Việc môi bị nổi sần không phải là hiện tượng hiếm gặp, nhưng nó có thể khiến nhiều người lo lắng vì không biết đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề này. Nếu bạn đang gặp hiện tượng này hãy tham khảo bài viết của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về tình trạng của mình.
Môi nổi hạt sần sùi là dấu hiệu của bệnh gì?
Môi nổi hạt sần sùi có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, trong đó có các bệnh lý sau đây:
Viêm da môi
Viêm da môi có thể khiến môi nổi lên hạt trắng nhỏ. Bệnh này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ nếu không được điều trị một cách triệt để. Vùng da môi là vùng rất nhạy cảm, vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý đến vùng da môi.
Dấu hiệu của bệnh viêm da môi bao gồm:
- Da môi khô, dễ nứt nẻ và dễ chảy máu hơn so với bình thường.
- Môi bị nổi sần và thường bị ngứa rát, gây khó chịu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp môi bị nổi sần mà không gây ngứa.
- Môi có thể xuất hiện các vết lở loét, thường bắt đầu từ viền môi, gây ảnh hường đến thẩm mỹ và sinh hoạt hàng ngày.
Ung thư miệng
Môi nổi hạt sần sùi cũng có thể là một dấu hiệu liên quan đến căn bệnh ung thư miệng. Ban đầu, những hạt trắng này không thường gây đau đớn nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chúng có thể dẫn đến việc viêm loét và chảy máu sau một thời gian dài.
Ung thư miệng có thể phát triển từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm lạm dụng rượu, hút thuốc lá thường xuyên, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không che chắn, và việc quan hệ tình dục không an toàn.
Môi nổi hạt do mụn rộp sinh dục
Tình trạng môi nổi lên hạt trắng nhỏ có thể xuất phát từ việc quan hệ tình dục qua đường miệng. Các hạt trắng này thực chất là mụn rộp sinh dục, chứa các chất bã nhờn và có nguồn gốc từ các vết loét nhỏ trên viền môi. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, nó có thể gây sưng to và khiến các cục mụn bị vỡ gây viêm nhiễm.
Nấm miệng
Nấm miệng là một bệnh lý do nấm Candida albicans gây ra, khiến môi nổi hạt sần sùi, các vết loét màu trắng trên amidan, miệng, vòm họng, thành sau họng, nướu răng, lưỡi gà hoặc môi.
Môi nổi hạt sần sùi do mụn thịt
Mụn thịt thường xuất hiện trên da trên khắp cơ thể, bao gồm cả mặt. Mặc dù mụn thịt phổ biến hơn ở trẻ em, nhưng cũng có trường hợp các hạt sần sùi xuất hiện trên môi. Mụn thịt là kết quả của tế bào da chết tích tụ trên da. Tình trạng này không nguy hiểm và không gây sưng to như các loại mụn khác nhưng lại gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Môi nổi hạt sần sùi có cần tới bác sĩ không?
Hầu hết các tình trạng môi nổi hạt sần sùi thường không nguy hiểm hay cần thiết phải được cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu môi nổi hạt trắng và xuất hiện các triệu chứng sau đây, bạn nên cân nhắc đến việc thăm khám bác sĩ và tiến hành điều trị kịp thời:
- Môi nổi các hạt sần sùi gây cảm giác đau đớn;
- Các hạt trên môi gây chảy máu;
- Có cảm giác vướng víu và khó chịu ở cổ họng;
- Sưng tại vị trí cổ hoặc cuống họng;
- Lưỡi có cảm giác tê;
- Gặp khó khăn trong việc nuốt và nhai thức ăn;
- Xuất hiện sốt cùng với đau họng.
Trong những trường hợp này, việc thăm khám và tư vấn y tế là quan trọng để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Sau khi bạn đến cơ sở y tế để thăm khám, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các đốm trắng xuất hiện trên môi của bạn. Dựa trên thông tin về tiền sử bệnh và tính chất, kích thước của các hạt trắng, họ sẽ quyết định liệu cần thêm xét nghiệm hay không.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ quyết định lấy mẫu từ các hạt trắng sần sùi trên môi này để thực hiện các phân tích và xét nghiệm. Phương pháp này sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây tình trạng môi nổi hạt sần sùi có liên quan đến nhiềm virus, nấm, vi khuẩn hay không. Hoặc nếu nghi ngờ về ung thư miệng, bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu tế bào sinh thiết để có thể đưa ra chẩn đoán.
Nếu những hạt trắng sần sùi xuất hiện là triệu chứng của ung thư miệng thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư, ngăn chặn sự lây lan, kết hợp với các phương pháp xạ trị hoặc hóa trị.
Cách chăm sóc khi bị môi nổi hạt sần sùi tại nhà
Nhiều người thường coi thường tình trạng môi nổi hạt trắng và tự mình thử các phương pháp như lấy kim để xử lý. Tuy nhiên, cách này không chỉ không thể loại bỏ các hạt sần sùi mà còn có thể gây ra biến chứng kéo dài. Nhiều trường hợp khi tự làm bị nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng toàn thân. Nguyên nhân chính là việc sử dụng kim chưa được tiệt trùng, gây chảy máu và tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn xâm nhập.
Nếu tình trạng môi nổi hạt sần sùi của bạn xuất phát từ bệnh lý, bạn cần tuân thủ theo các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ trong điều trị. Ngoài ra, bạn cần hiểu những kiến thức cơ bản để chăm sóc vùng bị tổn thương hoặc ngăn ngừa tình trạng này tại nhà. Khi chăm sóc môi bị nổi hạt sần sùi tại nhà bạn cần nhớ một số lưu ý sau:
- Đảm bảo cung cấp đủ nước hàng ngày để giữ cho môi đủ độ ẩm.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm để cải thiện tình trạng khô môi.
- Vệ sinh vùng môi bằng nước muối ấm.
- Để ngăn chặn virus và vi khuẩn xâm nhập, bạn có thể tự pha nước muối vệ sinh môi tại nhà. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần pha một cốc nước ấm với một thìa muối và khuấy đều. Sử dụng nước muối này để súc miệng thường xuyên trong ngày.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về môi nổi hạt sần sùi là dấu hiệu của bệnh gì? Môi nổi hạt sần sùi không phải là một tình trạng quá nguy hiểm, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn cần chủ động theo dõi sức khỏe của mình và đến bệnh viện thăm khám nếu có bất kì tình trạng bất thường nào. Mong rằng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích trong việc chăm sóc vùng da môi của mình!
Xem thêm:
- Môi thâm thiếu chất gì? Một số yếu tố khiến môi thâm
- Nguyên nhân gây môi thâm và một số cách làm hồng môi hiệu quả
- Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng lòng môi không ăn son