Sưng môi: Nguyên nhân và những biến chứng nguy hiểm bạn nên biết

Sưng môi: Nguyên nhân và những biến chứng nguy hiểm bạn nên biết

Khi không có bất cứ va chạm hay vết thương nào trên môi mà bạn lại gặp phải triệu chứng sưng môi thì rất có thể đó là biểu hiện của một bệnh lý cần được quan tâm. Cùng tìm hiểu về triệu chứng sưng môi, nguyên nhân và biến chứng nhé!

1Sưng môi là gì?

Sưng môi là tình trạng một phần của môi (môi trên, môi dưới) hoặc toàn bộ môi bị căng phồng, sưng nề và tăng kích thước do viêm môi hoặc sự tích tụ dịch dưới da môi. Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh mà sưng môi có thể khó phát hiện hoặc rõ ràng gây khó chịu và nguy hiểm cho người bệnh.

Sưng môi cũng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh đe dọa đến tính mạng như sốc phản vệ. Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu có kèm theo biểu hiện khó thở, phát ban, mẩn đỏ hoặc nổi mề đay, đau và sốt.

Sưng môi là tình trạng môi bị căng phồng, sưng nề

Sưng môi là tình trạng môi bị căng phồng, sưng nề

2Nguyên nhân

Dị ứng

Trong một số điều kiện môi trường hoặc khi tiếp xúc với một số chất nhất định có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch gây ra phản ứng dị ứng. Một số loại dị ứng hay gặp như:

  • Dị ứng môi trường: thường gặp khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với chất lạ trong môi trường như lông thú, phấn hoa, khói bụi, bào tử nấm… Người bệnh thường có triệu chứng sưng đỏ mắt, sưng môi, nổi mề đay, hắt hơi, nghẹt mũi hoặc thở khò khè…
  • Dị ứng thực phẩm: gặp ở 4 – 6% trẻ em và khoảng 4% người lớn, thường liên quan đến tiền sử gia đình. Bệnh xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với những thực phẩm như tôm, sò, sữa, lạc,… với biểu hiện sưng lưỡi, sưng môi, nôn mửa hoặc khó thở,…[1]
  • Dị ứng khác: có thể dị ứng do bị côn trùng cắn, đốt hoặc tác dụng phụ một số loại thuốc như kháng sinh, đặc biệt là penicillin. Bệnh có biểu hiện như sưng môi, sưng mặt, ngứa đỏ mắt, phát ban ngoài da, đi ngoài phân lỏng, nôn mửa hoặc thở khò khè…
  • Sốc phản vệ: đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, cần được cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh có các triệu chứng như da sưng tấy, nổi mề đay, chóng mặt, tụt huyết áp, khó thở hoặc thở khò khè, nôn mửa và tiêu chảy…

Các bệnh dị ứng có thể gây sưng môi

Các bệnh dị ứng có thể gây sưng môi

Các nguyên nhân khác

  • Phù mạch: với các triệu chứng hay gặp như sưng môi và quanh mắt, phù bộ phận sinh dục, nổi mề đay… Phù mạch có thể do dị ứng hoặc thuốc gây ra nên việc điều trị nguyên nhân gây bệnh là điều cần thiết.
  • Chấn thương: đây là phản ứng bảo vệ bình thường của cơ thể khi có vết rách hoặc vết cắt trên môi. Tuy nhiên, nếu vết thương có kích thước lớn, có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc là vết cắn của động vật thì nên đến bệnh viện để điều trị sớm.
  • Các bệnh lý liên quan đến môi: một số bệnh lý tại môi hiếm gặp như viêm môi hạt hoặc hội chứng Miescher-Melkersson-Rosenthal (liên quan đến di truyền) có thể dẫn đến sưng môi tái phát, số ít kèm theo khô miệng, yếu liệt cơ mặt…

Sưng môi có thể do chấn thương vùng môi

Sưng môi có thể do chấn thương vùng môi

3Triệu chứng của sưng môi.

Với mỗi tác nhân gây bệnh, thời gian mắc và cơ địa của từng người mà triệu chứng sưng môi sẽ có những diễn biến và dấu hiệu kèm theo khác nhau. Tuy nhiên, đa số người bệnh sẽ gặp những triệu chứng sau:

  • Sưng phù, căng tức ở một hoặc cả 2 môi.
  • Vùng môi sưng đỏ hơn và nhiệt độ cao hơn so với phần môi còn lại.
  • Đau môi, cơn đau tăng lên khi há miệng, một số người bệnh có thể không thể há miệng.
  • Ngứa ngáy, tê bì hoặc mất cảm giác tại vị trí sưng môi.
  • Một số ít trường hợp có thể thấy những mụn nước li ti quanh môi.

