Da bị đỏ, ngứa rát là hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Tình trạng này không chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải các bệnh ngoài da, mà còn có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong cơ thể.
Bài viết này sẽ giúp bạn “điểm mặt” các nguyên nhân gây tình trạng da bị đỏ, ngứa rát cũng như cách điều trị.
Da bị đỏ, ngứa rát có biểu hiện như thế nào?
Da nổi mẩn đỏ, ngứa rát là tình trạng dễ gặp, có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào từ trẻ em, phụ nữ mang thai, sau sinh, người già,…
Các triệu chứng thường thấy gồm: da xuất hiện nhiều nốt đỏ li ti, nổi mẩn ngứa thành từng mảng, nổi mẩn ngứa toàn thân, phù sần,…
Một số vị trí dễ nổi mẩn ngứa gồm:
- Nổi mẩn đỏ ở tay, chân
- Nổi mẩn đỏ ở mặt
- Nổi nốt đỏ ở cổ
- Nổi mẩn ngứa khắp người
Theo thời gian nếu không được điều trị, các triệu chứng có dấu hiệu tăng nặng. Lúc đầu chỉ là những nốt nhỏ xuất hiện ở một vị trí, sau lan rộng với kích thước lớn, kèm theo những cơn ngứa dữ dội hơn.
Da bị đỏ, ngứa rát là dấu hiệu của bệnh gì?
Bệnh mày đay
Nguyên nhân gây nên chứng mày đay là do tình trạng bệnh nhân bị dị ứng với thức ăn, lông thú nuôi, phấn hoa hay dị ứng thời tiết,…
Bệnh nhân thường có những biểu hiện như nổi các nốt mẩn đỏ gây ngứa, nhạt màu, có kích thước to nhỏ khác nhau và thường liên kết thành từng mảng khắp cơ thể, gây phù nề, đôi khi có biểu hiện khó thở, đau bụng do viêm niêm mạc đường hô hấp và tiêu hoá.
Người bệnh thường gãi nhiều khiến các dấu hiệu ngày càng lan rộng hơn.
Bệnh nấm da
Bệnh nấm da là tình trạng khá phổ biến gây ngứa ngáy trên da và thường phát triển trên lớp tế bào sừng. Bệnh thường gây ra bởi nấm Candida hoặc Epidermophyton và Trichophyton khiến bệnh nhân ngứa và nổi mẩn đỏ khắp người.
Các nốt đỏ ban đầu xuất hiện lấm tấm ở một số vị trí, nhất là các nếp gấp như bẹn, nách…, sau đó có thể lan rộng khắp cơ thể gây nên những mảng mẩn đỏ, phát ban toàn thân.
Viêm da dị ứng
Đây là tình trạng viêm da mạn tính thường bùng phát trong thời gian ngắn và sẽ biến mất dần.
Da thường nóng, ngứa, khô và tróc vảy cũng như xuất hiện các nốt đỏ khắp người và kéo theo một số biến chứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt,…
Người bệnh thường xuất hiện các mảng da với các nốt mẩn đỏ ở tay, chân, cổ, ngực,… và ngứa rất nhiều vào buổi đêm.
Bệnh nhiễm virus
Nổi mẩn đỏ toàn thân rất có thể cơ thể bị nhiễm virus.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là sốt, cơ thể mệt mỏi, ngủ mê rồi toàn thân bắt đầu có các mẩn đỏ khi giảm sốt. Những nốt nổi mẩn đỏ này tùy thuộc vào cơ địa mà đôi khi bạn bị ngứa, có lúc thì không.
Tình trạng nổi các nốt mẩn đỏ thường sẽ biến mất sau 1 tuần cho đến 10 ngày. Nếu bệnh không tiến triển thì cần đến thăm khám bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp.
Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ gây ra do ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei (cái ghẻ), có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp.
Ghẻ thường tấn công vào các bộ phận như kẽ tay, bụng, bộ phận sinh dục, bẹn gây ngứa da. Các triệu chứng thường thấy là ngứa rát và nổi mụn nước ở những khu vực phát bệnh.
Bệnh vảy nến
Bệnh thường có những triệu chứng như:
- Các mảng đỏ trên da đóng vảy trắng đục, nếu ấn vào thì màu đỏ lại biến mất.
- Khi gãi, vảy có thể sẽ rơi ra và trắng đục như sáp đèn cầy.
Nguyên nhân gây ra bệnh thường do hệ miễn dịch và các xáo trộn về sinh hoá, chấn thương tâm lý.
Bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa là một loại bệnh viêm gây ngứa da. Biểu hiện của bệnh là các nốt mụn nước (có dịch) dưới da. Những nốt mụn này gây ngứa và có thể làm dày da, nứt da gây đau rát thậm chí kèm nóng sốt.
Tổ đỉa thường xuất hiện ở gót chân, bàn chân, bàn tay khiến việc sinh hoạt, đi lại khó khăn. Nguyên nhân của bệnh tổ đỉa rất đa dạng, thường do nhiễm khuẩn hoặc dị ứng.