Chào các bạn.
Có lẽ thời gian gần đây dầu dưỡng da (facial oil) rất là phổ biến đối với tất các chúng ta, chính bản thân mình hiện tại cũng đang rất thích một số loại dầu dưỡng bởi vì những tác dụng của dầu dưỡng mang lại hết sức tuyệt vời. Nhưng không phải dầu dưỡng nào cũng phù hợp với bản thân bạn, mỗi loại da sẽ phù hợp với một loại dầu dưỡng khác nhau.
Điển hình nhất là gần đây, sau khi mình post bài review về Argan Oil của Kiara Phytoceuticals hay Rosehip Oil của Trilogy được rất nhiều bạn quan tâm đến, nhưng hầu hết các bạn băn khoăn không biết sản phẩm oil nào phù hợp với làn da của các bạn? Và phải dùng như thế nào để hiệu quả?
Vậy nên hôm nay, bài viết này mình sẽ nói về tất cả các vấn đề cần biết về dầu dưỡng da để các bạn hiểu rõ hơn và có sự lựa chọn chính xác, phù hợp với làn da của các bạn nhất nhé.
I/ DẦU DƯỠNG DA LÀ GÌ?
Là loại dầu được ép hay chiết xuất từ các loại thực vật (thường là hạt) trong tự nhiên, dầu dưỡng da thường giàu các acid béo, omega, vitamin và các dưỡng chất khác…Mình nghĩ đây là một sản phẩm đặc biệt không thể thiếu đối với các bạn dưỡng da chuyên sâu. Đối với bản thân mình khi dùng dầu dưỡng thì da cảm giác được căng bóng, khoẻ hơn, độ nhạy cảm cũng giảm đi rất rõ, da không còn bị đỏ khi tiếp xúc lâu với nhiệt.
Các bạn cần phải chú ý phân biệt giữa dầu dưỡng da (facial oil) và tinh dầu (essential oil), đây hoàn toàn là 2 loại khác nhau. Đối với dầu dưỡng da các bạn có thể dùng riêng chúng, apply trực tiếp lên mặt để cung cấp dưỡng chất cho da, còn tinh dầu thì hầu hết không thể bôi trực tiếp lên da được, mà đây là chất thường để mix chung với các sản phẩm skincare khác tạo mùi thơm cho sản phẩm (thường các nhà sản xuất dùng 1 lượng tinh dầu rất nhỏ khi cho vào sản phẩm của họ, vì tinh dầu có thể dễ gây kích cho da nếu dùng nhiều, điển hình là sản phẩm Luna Oil của Sunday Riley, ngoài các loại dầu dưỡng và retinol… thì họ cũng cho 1 lượng tinh dầu vào để tạo mùi, hay sản phẩm dầu dưỡng Marula Oil của thương hiệu Marula cũng có chứa 1% tinh dầu chứ không phải 100% tinh khiết, nguyên chất như Marula Oil của thương hiệu Kiara Phytoceuticals hay Marula của Drunk Elephant (các bạn da nhạy cảm cần chú ý điều này).
II/ CÁC LOẠI DẦU DƯỠNG DA
Theo mình được biết, hiện nay có 3 loại dầu dưỡng da phổ biến nhất sau đây:
- 100% Pure: Đây là loại dầu được ép hay chiết xuất ra từ một loại hạt duy nhất không cho thêm bất kì một chất hay một loại dầu nào khác lẫn vào. Điển hình nhất của loại này, và mình cảm thấy tốt nhất là của thương hiệu Kiara Phytoceuticals (thương hiệu chuyên về oil) hoàn toàn tinh khiết và cực kì chất lượng.
- Pure Blended Oil: Khác với dầu 100% pure, loại này là loại được pha trộn nhiều loại dầu dưỡng lại với nhau nhưng không cho thêm bất kì chất nào khác. Đối với loại dầu này thì mình không thích bằng 100% pure vì có thể da mình sẽ không phù hợp với 1 trong những loại được mix vào, có thể gây kích ứng, nên khi dùng loại dầu này các bạn nên chú ý đọc thành phần chứa bên trong để cân nhắc với làn da của bạn.
- Oil/Blended Oil With Active Ingredients: Loại dầu dưỡng da này ngoài các loại dầu chính sẽ chứa một số thành phần dưỡng chất khác được cho vào như: vitamin, chất bảo quản, chất tạo màu, tinh dầu tạo mùi, retinol…Điển hình của loại dầu này chính là một số dầu dưỡng của thương hiệu Sunday Riley, dầu dưỡng của La Mer, Clarins, Fresh, Caudalie, Tatcha, Kiehl’s…đều có bán tại Sephora.
III/ TÁC DỤNG CỦA DẦU DƯỠNG DA
Để nói về tác dụng của dầu dưỡng da thì chúng ta nói một chút về cấu trúc của da nhé.
Da là cơ quan luôn luôn thay đổi, làn da bao gồm 3 lớp chính: biểu bì, hạ bì và mô dưới da – mỗi lớp lại bao gồm nhiều lớp thay thế. Các phần phụ của da như các nang và các tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn cũng đóng những vai trò khác nhau trong chức năng tổng thể của da. Về lớp biểu bì được chia thành 5 lớp riêng biệt như sau:
- Lớp đáy (hay Stratum Basale): là lớp trong cùng của biểu bì nơi các tế bào keratinocyte được sản sinh.
- Lớp tế bào gai (hay Stratum Spinosum): các tế bào keratinocytes sản sinh chất sừng (các sợi protein) và trở nên có hình con suốt.
- Lớp hạt (hay Stratum Granulosum): Quá trình sừng hóa bắt đầu- các tế bào sản sinh ra các hạt nhỏ và các hạt này di chuyển lên trên, biến đổi thành chất sừng và các lipid biểu bì.
- Lớp bóng (hay Stratum Lucidium): Các tế bào bị ép nhẹ, trở nên bằng phẳng và không thể phân biệt được.
- Lớp sừng (hay Stratum Corneum): Là lớp ngoài cùng của biểu bì, trung bình có khoảng 20 lớp da và các tế bào chết đã được dát mỏng, phụ thuộc vào vùng da của cơ thể. Những tế bào chết này bong ra thường xuyên trong quá trình tróc vảy. Lớp sừng là nơi cư trú của các tuyến mồ hôi và các tuyến bã nhờn.
Các tế bào ở lớp sừng thì được gắn kết với nhau bởi các lipid biểu bì. Những lipid này rất quan trọng để tạo nên một làn da khỏe mạnh: chúng tạo nên hàng rào bảo vệ và giữ được độ ẩm cho da. Khi các lipid bị mất đi, da trở nên khô hơn và cảm giác bị căng và sần sùi. Biểu bì được bao phủ bởi chất nhũ tương gồm nước và lipid (chất béo) được biết như các màng hydrolipid. Lớp màng này giúp duy trì sự tiết mồ hôi và bã nhờn, giúp làn da được mềm hơn và hoạt động giống như hàng rào chống lại vi khuẩn và nấm.
Trong tiến trình di chuyển, thông qua các lớp biểu bì, lipid được giải phóng vào không gian giữa các tế bào và yếu tố giữ ẩm tự nhiên của da (NMF) được tạo ra. Như trên mình đã nói những lipid tạo thành một rào cản đối với sự mất nước và giúp giữ lại NMF của da. Khi phá vỡ các khuôn lipid này và mất lượng nước trong cơ thể thì sẽ dẫn đến da bị khô, dễ bong tróc.
Chính vì thế chúng ta sử dụng dầu dưỡng với mục đích giúp khôi phục, bổ sung lớp màng lipit để bảo vệ da, ngoài ra các sản phẩm dầu dưỡng còn chứa các chất antioxidant, vitamin, acid béo… có tác dụng chống lão hoá, làm ẩm, phục hồi, tái tạo da, giúp da khoẻ, mềm mại và mịn màng hơn.
IV/ CÁCH LỰA CHỌN DẦU DƯỠNG PHÙ HỢP
A/ Xác định loại da của bạn
Đầu tiên để biết được loại dầu nào phù hợp với da bạn thì bạn phải biết da bạn thuộc loại da nào? Xác định chính xác được loại da rất là quan trọng cho việc lựa chọn dầu dưỡng da cũng như các loại skincare, mỹ phẩm khác.