Căng tức ở một hoặc cả 2 môi là triệu chứng điển hình

Căng tức ở một hoặc cả 2 môi là triệu chứng điển hình

4Biến chứng nguy hiểm

Đa phần các trường hợp sưng môi đều cần được điều trị triệt để thì mới ngăn chặn được biến chứng, tránh ảnh hưởng lâu dài không chỉ ở môi mà còn cho cả sức khỏe của bạn. Nghiêm trọng hơn, sưng môi có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư môi với các triệu chứng thường gặp như:

  • Môi và vùng quanh môi xuất hiện những vết loét lâu lành khiến người khó chịu, đau đớn và ăn uống kém.
  • Môi đột nhiên sưng đỏ lên sau đó chuyển sang nhợt nhạt hơn hoặc màu đen, kèm theo da môi thô cứng, nứt nẻ và chảy máu.
  • Trong khoang miệng và vùng cổ xuất hiện các khối u, nổi hạch bạch huyết, có thể dẫn đến đau đớn cho người bệnh.

Ung thư môi là biến chứng nguy hiểm của sưng môi

Ung thư môi là biến chứng nguy hiểm của sưng môi

5Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Sưng môi do chấn thương hoặc các bệnh lý về môi có thể tự khỏi sau một vài ngày mà không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên, nếu sưng môi do nguyên nhân dị ứng hoặc phù mạch thì cần được điều trị sớm để tránh tình trạng sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.

Một số triệu chứng kèm theo sưng môi bạn nên đến gặp bác sĩ bao gồm:

  • Thở khò khè hoặc khó thở tăng dần.
  • Sưng môi kéo dài hơn vài ngày hoặc nếu nó kèm theo đau hoặc sốt. Điều đó có thể môi của bạn bị nhiễm trùng.
  • Xuất hiện các vết loét lan rộng, có thể chảy máu nhiều.

Sưng môi kèm khó thở cần đến khám bác sĩ sớm

Sưng môi kèm khó thở cần đến khám bác sĩ sớm

Nơi khám chữa sưng môi

Khi có triệu chứng sưng môi, bạn có thể đến khám tại các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Một vài nơi khám chữa sưng môi bạn có thể tham khảo:

  • Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM…
  • Hà Nội: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung Ương 108…

Nơi khám chữa sưng môi uy tín

Nơi khám chữa sưng môi uy tín

6Các phương pháp chữa sưng môi

Điều trị sưng môi chủ yếu là sử dụng các loại thuốc phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây ra bệnh như:

  • Sưng môi do phù mạch hoặc sốc phản vệ: nên được điều trị bằng epinephrin dưới chỉ định của bác sĩ. Với những trường hợp có cơ địa dị ứng có thể đem sẵn một ống epinephrine để dùng khi cần thiết.
  • Sưng môi do dị ứng: trước tiên phải loại bỏ được tác nhân gây dị ứng, sau đó sử dụng các thuốc kháng histamin H1 như diphenhydramin, clorpheniramin, loratadin, acrivastin… hoặc thuốc ức chế miễn dịch prednisolon theo chỉ định của bác sĩ.
  • Sưng môi có nhiễm trùng: sử dụng các loại kháng sinh ít nguy cơ gây dị ứng và lau rửa, làm sạch vết thương theo chỉ định của bác sĩ.
  • Sưng môi có kèm theo phù cơ quan sinh dục, phù chân: có thể dùng thêm thuốc lợi tiểu như furosemide hoặc hydrochlorothiazid theo chỉ định của bác sĩ.

Sưng môi có thể điều trị bằng thuốc

Sưng môi có thể điều trị bằng thuốc

7Biện pháp khắc phục sưng môi tại nhà

Nếu triệu chứng sưng môi không quá nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà như:

  • Chườm nước lạnh lên vùng môi bị sưng để giảm viêm. Lưu ý, không được chườm trực tiếp đá lạnh lên môi vì có thể gây ra bỏng lạnh hoặc làm nặng thêm tổn thương.
  • Có thể sử dụng gel lô hội hoặc dưỡng ẩm môi trong trường hợp sưng môi kèm theo nứt nẻ, khô rát.
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống để hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng từ môi trường.
  • Người có cơ địa dị ứng nên tránh ăn các thực phẩm lạ và thận trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Chườm lạnh có thể làm giảm sưng môi

Chườm lạnh có thể làm giảm sưng môi

Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức về triệu chứng sưng môi. Hãy chia sẻ bài viết đến người thân và bạn bè xung quanh bạn để cùng nhau hạn chế bệnh nhé!

Nguồn: Medicover Hospitals, Medical News Today, Healthline.

Rate this post