Trả lời:
Mẹ bầu không nên xăm hình trong thời gian mang thai nhưng có thể xăm khi đã sinh con. Bạn nên cân nhắc rủi ro liên quan đến sức khỏe của bản thân và thai nhi nếu thực hiện. Một số bệnh về da và nhiễm trùng mà bạn có thể mắc phải khi tiếp xúc kim tiêm, dụng cụ xăm không đảm bảo vệ sinh như sau:
Tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn lây lan khi tiếp xúc với người hoặc vật nhiễm bệnh. Hiện không có bằng chứng cho thấy MRSA làm tăng các biến chứng khi mang thai, sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh. Khi sinh, trẻ hiếm khi nhiễm MRSA từ mẹ. Tuy nhiên, nếu không điều trị, MRSA có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi và các bệnh khác.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo nhiễm trùng da do tụ cầu vàng kháng methicillin có thể xảy ra ở người xăm hình nếu tiếp xúc với thợ xăm, dụng cụ hoặc thiết bị không vô trùng.
Dị ứng với các thành phần trong mực xăm có thể xảy ra ở một số người. Các triệu chứng có thể bao gồm viêm, sốt, khó thở, phồng rộp, ngứa và sưng ở chỗ xăm. Dị ứng có thể phát triển trong và sau khi xăm, hoặc nhiều năm sau đó.
Chưa có nhiều nghiên cứu để xác định mực xăm có an toàn cho phụ nữ mang thai hay không. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hóa chất trong màu mực có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong ba tháng đầu. Các thành phần trong mực xăm thường có trong thuốc nhuộm vải, mực in chứa những sắc tố như titan, sắt, niken, crom, mangan, coban… rất độc với cơ thể người, có khả năng sinh ung thư.
Khi xăm chuyên nghiệp bằng công nghệ kỹ thuật số với hạt mực xăm nano (vi mô), mực có thể xâm nhập sâu hơn qua lớp da và đi vào trong cơ thể đến các cơ quan nội tạng (gan, thận…), ảnh hưởng đến thai nhi.
Viêm gan B và viêm gan C là những bệnh nhiễm trùng do virus tác động đến gan. Virus có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bệnh khi dùng dụng cụ xăm hình không vô trùng.
Viêm gan B và viêm gan C làm tăng nguy cơ sinh non. Theo CDC Mỹ, khoảng 90% trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B bị nhiễm trùng mạn tính. Trẻ nhiễm virus viêm gan còn có nguy cơ cao mắc các bệnh về gan hoặc ung thư gan.
HIV cũng có thể lây truyền qua dụng cụ xăm có dính máu và các chất dịch của người nhiễm bệnh. HIV làm suy yếu chức năng của hệ thống miễn dịch và có thể phát triển thành AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ mang thai dương tính với HIV có 15-45% khả năng truyền virus sang con. Trẻ có nguy cơ nhiễm HIV từ nhau thai, túi ối và các chất dịch khác trong quá trình chuyển dạ. Virus cũng có thể lây truyền khi cho con bú.
Nếu mắc các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường hoặc HIV, bạn có nhiều nguy cơ nhiễm trùng do hình xăm hơn. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản phụ khoa để xem xăm hình có an toàn hay không.
TS.BS Đặng Thị Ngọc BíchChuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM