Lưu ý quan trọng trước khi chúng ta lựa chọn và sử dụng dầu gội đầu trị rụng tóc là phải xác định loại tóc và loại da đầu của bản thân. Chúng ta không thể sử dụng dầu gội đặc trị rụng tóc dành cho da đầu khô trên người có da đầu nhờn và ngược lại.
Sau đây là một số tiêu chí để chúng ta có thể lựa chọn ra loại dầu gội trị rụng tóc tốt nhất:
2.1. Xác định loại da đầu
Da đầu nhờn:
- Da đầu dầu nhờn có thể do di truyền hoặc do tuyến dầu tăng tiết khi chúng cảm nhận thấy da đầu cần hydrat hóa (đồng nghĩa da đầu và tóc bị khô, thiếu ẩm);
- Đôi khi, tuyến nhờn lại hoạt động quá mức và tăng tiết bã nhờn dư thừa trên da đầu. Hệ quả làm mất đi sự cân bằng của lượng dầu tự nhiên trong da đầu, khiến tóc bị bao phủ và đè nặng bởi dầu nhờn;
- Nguyên nhân dẫn đến sự sản sinh quá mức bã nhờn có thể là sự kết hợp của một loạt các yếu tố, từ rối loạn nội tiết đến thay đổi môi trường hoặc thói quen chăm sóc tóc không tốt.
Da đầu khô:
- Đặc trưng của da đầu khô là tuyến nhờn ít sản xuất dầu tự nhiên để giữ ẩm cho da đầu và sợi tóc;
- Hệ quả là lớp trên cùng của da đầu bị khô, nứt nẻ và bong ra dưới dạng vảy nhỏ (hay còn gọi là gàu).
2.2. Xác định loại tóc
Các chất hóa học có tính chất tẩy rửa mạnh trong nhiều sản phẩm chăm sóc tóc hiện nay có thể trực tiếp tổn thương sợi tóc, khiến chúng xỉn màu và thiếu đi sức sống. Ngoài ra, mỗi người sẽ có kết cấu tóc khác nhau và không phải loại dầu gội đầu trị rụng tóc nào cũng phù hợp. Do đó, việc xác định loại tóc là vô cùng cần thiết:
- Tóc khô: Những người sở hữu mái tóc khô nên tập trung vào việc sử dụng các loại dầu gội có khả năng cung cấp độ ẩm cho tóc. Tóc khô là dạng tóc rất khó chăm sóc vì khó hấp thụ độ ẩm để duy trì kết cấu. Đồng thời tóc khô rất dễ bị hư tổn, giòn và dễ gãy rụng, xơ rối và đặc biệt cần những sản phẩm dầu gội đặc trị rụng tóc nhẹ nhàng với chứa nhiều dưỡng chất cần thiết. Lưu ý: Các sản phẩm có chứa sulfat có thể lấy đi lớp dầu tự nhiên trên tóc và khiến tóc khô hơn, vì vậy những người có mái tóc khô cần tránh sử dụng dầu gội trị rụng tóc có thành phần này;
- Tóc dầu: Loại tóc này rất dễ bết lại, kèm theo ngứa và rất nhiều gàu. Đồng thời tóc dầu còn rất dễ bị nhiễm trùng và gãy rụng do các nang tóc chịu trách nhiệm cho sự phát triển của tóc bị tắc nghẽn bởi bã nhờn tích tụ ở chân tóc. Khi lựa chọn dầu gội trị rụng tóc cho tóc dầu, người dùng nên tránh các sản phẩm có tính dưỡng ẩm, thay vào đó tìm những loại dầu gội có các thành phần sulfat để tăng cường loại bỏ dầu/bụi bẩn và thành phần axit salicylic để phá vỡ cấu trúc của bã nhờn dư thừa;