B/ Lựa chọn dầu dưỡng da
Sau khi đã xác định da bạn thuộc loại nào và có vấn đề gì về da, thì các bạn cần lưu ý những điều sau để chọn ra được một loại dầu dưỡng da phù hợp.
Như các bạn cũng đã biết, thành phần chính của dầu dưỡng da chính là các acid béo, điển hình nhất là Linoleic Acid (Omega-6 Fatty Acid) và Oleic Acid (Omega-9 Fatty Acid). Tỉ lệ % các acid béo chính là yếu tố cốt lõi để quyết định đâu là loại dầu phù hợp với bạn. Và chúng ta sẽ dựa vào 2 loại acid béo nói trên để xác định nhé.
- Linoleic Acid (Omega-6 Fatty Acid): Khi da thiếu Linoleic Acid thì hàm lượng Oleic Acid ở lớp dầu tự nhiên trên da sẽ trở nên dày hơn, điều này gây nên hiện tượng tắc lỗ chân lông, dẫn đến mụn. Thế nên các bạn da mụn thường có % Linoleic Acid trên da thấp, khi sử dụng các loại dầu chứa Linoleic Acid sẽ giúp cân bằng Oleic Acid và Linoleic Acid, khiến da khoẻ mạnh và tình trạng mụn được giảm đi. Các loại dầu khi chứa % Linoleic Acid cao sẽ thấm nhanh, lỏng nhẹ, không gây nhờn rít, cho nên cảm giác trên da rất thích, đây là một sự lựa chọn cho da dầu, mụn.
- Oleic Acid (omega-9 fatty acid): Nếu bạn nào da khô, thiếu độ ẩm thì nên lựa chọn loại dầu chứa % Oleic Acid cao. Bởi vì các loại dầu chứa nhiều Oleic acid sẽ giúp làm ẩm cực tốt, giúp da mềm mại, nhưng cũng chính vì điều này nên dầu chứa Oleic acid cao sẽ đặc, dày, thấm chậm chỉ nên dùng cho các vấn đề da khô, lão hoá, nhăn da… Da mụn và dầu tuyệt đối không nên sử dụng các loại dầu chứa Oleic Acid cao, nếu dùng sẽ khiến tình trạng da tệ hơn.
C/ Một số loại dầu điển hình với acid béo tương ứng
- Dầu phù hợp cho da dầu, mụn, có lượng Linoleic Acid cao: Dầu hạt chanh leo (Maracuja Oil- sẽ có review sớm cho các bạn nhé), dầu hạt nho (Grapeseed Oil), ….
- Dầu phù hợp cho da hỗn hợp (kể cả da hỗn hợp thiên dầu, thiên khô), da thường, có một số loại tốt cho da mụn, có lượng Linoleic Acid và Oleic Acid gần như cân bằng: Argan Oil (tốt cho da mụn, lão hoá), Pomegranate Seed Oil, Baobab Oil (cái này siêu đắt nhưng cũng rất tốt), …
- Dầu phù hợp cho da khô, da lão hoá, có lượng Oleic Acid cao: Avocado Oil, Marula Oil, Camelia Oil,…
Mình cũng xin được lưu ý với các bạn một điều, đừng nên cứng nhắc khi lựa chọn dầu dưỡng da, Ví dụ như da là da khô bạn đang có 1 quy trình skincare đầy đủ các bước dưỡng ẩm, da luôn được cung cấp đủ độ ẩm thì mình vẫn khuyên bạn lựa chọn dầu có lượng Linoleic Acid và Oleic Acid cân bằng hơn là dầu giàu Oleic Acid, còn nếu da bạn dùng kem dưỡng ẩm rồi vẫn không thấy đủ thì vẫn nên dùng dầu có lượng Oleic Acid cao.
