Da nhiễm corticoid là tình trạng thường gặp ở những người lạm dụng chất corticoid trong làm đẹp hoặc chữa các bệnh ngoài da. Mặc dù có tác dụng kháng viêm nhưng việc sử dụng quá nhiều corticoid có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến xương, thận và phá hủy tế bào da… Làm thế nào để nhận biết da đang nhiễm độc corticoid và điều trị, chăm sóc thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu ngay!
Da bị nhiễm corticoid là gì?
Da nhiễm corticoid: Là tình trạng viêm da do lạm dụng, phụ thuộc corticoid đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây và gây ra rất nhiều tác dụng phụ nặng nề đáng báo động. Nguyên nhân thường do sử dụng không hợp lý nhóm thuốc corticoid bôi hoặc sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc có chứa corticoid đang tràn lan trên thị trường. Viêm da do corticoid là tình trạng tổn thương đỏ da, bong tróc, nổi mụn, teo da, nhiễm trùng… gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Corticoid có thể gây nhiễm độc cho da nghiêm trọng
Corticoid hay glucocorticoid bản chất là 1 hormone do tuyến vỏ thượng thận của cơ thể tiết ra, sau đó đã được tổng hợp thành các thuốc sử dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch…và mang lại hiệu quả rất lớn nhưng đồng thời cũng có những tác dụng không mong muốn. Thuốc có 2 đường dùng: đường toàn thân (uống, tiêm), tác dụng tại chỗ (bôi, xịt). Trong đó, thuốc corticoid bôi được sử dụng rất nhiều trong điều trị các bệnh lý Da liễu nhưng vì thuốc thường làm giảm nhanh các triệu chứng nên lạm dụng corticoid là hiện tượng khá phổ biến. Thông thường, khi dùng thuốc corticoid bôi bác sĩ cần hiểu rõ bản chất, lựa chọn loại thuốc phù hợp, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện liệu trình điều trị và theo dõi kiểm soát được tác dụng không mong muốn để đạt hiệu quả điều trị cao và an toàn. Vì vậy, nếu người bệnh tự dùng thuốc bôi corticoid hoặc các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc gia truyền, rượu thuốc… có trộn corticoid và không có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ Da liễu rất dễ gây tình trạng viêm da do corticoid.
Đồng thời, tình trạng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng đang tràn lan trên thị trường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và những hậu quả khôn lường về da với những lời quảng cáo, hứa hẹn hấp dẫn như: rất rẻ, rất nhanh, rất đẹp, rất dễ dàng….
Corticoid là thuốc không được dùng trong mỹ phẩm làm đẹp nhưng những người sản xuất mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn cố tình trộn corticoid và các hoạt chất khác trong mỹ phẩm để đạt hiệu quả làm đẹp nhanh, giá rẻ, siêu lợi nhuận. Hoặc ở những cơ sở làm đẹp, do thiếu kiến thức chuyên môn nên đã vô tình hay cố ý sử dụng những sản phẩm có corticoid, thậm chí pha trộn corticoid vào trong sản phẩm để làm cho khách nhằm đạt hiệu quả cao và nhanh, bất chấp tác hại về sau.
Hình ảnh bệnh nhân dùng thuốc Corticoid đang điều trị tại Khoa Da liễu
Những tác dụng không mong muốn của corticoid bôi tại chỗ:
– Teo da: do tác dụng ức chế sự phân bào lên cả thượng bì và trung bì. Ở trung bì, corticoid ức chế chức năng nguyên bào sợi, giảm tổng hợp các sợi ngoại bào như collagen, ebastin và các thành phần chất nền…hậu quả làm teo da, giãn mạch, xuất huyết, loét. Các tổn thương có thể phục hồi một phần hoặc hoàn toàn sau ngừng thuốc. Khi teo da và ức chế các sợi ngoại bào đến một mức độ nào đó sẽ gây các vết rạn da và đây là tổn thương vĩnh viễn, không có khả năng hồi phục ngay cả khi dừng thuốc.
– Trứng cá: bệnh nhân bị trứng cá, trứng cá đỏ, viêm da quanh miệng, viêm da quanh mắt được điều trị bằng corticoid thường giảm nhanh các triệu chứng do tác dụng chống viêm nhưng khi dừng thuốc, các tổn thương bùng phát trở lại rất nhanh làm bệnh nhân phải dùng thuốc trở lại mạnh hơn, thời gian dài hơn và trở thành vòng xoắn bệnh lý khó điều trị khỏi. Vì vậy, Corticoid không được khuyến cáo dùng cho các tổn thương này.
Dùng corticoid tại chỗ điều trị các bệnh da khác thấy tỉ lệ trứng cá khá cao. Đặc biệt thương tổn của dạng trứng cá này là các sẩn, mụn mủ bùng phát nhanh, cùng lứa tuổi, hay gặp ở mặt, lưng ngực.
