Góc giải đáp: Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không?

Góc giải đáp: Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không?

Mỗi một thay đổi nhỏ của trẻ cũng đều khiến cha mẹ lo lắng, trong đó hiện tượng da trẻ sơ sinh nổi vân hoa là vấn đề gây hoang mang cho hầu hết các bậc phụ huynh. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về nguyên nhân gây ra tình trạng này nhé!

Tại sao da trẻ sơ sinh nổi vân hoa?

Da nổi vân hoa hay còn được gọi là bông sữa hoặc hoa sữa (Cutis Marmorata), là hiện tượng các mạch máu đỏ hoặc đường vân màu xanh lộ rõ qua làm da mỏng manh của trẻ. Đây là một bệnh lý về rối loạn mạch máu và thường gặp ở những năm đầu đời của trẻ nhưng phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh.

Một số trường hợp trẻ bị sốc nhiệt do quá lạnh, lúc này da của bé có thể bị nổi bông sữa. Đây là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể đối với nhiệt độ lạnh do cơ thể của trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, khi mà các bộ phận trên cơ thể chưa phát triển toàn diện nên chưa thể thích nghi với không khí và nhiệt độ của môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này trở nên nặng hơn, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến cơ thể và chân tay có bị lạnh bất thường không, đặc biệt là khi đã được ủ ấm nhưng các vệt đỏ vẫn không ẩn đi.

Lý giải hiện tượng da trẻ sơ sinh nổi vân hoa, các chuyên gia cho rằng có thể là do hệ thống thần kinh và mạch máu của bé chưa phát triển toàn diện. Khi nhiệt độ trên da của trẻ bị giảm sẽ khiến cho các mạch máu co lại và xen lẫn với nhau sẽ tạo nên những đường vân nổi trên làn da mỏng của trẻ. Những vùng da tối hơn là do các mạch máu bị giãn rộng và vùng da có màu nhạt hơn là lúc mạch máu đang dần co lại.

Do đó, tình trạng nổi vân hoa trên da trẻ sơ sinh sẽ biến mất sau khi trẻ được ủ ấm hoặc khi lớn lên và cơ thể đã phát triển toàn diện hơn.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng nổi vân hoa trên da trẻ sơ sinh. Hiện tượng này thường bị nhầm lẫn với hội chứng Cutis Marmorata Telangiectatica Congenita (CMTC) – một dạng dị thường mạch máu, triệu chứng kéo dài và không biến mất dù trẻ đã được ủ ấm. Vậy da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không?

Góc giải đáp: Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không? 1Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có thể là một phản ứng sinh lý của cơ thể khi gặp lạnh

Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không?

Trước tiên, cha mẹ có thể nhận biết da của con có bị nổi bông sữa hay không thông qua các dấu hiệu sau:

  • Da của bé bị loang, da trẻ sơ sinh không đều màu (chỗ trắng, chỗ đen).
  • Da bé xuất hiện các đốm trắng ẩn và trải đều dưới da.
  • Da nổi vân hoa ở các vùng trên cơ thể như tay, chân, ngực, bụng.

Vậy da của trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không? Hầu hết da của các bé sơ sinh đều trải qua tình trạng này. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil cho biết, da nổi vân hoa xuất hiện nhiều ở nhóm trẻ sinh non, thiếu tháng. Ngoài ra, tình trạng da bông sữa cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:

  • Rối loạn chức năng;
  • Suy giáp bẩm sinh;
  • Hội chứng Down.

Tuy nhiên, da trẻ nổi hoa sữa vẫn là một biểu hiện lành tính nên bố mẹ không nên quá lo lắng. Khi thấy da của con nổi vân hoa, mẹ hãy ủ ấm cho bé luôn mà không cần điều trị bằng thuốc. Trong trường hợp tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn dù bé đã được ủ ấm thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mẹ nhé!

Góc giải đáp: Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không? 2Khi da trẻ sơ sinh nổi vân hoa thì cha mẹ nên ủ ấm cho bé

Cha mẹ cần làm gì khi da trẻ sơ sinh nổi vân hoa?

Hiện tượng da trẻ sơ sinh nổi hoa sữa thì không cần sử dụng thuốc điều trị, thay vào đó, cha mẹ cần lưu ý đến một số vấn đề khi chăm sóc trẻ sơ sinh, cụ thể là:

  • Vệ sinh thân thể cho bé thường xuyên bằng nước ấm. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên kéo dài thời gian tắm của trẻ, đặc biệt là không ngâm mình trẻ trong nước có chứa xà phòng. Bởi điều này có thể khiến trẻ dễ bị cảm hoặc kích ứng da.
  • Lựa chọn sữa tắm và các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với làn da của trẻ sơ sinh. Tuyệt đối không dùng sữa tắm của người lớn cho trẻ nhỏ.
  • Luôn giữ ấm cho bé, nhất là trong mùa đông.
  • Cho trẻ vui chơi và nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, sạch sẽ, tránh gió lùa.
  • Thay tã lót thường xuyên cho bé, khoảng 3 lần/ngày để tránh trạng con mặc tã ẩm ướt quá lâu, gây kích ứng cho da.
  • Dưỡng ẩm cho da bé thường xuyên để đảm bảo da của con không bị khô, nhất là trong môi trường điều hòa.
  • Cho bé mặc những bộ quần áo có chất liệu mềm mại và thấm hút tốt để tránh da bị tổn thương.
  • Để cải thiện nhanh chóng tình trạng da trẻ sơ sinh nổi vân hoa, cha mẹ cẩn thường xuyên lau chùi, vệ sinh phòng ốc sạch sẽ. Giữ nhiệt độ phòng luôn ở mức tiêu chuẩn, không quá lạnh cũng không quá nóng.
Góc giải đáp: Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không? 3Thường xuyên vệ sinh thân thể cho bé bằng nước ấm nhằm hạn chế một số bệnh về da

Một số bệnh lý về da ở trẻ sơ sinh cần điều trị mà mẹ nên biết

Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa là một hiện tượng lành tính nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, mẹ cũng cần biết thêm một số tình trạng về da của con trong những tháng đầu đời nhằm phân biệt được các bệnh lý về da liễu thường gặp ở trẻ. Nhờ đó, mẹ sẽ phát hiện sớm, biết cách chăm sóc và điều trị phù hợp để giảm sự khó chịu cho con và đẩy nhanh quá trình hồi phụ da.

Một số bệnh lý về da thường gặp ở trẻ sơ sinh là:

  • Chàm sữa:Khi trẻ bị chàm sữa, mẹ sẽ thấy da của bé đỏ ửng và dày lên, đóng vảy khô hoặc xuất hiện các vết chấm nhỏ có màu đỏ trên cơ thể. Đây là một bệnh da liễu nhưng không lây nhiễm hoặc gây nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, bệnh có thể gây khó chịu, ngứa ngáy và nếu dùng tay chà xát lên vùng da bị chàm sẽ khiến nó lâu lành hơn, có thể để lại sẹo.
  • Hăm da: Đây là tình trạng xảy ra ở những trẻ mặc bỉm thường xuyên. Lúc đầu, vùng da hăm chỉ bị đỏ, có vài đốm li ti và phát ban nhẹ. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm và chăm sóc đúng cách sẽ khiến vùng da ngăm bị trầy xước, nứt nẻ và gây đau rát cho bé.
  • Nổi mẩn đỏ quanh miệng:Mẹ có thể thấy xung quanh miệng trẻ xuất hiện các nốt mẩn đỏ ửng. Các nốt mẩn này thường khá giống với nốt chàm sữa, tuy nhiên tình trạng này chỉ xuất hiện tại các vị trí da thường xuyên tiếp xúc với nước bọt của trẻ, trong khi đó chàm sữa có thể nổi lên ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như đầu, ngực, cánh tay…
  • Mụn sữa sơ sinh: Theo thống kê, có khoảng 40% trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa trên da. Các nốt mụn này có thể xuất hiện ở trán, mũi, cằm, má và lưng của trẻ. Tình trạng này được chẩn đoán là do hoạt động của hormone trong cơ thể gây ứ đọng bã nhờn tại các tuyến bã trên da.
Góc giải đáp: Da trẻ sơ sinh nổi vân hoa có nguy hiểm không? 4Nổi mẩn đỏ quanh miệng là một trong các bệnh lý da liễu sơ sinh mà mẹ nên biết

Tóm lại, da của trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm với môi trường xung quanh nên rất dễ mắc phải các bệnh lý về da liễu sơ sinh. Trong đó, da trẻ sơ sinh nổi vân hoa là tình trạng khá phổ biến và đây là một biểu hiện lành tính, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

Hy vọng qua bài viết này, mẹ đã biết cách chăm sóc bé cưng khi thấy trên da của con nổi vân hoa và biết thêm về những bệnh lý da liễu mà trẻ sơ sinh có thể gặp phải để giúp con phòng tránh tốt hơn.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh có gân xanh ở sống mũi có nguy hiểm không?

Rate this post