- Tóc đã nhuộm là dạng tóc cần được chăm sóc đặc biệt vì đã bị hư tổn do hóa chất. Các loại dầu gội trị rụng tóc thông thường đều không mang lại tác dụng tốt cho tóc nhuộm. Vì vậy người dùng cần tìm đến các sản phẩm được sản xuất đặc biệt dành cho loại tóc này với đặc tính dưỡng ẩm, dịu nhẹ và chỉ nên sử dụng 2-3 ngày một lần. Đặc biệt, dầu gội đầu trị rụng tóc cho tóc đã nhuộm phải “nói không” với sulfate vì chất này làm phai màu tóc nhanh hơn;
- Tóc mỏng thưa: Dạng tóc này có kết cấu mềm mượt và nhanh khô hơn sau khi gội đầu. Tuy nhiên, tóc mỏng khó tạo kiểu và xu hướng trở nên nhờn hơn bình thường. Nếu có mái tóc thưa mỏng và dễ rụng, người dùng nên tránh sử dụng dầu gội dạng kem, thay vào đó sử dụng các sản phẩm tạo độ phồng;
- Tóc xoăn: Nếu sở hữu mái tóc xoăn tự nhiên hoặc một mái tóc uốn, người dùng cần chăm sóc chúng nhiều hơn. Tóc xoăn có xu hướng khô hơn vì kết cấu, do đó người dùng nên chọn loại dầu gội trị rụng tóc có hàm lượng protein cao hoặc được bào chế đặc biệt để đảm bảo làm mềm và dưỡng ẩm cho tóc.
2.3. Một số cân nhắc khi chọn dầu gội trị rụng tóc
Khi xác định được loại tóc và loại da đầu, người dùng sẽ dễ dàng chọn lựa được loại dầu gội trị rụng tóc tốt nhất và phù hợp nhất. Tuy nhiên, chúng ta nên cân nhắc một số thành phần khác có thể góp phần làm rụng tóc, tăng nguy cơ kích ứng hay viêm da đầu, khiến tóc càng mỏng và dễ gãy rụng hơn.
Một số thành phần cần tránh trong dầu gội trị rụng tóc bao gồm:
- Cồn: Tỷ lệ cồn trong các loại dầu gội trị rụng tóc và trị gàu càng cao sẽ càng làm cho tóc mất đi độ ẩm và lớp dầu tự nhiên;
- Dầu khoáng và dầu mỏ: Hai thành phần này được sử dụng làm chất bôi trơn cho tóc nhưng lại có thể phản tác dụng khi làm nặng tóc và khiến tóc dễ rụng hơn;
- Sulfat: Natri lauryl sulfate (SLS) và amoni lauryl sulfate (ALS) là hai loại sulfat phổ biến nhất được sử dụng trong dầu gội. Bản chất của chúng là chất tẩy rửa mạnh và tạo bọt cho dầu gội. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là làm tóc xỉn màu, xơ khô, thô ráp và dễ bị rối dẫn đến gãy rụng;
- Natri clorua: Được sử dụng để làm đặc dung dịch dầu gội đầu, tuy nhiên natri clorua lại khiến tóc và da đầu khô hơn, đồng thời có nguy cơ gây kích ứng mắt và ngứa da đầu. Đặc biệt nồng độ natri clorua quá cao có thể dẫn đến rụng tóc;
- Formaldehyde: Có tác dụng giữ cho dầu gội ổn định trong hạn sử dụng. Tuy nhiên, nồng độ cao formaldehyde có thể gây dị ứng khi tiếp xúc và phát ban, thậm chí là gây ung thư;
- Propylene Glycol: Có tác dụng hỗ trợ các chất dinh dưỡng thẩm thấu vào da đầu dễ dàng hơn, tuy nhiên chất này có nguy cơ gây kích ứng da đầu, dẫn đến rụng tóc nếu sử dụng lâu dài;
- Chất tạo mùi, tạo màu nhân tạo: Nếu sở hữu làn da hoặc mái tóc nhạy cảm, người dùng hãy tránh những sản phẩm dầu gội đặc trị rụng tóc có chất tạo mùi, tạo màu nhân tạo. Thay vào đó, nên sử dụng sản phẩm không có mùi thơm để tránh kích ứng da đầu.