1. Sự khác biệt giữa cấu trúc da mặt với cấu trúc da toàn thân
Những điểm khác biệt giữa cấu trúc da mặt và da toàn thân nằm ở 3 lớp của làn da, cụ thể như sau:
Cấu trúc của da
– Đối với lớp biểu bì: Đây là lớp ngoài cùng của da, cũng chính là lớp da mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường và chạm vào để cảm nhận. Vai trò của lớp biểu bì là ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, những tác nhân từ bên ngoài và tránh để da bị mất nước. Lớp biểu bì của da mắt thường mỏng hơn lớp biểu bì của các vùng da khác trên cơ thể
– Đối với lớp hạ bì: Đây là lớp dày nhất của da và nằm dưới biểu bì. Thành phần chính tạo nên lớp hạ bì là collagen, sợi đàn hồi cùng với các mô liên kết. Bên cạnh đó, lớp hạ bì còn có chứa mạch máu, nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, các đầu dây thần kinh.
Nhiệm vụ của lớp hạ bì là giúp hạn chế các tác động từ bên ngoài lên cơ thể khi xảy ra va chạm. Bên cạnh đó, nguyên bào sợi, mô liên kết và dưỡng bào sẽ giúp vết thương nhanh lành hơn.
Lớp hạ bì còn có tác dụng điều hòa thân nhiệt. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, mạch máu sẽ giãn nở để giúp da tỏa nhiệt. Ngược lại, khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường, các mạch máu sẽ co lại giúp điều hòa thân nhiệt. Những tuyến bã nhờn ở lớp hạ bì có nhiệm vụ tiết dầu cho bề mặt da.
Lớp hạ bì ở da mặt thường có chứa nhiều mạch máu hơn các vùng da khác. Tại đây, cũng tập trung nhiều tuyến bã nhờn hơn các vùng da khác. Do đó, da mặt thường tiết nhiều dầu hơn và là vùng da rất dễ bị mụn trứng cá. Ngoài ra, các tuyến mồ hôi apocrine trên da mặt cũng thường ít hơn các vùng da khác
– Đối với lớp mô mỡ dưới da: Tác dụng của lớp mô mỡ này là cách nhiệt, nó giống như một lớp đệm bảo vệ cơ thể và dự trữ năng lượng cho cơ thể. Vùng da mặt không tập trung nhiều mô mỡ. Trong khi đó, vùng da tập trung nhiều mô mỡ trên cơ thể là vùng da đùi, mông (ở nữ) và vùng bụng, đùi (ở nam giới).
– Da mặt là vùng da mỏng manh và phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên dễ bị khô và lão hóa hơn so với những vùng da khác trên cơ thể. Chính vì thế, bạn nên chú ý chăm sóc da mặt nhiều hơn và cần thực hiện nhẹ nhàng, lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ để tránh làm tổn thương da.
2. Các loại da mặt và cách chăm sóc phù hợp
Ngoài việc quan tâm đến cấu trúc da mặt, bạn cũng nên chú ý đến chăm sóc da phù hợp với từng loại da. Cụ thể như sau:
1.1. Da thường và cách chăm sóc phù hợp
Là làn da khỏe, không có nhiều dầu nhưng cũng không quá khô. Thông thường, làn da này sẽ không cần chăm sóc quá cầu kỳ, nhất là những trường hợp không bị dị ứng hay nổi mụn.
Khi chăm sóc loại da này, bạn cần lưu ý một số điều sau:
– Rửa mặt đúng cách và thực hiện đều đặn 2 lần/ngày. Nên rửa mặt vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
– Một tuần nên thực hiện tẩy tế bào chất khoảng 2 lần để làn da luôn được tươi trẻ.
– Thực hiện dưỡng ẩm cho da bằng các loại kem dưỡng, serum hay các loại mặt nạ từ thiên nhiên để ngăn ngừa nếp nhăn và làm chậm quá trình lão hóa da.
– Thường xuyên dùng kem chống nắng để bảo vệ da trước những tác động của tia cực tím.
2.2. Da dầu
Làn da dầu rất dễ nhận biết. Ngay cả khi soi gương hay sờ tay lên mặt, bạn đã có thể cảm nhận được đang có nhiều dầu trên da mặt. Bên cạnh đó, làn da dầu thường có lỗ chân lông khá to. Nếu không biết cách chăm sóc, da dầu sẽ dễ bị nổi mụn.
Da dầu dễ bị nổi mụn
Cách chăm sóc da dầu như sau:
– Rửa mặt kỹ với nước ấm để ngăn ngừa tình trạng dầu nhờn làm bít tắc lỗ chân lông.
– Tẩy tế bào chết 1 – 2 lần/ tuần với mục đích giúp làn da của bạn luôn thoáng sạch, ngừa mụn.
– Dùng giấy thấm dầu hoặc bông tẩy trang để kiểm soát lượng dầu trên da mặt.
– Dùng kem dưỡng ẩm để kiểm soát tuyến bã nhờn, lưu ý nên chọn những loại kem từ thiên nhiên và có chứa axit hyaluronic
– Dùng kem chống nắng không chứa gốc dầu để bảo vệ da hiệu quả hơn.
2.3. Da khô
Da khô có thể là do cơ địa nhưng cũng có thể là do những tác động từ thời tiết hay một số yếu tố ngoại cảnh khác. Làn da khô cũng dễ nhận biết. Khi sờ vào da, bạn có thể cảm nhận rõ làn da đang bị thiếu nước. Bên cạnh đó, da thường sần sùi hoặc có hiện tượng bong tróc vảy, hay bị ngứa,… Da khô thường có tính đàn hồi kém và dễ bị lão hóa.
Da khô hay có hiện tượng bong tróc
Khi chăm sóc da khô, cần lưu ý những điều sau:
– Không dùng nước nóng để rửa mặt, không dùng các sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh.
– Tẩy da chết bằng những thực phẩm có chứa AHA và BHA để giúp da luôn mềm mại.
– Thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm cho da.
– Uống đủ nước mỗi ngày.
2.4. Da nhạy cảm
Là loại da mặt dễ bị gây kích ứng bởi những yếu tố như thời tiết, phấn hoa, lông thú, đồ ăn,… Biểu hiện của da khi bị tác động bởi các yếu tố nêu trên có thể là nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, thậm chí là gây biến chứng.
Rửa mặt là bước chăm sóc da cơ bản và quan trọng
Khi chăm sóc làn da nhạy cảm bạn cần đặc biệt lưu ý đến việc lựa chọn mỹ phẩm. Tốt nhất hãy chọn những sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên.
2.5. Da hỗn hợp
Là loại da mà ở các vùng khác nhau sẽ có những đặc tính khác nhau. Chẳng hạn ở vùng mũi và trán thì tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, trong khi 2 bên má thì da hoàn toàn bình thường,… Để chăm sóc da hỗn hợp đúng cách, bạn cần lưu ý về việc cấp ẩm cho da và kiểm soát dầu cho những vùng da nhờn.
Hi vọng những thông tin về sự khác biệt giữa cấu trúc da mặt với da toàn thân, các loại da mặt và cách chăm sóc phù hợp sẽ giúp bạn hiểu rõ về da mặt và chăm sóc da đúng cách. Nếu còn thắc mắc hoặc có nhu cầu thăm khám và điều trị các bệnh lý về da, quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hướng dẫn đặt lịch khám sớm.