Mẩn ngứa ở mặt là tình trạng da mặt bị kích ứng do nhiều nguyên nhân gây nên. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng tới thẩm mỹ khuôn mặt. Nếu không được xử lý và điều trị kịp thời, mẩn ngứa có thể lan rộng, gây tổn thương nghiêm trọng. Dưới đây là một số thông tin, nguyên nhân cũng như giải pháp giúp bạn khắc phục tình trạng nổi mẩn ngứa trên mặt hiệu quả.
1. Bị dị ứng mẩn ngứa ở mặt là gì?
Da mặt có đặc điểm mỏng manh và cực kỳ nhạy cảm. Vùng da này dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên hay chịu ảnh hưởng từ môi trường.
Dị ứng mẩn ngứa ở mặt là tình trạng da mặt phát ban, xuất hiện nhiều mẩn đỏ trên mặt gây ngứa, khó chịu. Nguyên nhân gây mẩn ngứa có thể do da mặt tiếp xúc với hóa chất, bị kích ứng bởi một số tác nhân bên ngoài. Bị nổi mẩn ngứa trên mặt gây ra nhiều tổn thương với các mức độ khác nhau tùy vào vùng da bị ảnh hưởng.
Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào. Các nốt mẩn đỏ không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
2. Nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa ở mặt
Việc xác định đúng nguyên nhân bị nổi mẩn ngứa trên mặt sẽ giúp bạn có hướng điều trị đúng đắn. Một số nguyên nhân thường gặp gây mẩn đỏ ngứa trên mặt có thể kể đến như:
2.1 Mẩn ngứa trên da mặt do dị ứng thời tiết
Sự thay đổi đột ngột của thời tiết từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại là tác nhân khiến da bị nổi mẩn đỏ, gây ngứa rát. Trong đó, mặt là vùng da thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhất. Lúc này da mặt không chỉ ngứa mà còn ửng đỏ, đau rát.
2.2 Dị ứng thực phẩm gây mẩn ngứa
Không ít người có cơ địa dị ứng với các loại đồ ăn, thức uống nhất định. Nếu vô tình sử dụng phải các loại thực phẩm này sẽ xuất hiện tình trạng chóng mặt, buồn nôn, cơ thể ngứa ngáy, khó chịu, phát ban trên da, dễ thấy nhất là vùng da mặt.
Một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng như: Hải sản, các loại đậu, trứng, sữa…
2.3 Bị mẩn đỏ ngứa ở mặt do thay đổi nội tiết tố
Phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên trong giai đoạn dậy thì hoặc phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh… thường bị thay đổi hoặc rối loạn nội tiết tố. Lúc này lượng Estrogen sụt giảm, có thể khiến da tiết nhiều bã nhờn gây nổi mụn hoặc mẩn đỏ khắp mặt.
2.4 Da mặt mẩn ngứa do vệ sinh sai cách
Hằng ngày da mặt phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, mỹ phẩm, tia UV, hóa chất độc hại… Các cặn bẩn kết hợp dầu nhờn bịt kín lỗ chân lông, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách, sẽ khiến lỗ chân lông ngày càng bít tắc. Điều này dẫn đến các đám mụn li ti, gây ngứa da mặt.
2.5 Mẩn ngứa da mặt do bệnh lý
Một số bệnh lý ngoài da như viêm da, mề đay… Hoặc các bệnh bên trong cơ thể liên quan đến gan, thận, bệnh lý về chuyển hóa… cũng có thể khiến da mặt nổi mẩn ngứa. Chúng ta cần điều trị các bệnh lý này để giải quyết tình trạng mẩn ngứa trên da mặt.
Ngoài ra cơ thể thiếu nước khiến da khô, bong tróc cũng là nguyên nhân khiến da tổn thương, thường xuyên xuất hiện mẩn ngứa.
3. Mẩn ngứa trên mặt là bệnh gì?
Ngay bây giờ chúng ta cùng đi vào chi tiết từng bệnh lý có thể khiến da mặt bị mẩn ngứa, khó chịu:
3.1 Mẩn ngứa do bệnh viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng khiến da mặt xuất hiện các nốt sần đỏ rát, sần sùi ngoài da. Nhiều trường hợp, một số vùng da mặt sẽ bị tăng sắc số bất thường.
Viêm da dị ứng xuất hiện do một hoặc nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Da kích ứng do dùng mỹ phẩm, chất tẩy rửa (xà phòng, sữa rửa mặt)…
- Tiếp xúc môi trường ô nhiễm.
- Dị ứng thời tiết.
3.2 Bệnh viêm da tiết bã ở mặt
Bệnh viêm da tiết bã cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu nổi mẩn ngứa ở mặt và cổ. Các triệu chứng thường thấy là nóng rát, đỏ da và xuất hiện nhiều bã nhờn.
Nhiều bệnh nhân có các triệu chứng viêm da tiết bã có thể không rõ ràng, một số khác triệu chứng lại rầm rộ, nghiêm trọng tùy thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh mắc phải.
Nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã ở mặt được cho là do:
- Tuyến bã nhờn dưới da hoạt động quá mức.
- Hoạt động của các hormone giới tính (rối loạn nội tiết tố).
- Yếu tố di truyền.
3.3 Nổi mề đay gây mẩn ngứa ở mặt
Tình trạng phát ban, nổi mẩn ngứa trên da mặt cũng là một trong những dạng biểu hiện của chứng nổi mề đay. Mề đay trên mặt đặc trưng bởi các nốt sần cứng, có thể mọc rải rác hoặc thành từng mảng. Người bệnh bị nổi mề đay do nhiều nguyên nhân như: dị ứng thời tiết, thực phẩm, vệ sinh da mặt kém…
Mề đay có tính chất cấp tính, bùng phát theo đợt và có thể tái đi tái lại nhiều lần.
Mề đay – Những kiến thức quan trọng cần nằm lòng trong điều trị
Ngoài ra, một số bệnh về da khác như: Viêm da tiếp xúc, vẩy nến, viêm da ứ đọng… cũng có thể gây ngứa và nổi mẩn đỏ trên mặt.
3.4 Các bệnh lý về chuyển hóa
Những người mắc phải các bệnh lý về chuyển hóa như tiểu đường, cường tuyến giáp… có thể gây ra rối loạn nội tiết tố, tích tụ độc tố trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài, khiến cơ thể gặp phải các vấn đề như nổi mẩn, ngứa ngoài da. Trong đó, mặt là vùng da dễ biểu hiện ra bệnh lý nhất.
3.5 Mẩn ngứa do mắc các bệnh về gan thận
Suy thận: Ở những người bị suy thận, thường có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và nổi mẩn khắp người cũng như trên da mặt do chức năng thận suy giảm. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày thời tiết nắng nóng.
Bệnh về gan: Là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mẩn ngứa khắp người. Khi chức năng gan suy giảm, ảnh hưởng tới quá trình thải độc của gan, các độc tố bên trong không được đào thải ra ngoài mà tích tụ gây nóng trong, khiến da nổi mụn nhọt, mẩn ngứa.
4. Một số triệu chứng mẩn ngứa ở mặt
Khi bị mẩn ngứa ở mặt sẽ gây ra một số triệu chứng khó chịu như:
- Da mặt xuất hiện các nốt mẩn đỏ hoặc sần ngứa.
- Sờ vào thấy khô ráp, sần sùi, khác biệt với các vùng da xung quanh.
- Mẩn đỏ có thể lan rộng khi sờ hoặc gãi.
- Mặt nóng ran, ngứa dữ dội, cảm giác châm chích.
- Trường hợp nặng có thể sưng phù, đặc biệt phần môi, mắt, tai.
5. Mẩn ngứa ở mặt có nguy hiểm không?
Da mặt bị nổi mẩn ngứa thông thường có thể dễ dàng chữa khỏi và không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên một số trường hợp thường xuyên xuất hiện mẩn ngứa, người bệnh phải đối mặt với các nguy cơ:
- Tổn thương da mặt: Gãi liên tục khi ngứa, nhất là tình trạng gãi mất kiểm soát trong lúc ngủ khiến da mặt tổn thương, tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Mất thẩm mỹ: Các nốt mẩn đỏ, tổn thương do gãi, thậm chí là sẹo gây mất thẩm mỹ.
- Nguy cơ lão hóa sớm: Tổn thương do mẩn ngứa gây ra có thể khiến cấu trúc da bị phá hủy. Điều này làm tăng nguy cơ lão hóa.
6. Khi nào cần đi khám bác sĩ
Để tránh các biến chứng không mong muốn, bạn cần theo dõi tình trạng mẩn ngứa của bản thân, đến các cơ sở da liễu uy tín khi xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Da mặt bị mẩn ngứa kéo dài trên 2 tuần, không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn.
- Nốt mẩn ngứa chảy dịch, có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Cơ thể mệt mỏi, sốt cao, đau nhức…
- Nóng rát, ngứa kéo dài gây khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc.
7. Cách điều trị mẩn ngứa ở mặt
Mẩn ngứa trên mặt tùy thuộc mức độ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Trường hợp mẩn ngứa thông thường có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị tại nhà. Trường hợp mẩn ngứa kéo dài, gây viêm nhiễm cần khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
7.1 Tìm hiểu và loại bỏ nguyên nhân gây mẩn ngứa ở mặt
Đầu tiên, bạn cần xác định mẩn ngứa trên mặt mình là do đâu. Ngưng sử dụng các thức ăn, mỹ phẩm… gây dị ứng để tránh bệnh diễn biến nghiêm trọng và viêm nhiễm nặng hơn.
Trường hợp không tìm được nguyên nhân chính xác, bạn có thể thực hiện phương pháp loại trừ yếu tố dẫn đến mẩn ngứa như:
- Ngưng dùng các thực phẩm và đồ uống có thể gây dị ứng như: hải sản, rượu bia, chất kích thích…
- Hạn chế tối đa trang điểm khi bị mẩn ngứa.
