Sự thật về hút chì da mặt để thải độc cho da

Phụ nữ ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe của làn da. Bởi một làn da khỏe giúp phái đẹp tự tin hơn với vẻ ngoài của mình. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều công nghệ làm đẹp ra đời, và cũng không ít những khái niệm chăm sóc sức khỏe bị ‘bẻ cong’ để tạo nên nhu cầu, đôi khi không mấy cần thiết, cho phái đẹp. Vậy thì hút chì da mặt có phải là một phương pháp đã bị ‘thổi phồng’ không? Cùng tìm hiểu thực hư qua bài viết này nhé!

Hút chì da mặt là gì?

Hút chì da mặt hay còn gọi là thải độc chì, là một liệu trình thẩm mỹ khá phổ biến ở các spa hiện nay. Các bước hút chì thải độc da bao gồm làm sạch sâu, tẩy tế bào chết, xông hơi, sau đó dùng máy hút chì da mặt để thải độc da. Bước cuối cùng là đưa tinh chất nuôi dưỡng da thẩm thấu vào bên trong.

Mục đích của hút chì da mặt bên cạnh việc loại bỏ tạp chất trong da còn giúp da đủ sạch để hấp thu các dưỡng chất tốt hơn.

Hút chì da mặt có tốt không?

Một chất không rõ nguồn gốc được bôi lên mặt, kết hợp với mồ hôi, mỡ thải qua da dưới nhiệt độ tạo nên phản ứng hóa học, dẫn đến xuất hiện một lớp màu đen trên da mặt. Đây là một phản ứng hóa học tạo màu bình thường nhưng nhiều người lại lầm tưởng đó là chì trong da được thải ra ngoài.-

Việc này nói lên rằng liệu pháp hút chì không hoàn toàn không hút được chì như bạn tưởng. Và ‘máy hút chì’ tại spa cũng chỉ là máy áp suất cao giúp lỗ chân lông giãn nở, đồng thời làm sạch bã nhờn, bụi bẩn dưới lỗ chân lông, tẩy tế bào chết. Về cơ bản, nó giúp da sạch sâu và sáng hơn mà thôi.

Bạn có thật sự cần hút chì da mặt?

Bạn lo ngại trong da mặt chứa chì? Theo các chuyên gia da liễu, chì chỉ xuất hiện trong các mỹ phẩm rẻ tiền, kém chất lượng. Với sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng thường không chứa chì cũng như các chất gây hại nguy hiểm khác. Vậy nên người thường xuyên dùng mỹ phẩm không cần thiết thải độc, chỉ trường hợp ngộ độc chì mới cần phải thải chì theo chỉ định của bác sĩ.

Nguyên nhân gây nhiễm độc chì

Chì có trong môi trường ô nhiễm, khí thải từ các động cơ đốt và nhà máy, thực phẩm bẩn nuôi trồng trong những vùng ô nhiễm và mỹ phẩm kém chất lượng.

Chì có thể xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường: Hô hấp, tiêu hóa và thẩm thấu qua da – niêm mạc. Có thể phái đẹp cho rằng chì sẽ ở lại dưới da khi thoa mỹ phẩm kém chất lượng, và chỉ cần ‘hút chì’ ra là được. Nhưng thực tế thì chì sẽ được hấp thu thẳng vào máu, sau đó đến hệ thần kinh và lâu dài tập trung ở xương. Do đó, việc hút chì da mặt hoàn toàn không có cơ sở.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng không phải kim loại nào tồn tại trong cơ thể cũng là nguy hiểm. Cơ thể cần một lượng nhỏ các kim loại như đồng, sắt để hoạt động trơn tru và khỏe mạnh. Tình trạng nhiễm độc kim loại chỉ nghiêm trọng khi cơ thể hấp thu quá liều lượng.

Làm sao để biết có nhiễm độc chì hay không?

Bạn có thể biết mình có bị nhiễm độc chì hay không thông qua xét nghiệm nồng độ chì trong máu, kết hợp chụp X-quang và sinh thiết tủy xương vì chì thường lắng đọng trong xương.

Người bị nhiễm độc chì sẽ có các biểu hiện như:

  • Táo bón
  • Hành vi hung hăng
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ
  • Dễ cáu gắt
  • Huyết áp cao
  • Ăn không ngon
  • Thiếu máu
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Giảm trí nhớ
  • Chậm kỹ năng phát triển ở trẻ em
  • Phương pháp thải độc chì

Tùy thuộc vào nguyên nhân nhiễm độc mà người bệnh có thể tách khỏi môi trường làm việc hoặc thay đổi chế độ ăn uống.

Với những trường hợp nhiễm độc nhẹ thường chỉ cần tránh khỏi tác nhân gây nhiễm độc. Trong trường hợp nặng hơn, bước điều trị cơ bản là dùng liệu pháp chelation; người bệnh sẽ uống hoặc tiêm thuốc để đào thải chì qua phân và nước tiểu.

Lưu ý chăm sóc để không cần “hút chì da mặt”

Để không phải hút chì da mặt mà chưa biết rõ hiệu quả của nó thế nào thì bạn cần chăm sóc da mỗi ngày một cách khoa học.

Những điều cơ bản cần chú ý đó là:

  • Uống nhiều nước
  • Ăn nhiều trái cây và rau xanh
  • Ngủ đủ giấc
  • Bôi kem chống nắng 2-3 tiếng/lần, trước khi ra ngoài đường 30 phút
  • Tìm hiểu kỹ về thành phần và nguồn gốc mỹ phẩm trước khi dùng. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể tìm hiểu sử dụng dược mỹ phẩm vì tiêu chuẩn sản xuất dược mỹ phẩm có yêu cầu khắt khe hơn rất nhiều so với mỹ phẩm thông thường.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Rate this post