Tin tức

1. Hình ảnh mụn nội tiết

Mụn nội tiết hay mụn trứng cá hình thành khi chất bã nhờn bị sản xuất dư thừa trong các nang lông ở da. Khi bã nhờn và dầu thừa ùn tắc, tích tụ trong các lỗ chân lông thì sẽ tạo nên các nốt mụn mủ, kết hợp với sự xâm nhập của vi khuẩn chúng sẽ khiến các nốt mụn sưng viêm, đau nhức.

Mọi nhóm tuổi đều có thể gặp phải mụn nội tiết, nhưng phổ biến hơn ở là thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, khi đang mang thai hoặc ở giai đoạn mãn kinh. Đó đều là những giai đoạn cơ thể có sự thay đổi lớn kéo theo sự rối loạn ở hệ nội tiết và dẫn đến sự hình thành của mụn trên da.

Các triệu chứng để nhận diện mụn nội tiết:

  • Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh mụn nội tiết đầu trắng, đầu đen hoặc nốt nang với nhân mụn sưng viêm, mụn bọc, mụn ẩn nằm sâu trong da hay mụn nang gây đau nhức cho “khổ chủ”.
  • Chúng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như ở cằm, má, lưng, ngực, trán, quai hàm, vùng chữ T (trán, mũi, cằm) ở lứa tuổi dậy thì, vùng xương hàm và 2 gò má ở độ tuổi trưởng thành.
  • Mụn thường tái phát nhiều lần (trung bình 1 lần/tháng): sự hoạt động quá mức của progesterone và estrogen sẽ kích thích sinh mụn đều đặn ở cùng một thời điểm và cùng một vị trí hàng tháng.
  • Cục nang lớn có nhân sâu nổi lên: thường là những mụn viêm nặng, xuất hiện lặp lại nhiều lần ở cùng một vị trí, dai dẳng và khó hết. Sau khi rời đi, nốt mụn còn để lại sẹo thâm rất mất thẩm mỹ.
  • Mụn nội tiết xuất hiện đồng thời với biểu hiện cường Androgen: bệnh nhân rậm lông, rụng tóc, giọng nói trầm hơn, kinh nguyệt thất thường (vô kinh, trễ kinh,…).
  • Mụn mọc dai dẳng, tái phát và điều trị mãi không khỏi cho dù đã áp dụng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh.

Hình ảnh mụn nội tiết

Hình ảnh mụn nội tiết

2. Mụn nội tiết hình thành do nguyên nhân gì?

Sau đây là một số yếu tố khiến mụn nội tiết xuất hiện trên da bạn:

  • Nam giới đang trong quá trình trị liệu với testosterone.
  • Nồng độ hormone ở nữ thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, mang bầu, ngừng sử dụng thuốc tránh thai, tiền mãn kinh hay mãn kinh.
  • Di truyền trong gia đình.
  • Do dùng thuốc và nổi mụn là tác dụng phụ của các thuốc này, ví dụ như steroid, thuốc tránh thai.
  • Thường xuyên lo âu, stress.
  • Người chuyển giới vì họ phải tiêm thuốc nội tiết tố.
  • Lối sống không khoa học: giờ giấc sinh hoạt thất thường, chăm sóc da kém, ăn uống thiếu lành mạnh,…

Mụn nội tiết gây mất thẩm mỹ trên gương mặt

Mụn nội tiết gây mất thẩm mỹ trên gương mặt

3. Điều trị mụn nội tiết bằng phương pháp nào?

Ngoài việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt, ăn uống thì mụn nội tiết cần phải có sự can thiệp y khoa. Bệnh nhân tốt nhất nên đi khám chuyên khoa da liễu nhằm được chẩn đoán đúng nguyên nhân gây mụn. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn một số loại thuốc sau trong điều trị mụn nội tiết:

