Lựa chọn kem chống nắng

Hiện nay, sử dụng các sản phẩm kem chống nắng là một giải pháp tối ưu giúp bảo vệ da được hầu hết chị em phụ nữ lựa chọn. Tuy nhiên, chắc hẳn không phải ai cũng nắm rõ toàn bộ tác dụng mà kem chống nắng đem lại. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin để bạn có thể hiểu thêm, biết cách sử dụng và lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp.

Tại sao bạn nên dùng kem chống nắng?

Trong ánh nắng có 3 tia gây hại là UVA, UVB, UVC:

– UVC: Tia gây ung thư da, bị ngăn bởi tầng Ozon, rất may mắn là tầng Ozon tại Việt Nam chưa bị thủng nên vẫn còn tác dụng chặn tia UVC truyền tới mặt đất. Trong khi đó, ở những nơi có tầng Ozon bị thủng hoặc mỏng thì nguy cơ ung thư da từ UVC là rất lớn. Hầu hết các loại kem chống nắng không có tác dụng chống UVC.

– UVB: Hoạt động lúc 9h-14h, mạnh nhất vào mùa hè, tác động vào lớp biểu bì, gây cháy nắng, sạm da, rát da. UVB không xuyên qua được kính nhưng có thể phản xạ qua kính và mặt nước. Đa số các loại kem chống nắng đều chống được UVB.

– UVA: Hoạt động lúc 14h-18h, luôn hiện diện bất kể mùa nào trong năm, cho dù trời nắng hay không. Thậm chí còn hoạt động mạnh nhất lúc trời râm mát, đặc biệt sau khi mưa. UVA xuyên được qua kính và nhiều loại vải. Tia này tác động vào trung bì, làm ảnh hưởng đến các gốc tự do, collagen, elastin, và các thành phần khác, gây nên hiện tượng lão hóa, kém đàn hồi, nếp nhăn, chảy xệ, nám dưới da. UVA còn gián tiếp gây ung thư và đột biến DNA.

Chỉ số chống nắng SPF và PA trên sản phẩm có ý nghĩa gì?

SPF (Sun Protection Factor) là định mức đo lường khả năng chống tia UVB của một sản phẩm chứ không phải là lượng chất chống nắng nhiều hay ít. Định mức quốc tế là 1 SPF = 10 đến 15 phút nếu bạn thoa đúng độ dày 0,2 mm kem lên da. Để biết kem chống nắng hiệu quả trong bao lâu, bạn lấy chỉ số SPF nhân với 10 (Ví dụ SPF 20 = 20 x 10 = 200 phút = 3h20phút). SPF càng cao sẽ bảo vệ da dưới nắng được lâu hơn, tuy nhiên sự khác biệt không quá lớn. SPF30 lọc được khoảng 97%, nhưng SPF60 cũng chỉ lọc được 98% tia UVB mà thôi. Tuy nhiên tác dụng này không ổn định do bụi bậm, mồ hôi, ma sát, quần áo và nước.

PA (Protection Grade of UVA) là chỉ số đo khả năng chống tia UVA. Có 3 mức độ là PA+, PA++, PA+++ tương ứng với mức độ chống tia UVA yếu (4h), vừa (8h) và mạnh (12h).

Bạn nên chọn loại kem chống nắng có cả 2 chỉ số SPF và PA để được bảo vệ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, không phải 2 chỉ số này càng cao thì càng tốt. SPF và PA càng cao đồng nghĩa với khả năng các chất hóa học trong sản phẩm càng gia tăng, dễ dẫn đến các vấn đề khô da, kích ứng và nhạy cảm. Mức độ chống nắng vừa phải và an toàn thích hợp dùng hàng ngày cho da nhạy cảm và những vùng da mỏng là SPF25 đến SPF35, PA++. Khi đi biển hay ra ngoài trong những ngày trời nhiều nắng, bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ cao hơn với SPF từ 40 đến 50, PA+++.

Phân loại kem chống nắng theo cơ thế hoạt động

Kem chống nắng có 2 loại phổ biến hiện nay là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Mỗi loại sẽ có các thành phần, cơ chế hoạt động và những ưu nhược điểm riêng.

– Kem chống nắng vật lý

Kem chống nắng vật lý (Sunblock) nằm trên bề mặt da, hoạt động như một chất ngăn chặn vật lý bằng cách làm chệch hướng và phân tán các tia UV ra khỏi da như những tấm gương nhỏ. Bởi vì chúng ngăn chặn tia UV ở cấp độ bề mặt, kem chống nắng vật lý bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB.

