Chàm khô là bệnh da liễu thường gặp, nhất là vào mùa đông. Đặc trưng của tình trạng này là hiện tượng ngứa rát và nứt nẻ. Vậy nguyên nhân gây bệnh chàm khô là gì? Làm sao để nhận biết bệnh chàm? Hãy cùng tìm hiểu nội dung bài viết dưới đây để có lời giải chính xác nhé.
Chàm khô là gì?
Chàm khô là tên gọi dân gian của bệnh chàm tiếp xúc giai đoạn mãn tính. Căn bệnh này đặc trưng bởi triệu chứng da khô, dày sừng, cảm giác ngứa ngáy và gây bong tróc. Bệnh chàm xảy ra do lớp sừng của da bị tổn thương. Từ đó, dẫn đến tình trạng khô da, mất nước và kích thích tăng sinh tế bào sừng.
Chàm khô thường xuất hiện ở những vùng da có mật độ tiếp xúc thường xuyên như đầu ngón tay, ngón chân, da mặt,… Bởi vì phải tiếp xúc nhiều với nước, hóa chất, mỹ phẩm và côn trùng nên các vùng da này thường có xu hướng khô ráp. Điều này tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập và gây ra tổn thương da.
Bệnh chàm chủ yếu gây triệu chứng ngoài da và thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên nó có tính chất dai dẳng, mãn tính và gây ngứa nhiều. Thế nên, chàm khô có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây mất thẩm mỹ ngoại hình và gây phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt.
Nếu không tiến hành điều trị kịp thời, chàm khô có thể bùng phát mạnh và gây ngứa ngáy dữ dội. Thậm chí có thể gây biến dạng móng tay, cũng như tăng nguy cơ bội nhiễm và để lại thâm sẹo vĩnh viễn.
Triệu chứng của bệnh chàm khô
Để có thể phân biệt bệnh chàm với các bệnh ngoài da khác, bạn nên tham khảo một số dấu hiệu dưới đây:
- Tấy đỏ: Trên vùng da bị bệnh chàm khô sẽ xuất hiện những mảng da màu đỏ, vảy nến hồng. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt so với các vùng da bên cạnh. Bên cạnh đó, đôi khi người bệnh còn có thể cảm thấy nóng rát với những cơn ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
- Xuất hiện mụn nước li ti: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà trên da sẽ xuất hiện các mụn nước với kích thước và mật độ khác nhau. Khi các mụn nước bị vỡ, dịch sẽ chảy ra ngoài. Nếu các mụn này không vỡ, thì sau một thời gian sẽ khô lại và bong vảy.
- Bong tróc và nứt nẻ da: Đa số người bị chàm khô đều gặp phải triệu chứng như vết mề đay khi các mụn nước bị vỡ. Vùng da tổn thương bị khô lại, nứt nẻ, bong tróc thành từng mảng. Khi lớp da bị bong tróc, bề mặt da lúc này sẽ bóng loáng kèm với màu nâu nhạt và để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.
- Xuất hiện các mảng da hằn cổ trâu: Do ngứa ngáy nên người bệnh thường có thói quen gãi nhiều. Việc này sẽ khiến cho vùng da bị bệnh ngày càng dày lên và có màu sắc đậm hơn so với những vùng da bình thường.
Bên cạnh những triệu chứng chung kể trên, tùy vào mỗi thể mà bệnh chàm sẽ có những biểu hiện cụ thể:
Bệnh chàm thể cơ địa:
- Ở thể chàm này, trên da sẽ xuất hiện nhiều mảng đỏ với mụn nước ngứa ngáy dữ dội. Đặc biệt là vùng da mặt, khuỷu tay, chân, đôi khi còn tạo mủ.
- Thể này thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh theo con đường di truyền từ ông bà hay bố mẹ.
Bệnh chàm thể tiếp xúc:
- Biểu hiện chủ yếu của thể này là da bị sưng phù, sung huyết, đỏ, nổi mụn nước và tiết dịch. Diễn tiến của bệnh chàm thể tiếp xúc thường nhanh và phức tạp.
- Nếu tránh được các nguồn cơn gây bệnh thì chàm da thể tiếp xúc có thể được cải thiện rõ rệt. Ngược lại, nếu da tiếp xúc lại với nguyên do gây bệnh thì bệnh sẽ tái phát trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn.
Chàm khô thể da dầu:
- Chàm khô thể da dầu hoạt động mạnh mẽ ở tuyến bã nhờn như vùng hai bên nách, trên đầu,lông mày, bẹn.
- Biểu hiện điển hình là các vảy trên nền da đỏ, làn da ẩm ướt do có trộn lẫn dầu.
- Nếu chàm da xuất hiện ở đầu, người bệnh sẽ thấy có rất nhiều gàu, gây khó chịu và mất thẩm mỹ.
Chàm thể đồng tiền:
- Đặc trưng của thể này là trên da xuất hiện các hình oval hay hình tròn giống đồng xu với các đốm màu đỏ.
- Sau đó sẽ nổi thêm nhiều sần, mụn, tiết dịch và đóng vảy. Người bệnh có thể nhận thấy được sự khác biệt rõ rệt ở vùng da bị bệnh với vùng da khỏe mạnh.
Nếu nhận thấy bản thân có một trong những dấu hiệu kể trên, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây bệnh chàm khô là do đâu?
Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa rất lớn trong quá trình điều trị của bác sĩ. Biết được nguyên nhân có thể rút ngắn thời gian và gia tăng hiệu quả chữa bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây nên bệnh chàm khô thường gặp:
- Di truyền: Đây là bệnh có khả năng di truyền cao. Vì thế, nếu trong gia đình bạn có người thân bị bệnh chàm thì bạn cần đi khám sớm để phát hiện mầm mống của bệnh. Từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Stress: Căng thẳng quá mức không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn có thể gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có cả bệnh chàm.
- Thời tiết: Yếu tố thời tiết khắc nghiệt làm cho da không kịp thích ứng cũng tạo môi trường thuận lợi để bệnh chàm hình thành.
- Dị ứng: Đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến của bệnh chàm. Các tác nhân gây dị gồm từ bụi bẩn, xăng dầu, lông chó mèo, phấn hoa,…
- Thói quen vệ sinh kém: Việc không vệ sinh thân thể đúng cách, vệ sinh không sạch sẽ trong thời gian dài khiến cho vi khuẩn tích tụ, dẫn đến bệnh chàm khô.
- Lạm dụng thuốc Tây: Một số loại thuốc bôi ngoài da nếu sử dụng quá liều trong thời gian dài cũng là nguyên nhân gây ra chàm khô. Do đó, khi sử dụng thuốc, bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.
- Ngoài ra, các rối loạn như rối loạn nội tiết, rối loạn chức phận nội tạng, rối loạn thần kinh cũng là yếu tố thúc đẩy sự hình thành của bệnh chàm.
Chàm khô là một bệnh lý về da phổ biến, gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, chàm khô có thể bùng phát và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hoặc nó cũng có thể trở thành một bệnh mãn tính với các triệu chứng ít dữ dội hơn. Bài viết trên đã chia sẻ đầy đủ thông tin về triệu chứng của các thể bệnh chàm cũng như nguyên nhân gây bệnh.
Ngọc Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp