng mũi bọc sụn tự thân là phương pháp được nhiều người lựa chọn hiện nay
2. Những trường hợp nên và không nên thực hiện nâng mũi
Thực tế thì bất kỳ ai khi có nhu cầu muốn làm đẹp với chiếc mũi của mình đều có thể thực hiện phẫu thuật nâng mũi. Tuy nhiên, có một số trường hợp nên và không nên thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia.
Những trường hợp nên phẫu thuật nâng mũi
Một số người nên thực hiện phẫu thuật nâng mũi để khuôn mặt trở nên hài hòa và đẹp hơn là:
- Người có sống mũi thấp, ngắn hoặc bị hếch, gồ ghề kém duyên.
- Người có đầu mũi hoặc cánh mũi to.
- Những trường hợp mũi bị biến dạng sau khi bị chấn thương, hoặc bị tai nạn hay dị tật bẩm sinh.
- Sửa mũi do phẫu thuật nâng bị hỏng.
Những trường hợp không nên nâng mũi
Những đối tượng không nên phẫu thuật nâng mũi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe là:
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Trẻ chưa đủ 18 tuổi.
- Những đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm hoặc có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp, máu khó đông.
Ngoài ra, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt cũng không nên đi phẫu thuật nâng mũi mà hãy đợi đến khi sạch kinh mới thực hiện. Vì ở thời điểm này, cơ thể có những thay đổi về nội tiết tố và mất một lượng máu lớn nên quá trình hồi phục sau phẫu thuật sẽ khó khăn hơn.
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú thì không nên phẫu thuật nâng mũi
3. Phẫu thuật nâng mũi có đau không?
Câu trả lời cho thắc mắc phẫu thuật nâng mũi có đau không còn tùy thuộc vào tay nghề của bác sĩ tiến hành, cơ sở thực hiện và các giai đoạn khác nhau . Tuy nhiên, với những cơ sở uy tín, quá trình phẫu thuật nâng mũi sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao sẽ đảm bảo độ an toàn và thời gian hồi phục nhanh chóng. Điều này sẽ giúp bạn yên tâm hơn về kết quả phẫu thuật.
Nâng mũi có đau không?
Tùy vào từng giai đoạn mà câu trả lời cho nghi vấn nâng mũi có đau không sẽ khác nhau:
- Trong suốt quá trình phẫu thuật, bạn sẽ không hề có bất kỳ khó chịu hay đau đớn nào vì bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê trước khi tiến hành.
- Sau khi phẫu thuật kết thúc, bạn sẽ có cảm giác đau nhẹ hoặc như kim chích, bác sĩ sẽ có truyền thuốc giảm đau ngay lập tức để bạn dễ chịu hơn.
- Khoảng từ 6 – 8 tiếng sau phẫu thuật, thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ thấy đau nhức ở vùng mũi và các phần xung quanh. Mức độ cơn đau ở mỗi người sẽ có sự khác nhau. Thông thường, tình trạng đau sẽ đi kèm với hiện tượng sưng và kéo dài trung bình khoảng 5 ngày. Để xoa dịu cơn đau hậu phẫu và phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau kết hợp với kháng sinh.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê nên không có cảm giác đau
Một số lưu ý sau khi nâng mũi
Để giảm bớt những cơn đau và tình trạng sưng cũng như hạn chế khả năng bị nhiễm trùng sau khi phẫu thuật nâng mũi thì bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Tuân thủ lệnh của bác sĩ: Hãy tuân thủ chặt chẽ tất cả các hướng dẫn và y lệnh của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, kháng sinh cũng như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tư thế nằm sau phẫu thuật. Uống thuốc theo đúng liều lượng và thời gian mà bác sĩ đã chỉ định.
- Chườm lạnh: Sử dụng túi lạnh đặt lên vùng mũi sau phẫu thuật để giảm sưng và giảm đau.
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc là quan trọng để giúp cơ thể có thời gian phục hồi.
- Tư thế nằm: Hãy nằm ngửa, thẳng lưng và giữ đầu cao hơn so với cơ thể để giảm áp lực trên mũi và giúp ngăn ngừa sưng to, bầm tím. Không nằm nghiêng, đầu thấp hơn cơ thể hoặc nằm sấp, tránh các áp lực tác động lên mũi như dùng gối đè lên mặt,…
- Hạn chế các hoạt động vận động cường độ cao: Tránh các hoạt động vận động cường độ cao trong giai đoạn phục hồi ban đầu vì chúng có thể làm tăng tình trạng sưng và đau.
- Ăn chế độ ăn nhẹ và dễ tiêu: Tránh thức ăn cứng và khó tiêu trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Hãy chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, hạn chế thức ăn có chất kích thích và gây sưng như rau muống, trứng, hải sản,…
- Môi trường sạch sẽ: Giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, tránh tiếp xúc với bụi bẩn, khói thuốc lá, hóa chất hoặc vi khuẩn có thể làm nhiễm trùng vùng mũi sau phẫu thuật.
- Vệ sinh: Vệ sinh mũi theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, hạn chế dùng tay để kiểm tra vết mổ vì có thể gây tổn thương hoặc nhiễm trùng.
- Theo dõi vết mổ: Quan sát và theo dõi vết mổ thường xuyên, nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường ở vết thương hoặc cơ thể thì cần phải báo ngay với bác sĩ để kịp thời xử lý.
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sau phẫu thuật nâng mũi
Để biết phẫu thuật nâng mũi có đau không thì điều quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn đơn vị thực hiện uy tín, đáng tin cậy. Khi đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất dựa vào tình trạng sức khỏe và thể chất của bạn. Để được tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC, quý vị có thể gọi đến số hotline 1900 56 56 56 để được các Tổng đài viên của bệnh viện hỗ trợ.