Hút chì da mặt (thải độc chì) là một liệu trình làm đẹp phổ biến hiện nay. Quy trình thực hiện bao gồm: Làm sạch sâu, tẩy tế bào chết, xông hơi da mặt, thải độc bằng máy hút chì, đưa tinh chất nuôi dưỡng da thẩm thấu vào bên trong.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, liệu pháp hút chì, thải độc trên da mặt là không có cơ sở khoa học. Thực tế, thải chì chỉ là chiêu trò câu khách của các cơ sở làm đẹp và không có chuyện chì được hút đen đầy mặt như quảng cáo ở các trung tâm thẩm mỹ. Máy hút chì cho da mặt được được sử dụng tại các cơ sở làm đẹp thực chất là dòng máy áp suất cao giúp làm giãn nở lỗ chân lông giãn nở, làm sạch bã nhờn và chất bẩn nằm dưới lỗ chân lông. Về bản chất thì liệu pháp hút chì cho da mặt chỉ là tẩy tế bào chết và làm sạch sâu cho da.
Các chuyên gia da liễu cho biết, từ hàng trăm năm trước người ta đã phát hiện việc cho chì vào mỹ phẩm làm đẹp gây ngộ độc, ảnh hưởng tới nội tạng, thần kinh. Vì vậy, chì đã bị cấm cho vào mỹ phẩm. Hiện nay, các loại mỹ phẩm chính hãng với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thường không có chì nên những người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm không cần phải thải độc chì. Chỉ những trường hợp bị ngộ độc chì thì mới cần thải độc theo chỉ định của bác sĩ.
Còn việc sau liệu trình hút chì – thải độc ở các cơ sở thẩm mỹ, trên da chị em xuất hiện màu đen thì đây là một chiêu trò của các địa điểm làm đẹp. Bởi khi sử dụng một chất không rõ nguồn gốc lên da, kết hợp với mồ hôi, chất nhờn thải ra qua da, khi gặp nhiệt độ cao có thể tạo phản ứng hóa học, làm xuất hiện màu đen trên mặt (đó không phải là chì). Khách hàng không nắm được bản chất của phương pháp này sẽ lầm tưởng đây là chì được thải độc ra khỏi cơ thể.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia da liễu, người dân cần cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo và nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn trước khi thực hiện bất kỳ một phương pháp làm đẹp nào để tránh tiền mất tật mang.
XEM THÊM: Cách kiểm tra chì trong mỹ phẩm