Kem chống nắng vật lý có chứa các thành phần hoạt tính titanium dioxide và zinc dioxide hoặc sự kết hợp của cả hai.

Ưu điểm: Bảo vệ hoàn toàn khỏi tia UVA và UVB; có hiệu lực ngay lập tức không cần phải chờ đợi; sẽ không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Nhược điểm: Cần phải thoa lại thường xuyên; có thể để lại một vết trắng trên da; nên tránh các công thức dạng xịt và dạng bột lỏng lẻo do dễ bị trôi.

– Kem chống nắng hóa học

Kem chống nắng hóa học (Sunscreen) được hấp thụ vào da của bạn và nằm ở các lớp sâu hơn. Chúng hấp thụ tia UV và biến đổi thành nhiệt, sau đó giải phóng nhiệt ra khỏi da. Kem chống nắng hóa học chứa oxybenzone, avobenzone, octinoxate, octocrylene, octisalate, homosalate hoặc kết hợp của chúng. Thành phần chống nắng hóa học thường dễ gây kích ứng cho da hơn trừ 2 thành phần là Oxybenzone và Mexoryl là 2 thành phần an toàn đã được chứng nhận. Khi thoa kem chống nắng hóa học cần đợi khoảng 15 – 20 phút để phát huy hiệu quả rồi mới ra ngoài.

Ưu điểm: Cần ít sản phẩm hơn cho mỗi ứng dụng để bảo vệ; mỏng hơn và dễ tán trên da; áp dụng một cách vô hình.

Nhược điểm: Cho phép tiếp xúc với một số tia UVA; đòi hỏi thời gian để có hiệu quả thường bôi trước ra nắng 15-20 phút; có thể làm trầm trọng thêm mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ và chứng tăng sắc tố da.

Vậy bạn nên chọn kem chống nắng vật lý hay hóa học?

– Nếu bạn phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhiều trong ngày, thì kem chống nắng vật lý là lựa chọn tốt nhất, đặc biệt nếu bạn có tình trạng da như mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ hoặc da nhạy cảm.

– Nếu đổ mồ hôi hoặc đi bơi, bạn sẽ cần thường xuyên thoa lại kem chống nắng thì bạn có thể cân nhắc kem chống nắng hóa học, hãy tránh thành phần oxybenzone trong kem chống nắng hóa học nếu có thể.

Sử dụng kem chống nắng như thế nào để hiệu quả tốt nhất?

Để sử dụng kem chống nắng đúng cách và hiệu quả, bạn cần thực hiện tốt 2 điều sau:

– Bôi đủ: Các chuyên gia khuyên nên dùng 2mg kem chống nắng trên 1cm2 da (tức là khoảng 25-30gr cho toàn thân và 1/4 đến 1/3 thìa café nếu dùng cho mặt) để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất. 1/4 đến 1/3 thìa cà phê tương đương với 1 lượng kem trải đều từ gốc đến đầu ngón tay trỏ. Lý thuyết nhiều sản phẩm chống nắng SPF cao có thể bảo vệ da tới 8 tiếng, nhưng dưới tác động của môi trường, mồ hôi, nước hay sự ma sát, chúng có thể bị giảm tác dụng. Vì vậy bạn nên thoa lại sau mỗi 3-4 tiếng.

– Bôi đúng: Cho kem vào lòng bàn tay, tán đều và vỗ lên mặt, vừa vỗ vừa áp cho kem thấm đều lên da. Không nên xoa tròn như khi tẩy trang hay dùng kem dưỡng, vì khi làm như vậy một phần kem sẽ tan vào trong lớp dầu tự nhiên của da và bị lỏng ra, làm giảm tác dụng của kem chống nắng. Đồng thời cách bôi này giúp kem thấm nhanh hơn, khô thoáng và đều hơn. Nếu da bạn không hấp thu được một lượng nhiều thì bạn có thể chia kem thành 2 lần bôi, vỗ đều giữa 2 lần là được.

Hãy lựa chọn sản phẩm chống nắng phù hợp để có một làn da khỏe mạnh, đặc biệt trong dịp mùa hè sắp tới.

BSCK1 Vũ Thu Trang – Trung tâm Da liễu dị ứng

Rate this post