Da của trẻ sơ sinh có thể thay đổi rất nhiều trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời. Trước khi rời bệnh viện hoặc trong vài ngày về nhà, làn da của trẻ sơ sinh có thể bắt đầu bong tróc. Điều này là hoàn toàn bình thường đối với bé sơ sinh. Lột da có thể xảy ra trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, chẳng hạn như bàn tay, lòng bàn chân và mắt cá chân.
Trẻ sơ sinh khi còn trong bụng mẹ được bao phủ bởi một lớp bã nhờn thai nhi, giúp bảo vệ làn da bé tiếp xúc trực tiếp với nước ối. Khi lớp bã nhờn thai nhi không còn nữa thì da của bé bắt đầu bong tróc trong vòng từ 1 đến 3 tuần. Số lượng da bong tróc tuỳ thuộc vào tình trạng quá trình bé được sinh ra đời: bé sinh non hay sinh đủ tháng. Đối với trẻ sinh non thường sẽ có nhiều lớp bã nhờn thai nhi hơn so với trẻ được sinh ra trong hoặc sau 40 tuần.
Một số nguyên nhân khác có thể gây bong tróc da ở trẻ :
- Bệnh chàm. Trong một số trường hợp bong tróc và khô da là một tình trạng bệnh về da còn gọi là bệnh chàm hay viêm da dị ứng. Bệnh có thể gây ra các mảng khô, đỏ, ngứa trên da bé. Tình trạng này hiếm gặp trong giai đoạn ngay sau sinh, nhưng có thể phát triển muộn hơn ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân chính xác của tình trạng này cũng chưa được làm rõ. Tuy nhiên, có thể xác định nguyên nhân của bệnh do một số yếu tố kích hoạt bùng phát bệnh như tiếp xúc với chất gây kích ứng da như dầu gội và các loại chất tẩy rửa.
- Bệnh vảy cá. Lột da và khô da cũng có thể được gây ra bởi tình trạng di truyền được gọi là bệnh vảy cá. Da bé bị bệnh này sẽ tạo ra vảy, ngứa và bong da. Hiện vẫn chưa có cách điều trị hoàn toàn được bệnh vảy cá, nhưng để làm giảm các triệu chứng khô da và cải thiện tình trạng da có thể nên dùng kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh.