1. Những nguyên nhân gây nên hội chứng Rosacea
Rosacea là tình trạng da bị đỏ, phổ biến nhất là ở vùng da mặt. Hội chứng này có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Trong số đó, nhóm phụ nữ trung niên có làn da sáng màu thường có tỷ lệ mắc phải cao hơn.
Da mặt bị đỏ – dấu hiệu điển hình của hội chứng Rosacea
Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây nên tình trạng Rosacea. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nguy cơ cao có thể liệt kê như:
1.1. Mạch máu có sự bất thường
Nhiều chuyên gia cho rằng, những dấu hiệu bất thường từ mạch máu ở vùng mặt chính là nguyên nhân khiến da mặt bị đỏ. Qua đó, lý giải được biểu hiện nóng bừng mặt, da ửng đỏ hoặc các mạch máu nổi kéo dài của hội chứng Rosacea.
1.2. Các peptide trên da
Các yếu tố tác động từ bên ngoài ví dụ như tia cực tím, các loại đồ ăn cay nóng, rượu bia, căng thẳng,… có thể khiến một số phân tử ở trong da được kích hoạt (các peptide). Nồng độ peptide tăng cao sẽ khiến hệ miễn dịch hoặc hệ thần kinh bị ảnh hưởng. Sự hoạt hóa của những hệ này sẽ làm xuất hiện tình trạng giãn mạch, làn da bị ửng đỏ hoặc bị viêm.
Peptide được kích hoạt có liên quan đến sự hình thành của Rosacea
1.3. Các vi mạt
Trên da chúng ta luôn tồn tại các loài vi mạt (demodex folliculorum) với kích thước siêu nhỏ và không có hại đối với sức khỏe. Tuy nhiên, với những trường hợp bị mắc Rosacea thì số lượng vi mạt sinh sống ở trên da là cực kỳ lớn, từ đó có thể gây nên hiện tượng da mặt bị ửng đỏ.
Hiện tại, vẫn chưa có một lời khẳng định chắc chắn nào về việc các vi mạt là nguyên nhân hay hậu quả của tình trạng da bị ửng đỏ. Tuy nhiên, vẫn có những giả thuyết được đưa ra về việc da ửng đỏ là do phản ứng của làn da đối với vi khuẩn ở trong phân của các vi mạt.
1.4. Những nguyên nhân khác
Tình trạng da mặt bị đỏ có thể do một số yếu tố khác gây nên. Các yếu tố này không trực tiếp gây ra hội chứng Rosacea nhưng chúng khiến triệu chứng của bệnh rõ rệt hơn, ví dụ:
- Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng.
- Căng thẳng kéo dài.
- Thay đổi thời tiết đột ngột.
- Luyện tập quá sức.
- Dùng nhiều các loại đồ uống có cồn hoặc có chứa caffeine.
- Tắm nước quá nóng.
- Ăn những món ăn cay, nóng.
- Thời kỳ mãn kinh.
- Một vài loại bệnh lý và tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Nhiều yếu tố có liên quan khác cũng được cho là nguyên nhân của Rosacea
2. Những triệu chứng nhận biết điển hình
Hầu hết những trường hợp bị Rosacea đều sẽ xuất hiện các triệu chứng theo từng đợt một. Biểu hiện da mặt bị đỏ sẽ có sự khác biệt tùy cơ địa của từng người, cụ thể như sau:
- Da mặt ửng đỏ: Đây là tình trạng da mặt bị ửng đỏ trong khoảng thời gian ngắn khoảng vài phút. Một vài trường hợp, cả vùng cổ và ngực cũng bị nổi đỏ hoặc có thêm cảm giác nóng bừng ở trên mặt.
- Hồng ban kéo dài: Những vết hồng ban này sẽ xuất hiện tương tự như vùng da bị cháy nắng kéo dài. Hồng ban thường phổ biến ở các khu vực như má, mũi, cằm, trán, cổ và vùng ngực.
- Bị giãn mạch máu: Tình trạng này có thể kéo dài vĩnh viễn và nhìn thấy rõ ở trên da mặt. Kéo theo đó, da mặt bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các nốt sần và mụn mủ.
- Da dày hơn: Các trường hợp bị Rosacea nặng thường thấy da mình dày hơn, đặc biệt là xung quanh mũi khiến bộ phận này có hình dáng không bình thường (như: mũi bị phì đại). Mũi bị phì đại là biểu hiện không thường gặp và là một triệu chứng nghiêm trọng, thường sẽ khởi phát sau nhiều năm và phổ biến hơn ở các bệnh nhân nam.
Biểu hiện điển hình của Rosacea là da mặt bị ửng đỏ
Ngoài ra, người mắc Rosacea còn có thể xuất hiện thêm một vài triệu chứng khác như: làn da trở nên nhạy cảm hơn, khô hơn, bị sưng mặt. Hội chứng Rosacea gần như không có các tổn thương tồn tại vĩnh viễn.
Ngoài những triệu chứng kể trên, Rosacea cũng tồn tại một dạng khác có ảnh hưởng đến mắt với những biểu hiện gồm:
- Khiến mắt cảm thấy khó chịu, bị cộm mắt.
- Gây khô mắt.
- Xuất hiện cảm giác kích thích và có các vằn đỏ ở mắt.
- Bị viêm bờ mi mắt.
Hội chứng này trong một số trường hợp còn khiến cho giác mạc bị viêm và có tổn thương nghiêm trọng, ví dụ như bị đau mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng hoặc thị lực yếu.
3. Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị
Khi bạn nhận thấy da mặt bị đỏ đi kèm những biểu hiện kéo dài khác thì nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám.
3.1. Phương pháp chẩn đoán
Cho đến hiện tại, không có một phương pháp xét nghiệm đặc hiệu nào được sử dụng để chẩn đoán Rosacea. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ hỏi thăm về tiền sử bệnh án và tiến hành thăm khám lâm sàng. Một vài xét nghiệm khác có thể được chỉ định nhằm xác định và phân biệt rõ ràng với những dạng bệnh lý khác.
3.2. Các biện pháp điều trị
Mục đích của việc điều trị Rosacea là để kiểm soát các triệu chứng, hạn chế sự phát triển của bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà phương án và thời gian điều trị sẽ có sự khác biệt.
Biện pháp điều trị được chỉ định tùy từng trường hợp cụ thể
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kê đơn theo các biểu hiện lâm sàng, có thể dùng kết hợp nhiều nhóm thuốc để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi có hướng dẫn của bác sĩ:
- Thuốc điều trị tại chỗ: Thường là các dạng kem hoặc gel bôi sử dụng cho những vùng da có biểu hiện của bệnh.
- Kháng sinh đường uống được chỉ định cho những trường hợp bệnh ở mức độ trung bình đến nặng có đi kèm mụn mủ.
- Thuốc điều trị trứng cá dạng uống: Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng được những phương án điều trị khác thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị trứng cá theo đường uống để giảm thiểu các tổn thương do Rosacea gây nên.
Ngoài ra, một vài biện pháp ánh sáng hoặc laser cũng có thể giúp tình trạng ửng đỏ trên da mặt do sự giãn nở mạch máu giảm đi đáng kể. Để quá trình điều trị đạt được kết quả tốt, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với những yếu tố có khả năng gây khởi phát hoặc khiến cho các biểu hiện phát triển nặng hơn.
Hy vọng, với những nội dung liên quan đến biểu hiện da mặt bị đỏ của hội chứng Rosacea mà MEDLATEC đã đề cập ở trên sẽ giúp bạn có được thông tin hữu ích. Nếu có bất cứ biểu hiện nào nghi ngờ về bệnh lý, bạn đi thăm khám ở cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Da liễu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ kiểm tra và tư vấn hướng điều trị. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ đến số điện thoại 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ chi tiết hơn.