- Kiểm tra thành phần mỹ phẩm đang dùng, không dùng các loại có chất gây kích ứng như: Paraben, dầu khoáng, chì, cồn…
- Mang khẩu trang khi ra ngoài để tránh bụi bẩn.
7.2 Trị mẩn ngứa ở mặt tại nhà bằng các cách tự nhiên
Một số biện pháp chăm sóc hữu hiệu khi bị mẩn ngứa trên mặt, người bệnh có thể tham khảo như:
❖ Vệ sinh da với nước muối sinh lý
Khi da mặt xuất hiện mẩn đỏ gây ngứa, bạn cần ngưng sử dụng các loại nước tẩy trang, mỹ phẩm, sữa rửa mặt… Thay vào đó dùng nước muối sinh lý để làm sạch da. Tác dụng của nước muối sinh lý là kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm mẩn đỏ, ngứa rát cho da.
Có thể dùng nước muối sinh lý rửa mặt 2 lần/ngày vào sáng và tối.
❖ Xông hơi thải độc cho da bằng nước lá bạc hà
Cách này giúp lỗ chân lông thông thoáng, loại bỏ được bụi bẩn, kháng khuẩn cho làn da. Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch một nắm lá bạc hà đun sôi với nửa lít nước.
- Dùng nước này xông mặt đến khi nước nguội.
- Có thể tận dụng nước xông để rửa mặt giảm ngứa.
❖ Đắp mặt nạ chữa mẩn ngứa cho da
Khi bị mẩn ngứa, khó chịu bạn có thể dùng các nguyên liệu có sẵn trong nhà để làm thành mặt nạ để đắp lên da. Một số loại mặt nạ làm dịu mẩn ngứa ở mặt hiệu quả như:
Đắp mặt nạ dưa leo:
- Rửa sạch 1 quả dưa leo.
- Thái lát mỏng đắp lên mặt.
- Để khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước ấm.
Đắp mặt nạ yến mạch:
- Trộn 1-2 thìa yến mạch với mật ong và sữa chua.
- Đắp hỗn hợp lên mặt.
- Đợi 15 phút rồi rửa lại mặt.
Đắp mặt nạ sữa chua + nghệ:
- Trộn 2 thìa sữa chua không đường với 1 thìa cà phê tinh bột nghệ.
- Bôi đều lên da mặt.
- Đắp mặt nạ khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước ấm.
7.3 Điều trị mẩn ngứa ở mặt bằng thuốc
Khi bị mẩn ngứa nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc để điều trị như:
❖ Thuốc bôi ngoài da chứa corticoid: Dùng khi da bị bội nhiễm, viêm sưng, có vi khuẩn. Tuy nhiên loại thuốc này có thể làm mỏng và bào mòn da.
❖ Thuốc kháng histamin: Tùy trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định một số loại như: Promethazin hydroclorid, Gentrisone, Clorpheniramin maleat…
❖ Kem dưỡng ẩm phục hồi da: Giúp cung cấp độ ẩm cho da, phục hồi các tổn thương do mẩn ngứa gây nên. Một số loại kem dưỡng ẩm được chỉ định: Eucerin Ato Control, Swissline Force Vitale Aqua…
❖ Thuốc ức chế miễn dịch: Được kê trong trường hợp không đáp ứng với các loại thuốc trên. Một số thuốc ức chế miễn dịch phổ biến được bác sĩ kê như: Cyclosporine, Tacrolimus, Mycophenolate…
❖ Thuốc sát trùng chống viêm nhiễm ngoài da: Ngăn ngừa bội nhiễm và giảm kích ứng da: Oxy già, cồn (Ethanol)…
8. Lưu ý trong và sau khi điều trị mẩn ngứa da mặt
Để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như hạn chế tổn thương cho da mặt, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuyệt đối không gãi vào vùng da bị ngứa.
- Hạn chế ăn các thực phẩm từng gây dị ứng.
- Hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm cũ từ 6-12 tháng.
- Vào mùa hanh khô nên dùng máy tạo độ ẩm để tránh da bị khô rát.
- Nên tắm nước ấm hoặc nước mát để bảo vệ độ ẩm cho da, tránh tắm nước quá nóng.
- Tránh các chất, thành phần khiến da bị kích ứng, đặc biệt là những chất có đặc tính tẩy rửa mạnh lên da mặt.
☞ Kết luận chung
Mẩn ngứa ở mặt gây kích ứng da và làm mất thẩm mỹ, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Mẩn ngứa có thể xảy ra do dị ứng hoặc các bệnh lý về da, gan thận, chuyển hóa… Trong trường hợp mẩn ngứa kéo dài, thường xuyên tái phát, gây viêm nhiễm… cần đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và điều trị.
XEM THÊM:
- Mẩn ngứa nổi cục là gì? – Nguyên nhân và cách điều trị
- #13 loại lá tắm chữa mẩn ngứa hiệu quả từ lần đầu sử dụng
- Top 10 thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa dị ứng mẩn ngứa nên chọn