Mặc dù các nghiên cứu da liễu nhận định là niacinamide bôi tại chỗ ở mức 2% – 4% là một thành phần mỹ phẩm an toàn và không có khả năng gây phản ứng dị ứng nhưng vẫn có những cá nhân có thể bị nhạy cảm.
Thật sự là bất kỳ sản phẩm chăm sóc da tại chỗ nào được sử dụng trên làn da nhạy cảm đều có thể khiến tình trạng da hiện tại có thể trở nên tồi tệ hơn, gây bít tắc lỗ chân lông, bỏng rát, ngứa và đỏ da, bao gồm cả việc tiếp xúc với niacinamide.
Theo đó, khi lo ngại rằng bản thân có thể bị dị ứng hoặc bị kích ứng bởi các thành phần hoạt tính hoặc không hoạt động trong một sản phẩm bôi ngoài da, cần thử nghiệm bôi mẫu một ít trên da để thăm dò trước khi sử dụng chính thức. Cụ thể người dùng có thể thoa một lượng nhỏ mỹ phẩm có chứa thành phần Vitamin B3 lên vùng da cánh tay trong hoặc cổ và phủ một lớp chống dính qua đêm. Vào buổi sáng hôm sau, nếu da ửng hồng, đỏ, ngứa hoặc có cảm giác kích ứng, không nên tiếp tục sử dụng mỹ phẩm này lên mặt. Vì vậy, luôn sử dụng mỹ phẩm một cách thận trọng và an toàn, khuôn mặt không nên là vị trí để thử nghiệm.
Mặt khác, một điều đáng lưu ý rằng, bằng chứng khoa học cho thấy cả niacin dạng uống và niacinamide dạng uống ở một số người cũng có thể làm tăng các phản ứng dị ứng đã có bằng cách tăng sản xuất histamine trong cơ thể. Chính vì vậy, trên các đối tượng này, niacinamide trong mỹ phẩm không nên là một lựa chọn đáng quan tâm.
Tóm lại, niacinamide là sản phẩm chuyển hóa của vitamin B3. Tác dụng của niacinamide trong mỹ phẩm đã được chứng minh là bảo vệ da, cải thiện tình trạng lão hóa da cũng như kiểm soát mụn trứng cá. Tuy nhiên, như bất kỳ mỹ phẩm bôi da nào, người sử dụng nên thử nghiệm tính dung nạp của da, tránh bị kích ứng trước khi dùng, để mỹ phẩm đem lại lợi ích cho da một cách hoàn hảo nhất.