Hoặc Argan oil là dầu có lượng Linoleic Acid và Oleic Acid cân bằng nhưng trong nhiều trường hợp có thể phù hợp với mọi loại da, hay Rosehip oil chứa apha-linolenic acid thì nằm giữa 2 axit béo kia, nghĩa là nhẹ hơn Oleic Acid nhưng nặng hơn Linoleic Acid, hợp với da thường nhưng vẫn có thể dùng được cho các loại da khác tuỳ vào môi trường và hoàn cảnh, trong nhiều trường hợp các bạn da khô rất được lòng với Rosehip Oil.
Các bạn cũng có thể kết hợp 2 loại dầu cùng nhau, như hiện tại da mình là hỗn hợp thiên dầu, mình dùng Argan Oil và Maracuja Oil của Kiara Phytoceuticals đồng thời với nhau thấy rất tốt.
Ngoài ra trong các dầu dưỡng da, như mình đã nói bên trên ngoài acid béo, mỗi loại còn chứa nhiều loại vitamin, chất chống oxy hoá khác nhau…nên mỗi loại dầu sẽ có thêm 1 số tác dụng khác, mặc dù chúng đều nằm trong nhóm dầu có lượng Linoleic Acid và Oleic Acid cân bằng, điển hình như Argan oil là một loại dầu mình cảm thấy có tính chất vượt trội, nhiều chức năng hơn hẳn các loại dầu khác.
Chú ý cuối cùng là dành cho các bạn lo lắng về vấn đề dùng dầu gây tắc lỗ chân lông. Tắc lỗ chân lông không phụ thuộc vào độ đặc hay lỏng nhẹ của dầu, mà phụ thuộc vào tính chất của chúng. Các bạn có thể kiểm tra ở đây để biết thêm chi tiết.
D/ Hướng dẫn sử dụng:
Dùng trong các bước Skincare
- Mình khuyên vào mùa hè các bạn chỉ nên dùng dầu dưỡng da vào buổi tối (trừ khi bạn muốn kết hợp vào bước makeup), còn mùa đông thì dùng cả ngày lẫn đêm, thứ tự dùng là sau serum và trước kem dưỡng dạng đặc, đối với sản phẩm dưỡng dạng gel nhẹ, hay lotion thì bạn dùng sản phẩm dưỡng trước rồi mới đến dầu dưỡng da hoặc bạn có thể mix vào cùng kem dưỡng dùng cùng một lúc hay dùng oil để thay thế tác dụng như một như một chất occlusive (khoá ẩm).
- Cách dùng: cho 1, 2 hoặc 3 giọt dầu vào tay (tuỳ nhu cầu và loại da để có sự lựa chọn khác nhau về số lượng) vào lòng bàn tay, xoa đều đều áp lên mặt.
Dùng trong các bước makeup
- Dùng dầu trong bước makeup sẽ giúp lớp foundation của bạn có được độ căng bóng tự nhiên, da trông mềm mại và kiềm dầu được tốt hơn. Đây là một trong những giải pháp cho bạn nào thích da bóng nhẹ nhàng mà không thích dùng đến cushion.
- Cách dùng: Dùng dầu dưỡng như một lớp primmer/makeup base hay mix cùng với foudation của bạn.
Dùng cho tóc, móng
- Về cơ bản thì không phải loại dầu nào cũng có thể dùng cho tóc và móng có 2 loại mà mình thấy cho tóc phổ biến nhất chính là dầu dừa và Argan Oil. Cách sử dụng Argan Oil các bạn có thể đọc lại bài review Argan oil Kiara Phytoceuticals của mình tại đây.
V/ TỔNG KẾT
Qua bài viết này, mình mong rằng các bạn sẽ hiểu rõ hơn tính chất của từng loại dầu và có thể lựa chọn được loại dầu phù hợp cho loại da của riêng bạn. Và hy vọng các bạn sẽ không còn định kiến rằng “da dầu hay hỗn hợp thiên dầu và mụn là không dùng dầu dưỡng da được”, điều đó là quan niệm sai lầm. Quan trọng là bạn chọn đúng loại phù hợp và có một quy trình skincare hợp lý.
Nếu thích các bạn đừng quên Like và Share nhé.
Chúc các bạn luôn xinh.
Thông tin tham khảo: Vogue