  • Thuốc tránh thai: giúp cân bằng các hormone, điều hòa nội tiết và trị mụn. Nhưng chỉ áp dụng cho những phụ nữ khỏe mạnh, chưa có kế hoạch sinh con. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai cũng khá nghiêm trọng nếu dùng lâu dài, ví dụ như ảnh hưởng tới hệ tim mạch, đau nửa đầu, bệnh về gan, thay đổi tâm lý bất thường, trầm cảm,… Không dùng thuốc cho người tiền sử ung thư, bệnh tim mạch, huyết áp cao, bị tiểu đường hay bệnh về gan,…
  • Thuốc chứa Retinol dạng bôi: dùng cho những trường hợp bị mụn nhẹ, giúp giảm tiết bã nhờn, tái tạo tế bào da, hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông, giảm mụn và kháng viêm. Thuốc còn có khả năng làm mờ vết thâm sẹo hiệu quả. Nhưng nhược điểm của Retinol đó là làm tăng độ nhạy cảm của da dưới ánh nắng mặt trời, không được dùng cho mẹ bầu và người đang cho con bú.
  • Thuốc kháng Androgen: có tác dụng duy trì độ ổn định của nội tiết tố Androgen, hạn chế sự tăng sinh của mụn nội tiết và không chỉ định dùng cho những bệnh nhân suy gan, tăng kali máu, chảy máu bất thường ở tử cung, suy thận, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Thuốc kháng sinh: Doxycycline, Minocycline, Macrolide,… giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng cho các nốt mụn.
  • Axit Azelaic: có trong các loại thuốc dạng kem bôi với nồng độ hoạt chất là 20%. Tần suất bôi loại thuốc này nên là 2 lần/ngày để giảm viêm và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn C.Acnes. Thuốc còn có một tác dụng đặc biệt khác đó là làm đảo ngược quá trình sừng hóa nang lông, giảm thâm sẹo mụn và tiêu cồi mụn. So với Retinol thì hoạt chất axit azelaic này ít gây tác dụng ngoại ý hơn.
  • Benzoyl peroxide: đây là hoạt chất có tác dụng hạn chế nguy cơ kháng thuốc và ngăn chặn vi khuẩn có thể gây mụn cho da. Nồng độ của Benzoyl peroxide có thể giao động từ 2,5 – 10%. Ban đầu bệnh nhân nên dùng liều khởi đầu ở nồng độ 2,5%, sau đó dần tăng tỷ lệ này lên để da dung nạp thuốc tốt hơn. Khi tăng dần Benzoyl peroxide theo nồng độ, hoạt chất này có thể gây kích ứng cho da nên cần cẩn trọng khi dùng.
  • Axit salicylic: công dụng chính là giúp tẩy tế bào chết, giảm hình thành nhân mụn, hòa tan dầu thừa, làm thông thoáng lỗ chân lông. Hiện nay có nhiều sản phẩm chăm sóc da có chứa thành phần hoạt chất này, từ tẩy tế bào chết, toner, sữa rửa mặt cho tới serum trị mụn,…

Chăm sóc da cẩn thận sẽ giúp hạn chế được các vết mụn nội tiết

Chăm sóc da cẩn thận sẽ giúp hạn chế được các vết mụn nội tiết

Việc sử dụng những loại thuốc nêu trên trong điều trị mụn nội tiết cần phải có sự kê đơn và chỉ dẫn từ bác sĩ da liễu. Vì những tác dụng phụ do các thuốc này gây ra cho sức khỏe cũng rất nghiêm trọng nếu bị dùng sai cách.

Trung bình một nốt mụn nội tiết có thể dai dẳng xuất hiện trên da chúng ta trong khoảng thời gian tối thiểu từ vài ngày cho tới vài tuần. Trong trường hợp bạn không áp dụng phương pháp điều trị nào, mụn nội tiết có thể tồn tại đến vài tháng. Phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, mụn nội tiết có thể gây ra những tác động khác nhau nhưng kết quả chung vẫn là khiến tình trạng da bạn trở nên tồi tệ và kém thẩm mỹ.

Nếu bạn vẫn đang phải đau đầu với việc giải quyết các nốt mụn nội tiết, hãy đến khám tại Chuyên khoa Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Các chuyên gia, bác sĩ da liễu giàu kinh nghiệm của MEDLATEC sẽ giúp bạn thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị mụn nội tiết hiệu quả, khoa học. Liên hệ tổng đài MEDLATEC ngay hôm nay qua hotline 1900 56 56 56!

Rate this post