Da của con người có cấu tạo với khoảng 70% thành phần là nước. Trong đó có đến 20-30% nước đó nằm ở lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da). Ở điều kiện sinh lý bình thường, chính lớp màng nước ngoài cùng này có tác dụng giữ ẩm cho làn da, đồng thời bảo vệ da khỏi sự tấn công của các yếu tố khác nhau như môi trường và vi khuẩn.
Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà nước ở lớp màng bảo vệ này hao hụt nhiều đồng nghĩa với việc sức khỏe của da không còn được đảm bảo nữa. Khi đó, chúng ta có thể cảm nhận được thông qua những dấu hiệu như làn da không mịn màng, kém độ đàn hồi hơn, xỉn màu và trông thiếu sức sống. Ngoài ra đôi khi da mất nước sẽ bong tróc ở một vài vị trí như kẽ mũi hay khoé miệng.
Khi gặp những dấu hiệu trên, nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng đây là dấu hiệu của da khô và tìm mua những sản phẩm chăm sóc chuyên dành cho da khô để sử dụng.
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên vẫn có thể xuất hiện khi làn da thiếu nước và cần được bổ sung độ ẩm, vì vậy vẫn có rất nhiều người vẫn chưa thể phân biệt da khô và da thiếu nước.
Khái niệm da khô dành để mô tả về một loại da, tương tự các loại da khác như da dầu, da thường hoặc da hỗn hợp. Da khô thường có những biểu hiện sau:
- Nguyên nhân dẫn đến da khô là do thiếu độ dầu cần thiết;
- Lỗ chân lông có kích thước nhỏ;
- Cảm giác khô căng, có thể bong tróc;
- Vẫn xuất hiện các loại mụn như mụn thịt, mụn đầu đen và các loại mụn khác;
- Không căng mịn và kém sức sống;
- Hấp thụ các sản phẩm dưỡng da kém;
- Rất dễ bị kích ứng, nhất là khi sử dụng mỹ phẩm;
- Chăm sóc, dưỡng da không đúng cách sẽ khiến da khô thêm.
Da thiếu nước là một tình trạng của da chứ không phải một loại da. Bất kỳ loại da nào cũng có thể bị thiếu nước, kể cả thuộc loại da dầu, nghĩa là lúc nào vùng mũi/trán cũng bóng dầu nhưng da vẫn có thể bị bong tróc. Khác với da khô, da thiếu nước có những biểu hiện sau:
- Nguyên nhân thường do da bị thiếu nước;
- Lỗ chân lông kích thước có thể to hoặc nhỏ;
- Da khô căng nhưng có vùng trên da vẫn bị đổ dầu và nổi mụn;
- Hấp thụ kem dưỡng ẩm rất nhanh;
- Sự xuất hiện của các nốt mụn đầu đen và các loại mụn khác;
- Lớp phấn trang điểm mau trôi, trôi không đồng đều (chỗ còn phấn chỗ không) vì da đã hút hết phần “nước” trong lớp kem nền;
- Da xỉn màu, không đều màu hay ngả sang màu xám;
- Thói quen sinh hoạt không điều độ là yếu tố làm da thiếu nước trầm trọng hơn.
XEM THÊM: Da khô và da mất nước khác nhau thế nào?