– Rậm lông: hay gặp ở phụ nữ, trẻ em khi bôi corticoid ở mặt
– Thay đổi sắc tố: giảm sắc tố là thường gặp
– Nhiễm khuẩn: làm nặng hoặc xuất hiện mới các nhiễm khuẩn, thường gặp là nhiễm nấm sau đó là các nhiễm khuẩn khác như herpes, u mềm lây….
– Khi dùng các mạnh, kéo dài, bôi ở vùng da dễ hấp thu thuốc, diện tích lớn, băng bịt, tổn thương da hở…có thể gây rối loạn nội tiết, đái tháo đường, nhiễm độc.
Các biện pháp điều trị da bị nhiễm corticoid
Người bệnh cần phải ngừng sử dụng các sản phẩm chứa hoạt chất này ngay. Đồng thời thực hiện các biện pháp chăm sóc và thải độc cho làn da.
Cách ngừng sử dụng sản phẩm chứa Corticoid an toàn.
Khi làn da đang quen với Corticoid, việc dừng đột ngột có thể khiến da gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu bạn đang ở trong quá trình sử dụng thuốc và phát hiện da đã bị nhiễm độc, hãy ngừng thuốc một cách từ từ. Trước hết là giảm tần suất sử dụng trong một ngày, một tuần rồi dừng hẳn để da thích nghi.
Chẳng hạn: Bạn thường xuyên sử dụng kem dưỡng trắng da chứa Corticoid 2 lần/ngày thì sẽ giảm tần suất còn 1 lần/ngày, 1 lần/tuần rồi ngừng hẳn.
Các biện pháp chăm sóc da tại nhà.
Trong quá trình “cai nghiện” Corticoid cho làn da, người bệnh cần kết hợp các biện pháp chăm sóc và thải độc cho da. Đối với những trường hợp da bị nhiễm Corticoid nhẹ, chỉ bị bong tróc hoặc mẩn ngứa, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp như:
- Rửa mặt với các sản phẩm nhẹ dịu:Mỗi ngày người bệnh cần dùng các loại sữa rửa mặt nhẹ dịu để làm sạch da, tránh tình trạng da bị nhiễm khuẩn nặng hơn. Người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% để rửa mặt. Hoặc sử dụng các loại sữa rửa mặt không tạo bọt, không hương liệu và được các bác sĩ da liễu khuyên dùng như Cetaphil.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm da:Da bị nhiễm độc Corticoid thường bị bong tróc và thiếu nước. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chứa nhiều vitamin E hoặc Hyaluronic Axit. Tuyệt đối không sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chứa Paraben, hương liệu.
- Ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm đặc trị da: Corticoid trong thuốc bôi là nhóm thuốc ứng dụng trong điều trị bệnh Da liễu rất nhiều và có hiệu quả nhưng đồng thời cũng có những tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy người bệnh không nên tự ý dùng thuốc bôi corticoid để tự điều trị bệnh khi chưa được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và kê đơn. Phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ như liều lượng, thời gian bôi, vị trí bôi…để hiệu quả điều trị cao và kiểm soát tốt nhất tác dụng không muốn khác.
Trong thời đại bùng nổ về mặt thông tin như hiện nay, có rất nhiều luồng thông tin, kiến thức, quảng cáo sai lệch xung quanh phương pháp và mỹ phẩm làm đẹp. Vì vậy, hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, chọn đúng các địa chỉ làm đẹp uy tín, có trình độ chuyên môn, chọn đúng nơi mua sản phẩm chính hãng, chọn đúng sản phẩm phù hợp.
Làn da đẹp trước hết phải là làn da khỏe vì vậy phải làm đẹp thông minh và thật sự an toàn.
Khoa Da Liễu: Với đội ngũ cán bộ trình độ cao và trang thiết bị hiện đại, Khoa Da liễu đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại:
– Thăm khám, tư vấn và điều trị các bệnh về da như: Nhiễm khuẩn, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, mày đay, vảy nến, zona…
– Tư vấn và điều trị các bệnh về mụn trứng cá do nội tiết, dị ứng mỹ phẩm…
– Điều trị các loại sẹo xấu (sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo càng cua) bằng laser
– Điều trị bớt bẩm sinh vùng mặt bằng laser
– Ứng dụng công nghệ laser trong chăm sóc da thẩm mỹ: Trị nám, tàn nhang, trị mụn, trẻ hóa da…
– Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị các vấn đề về da
– Xóa hình xăm bằng laser
Người bệnh có nhu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
Khoa Da liễu: Thạc sĩ Bác sĩ Thẩm Thị Thanh Nga SĐT: 0989045255
Tổng đài chăm sóc khách hàng miễn phí: 1800.888.989