Vũ Yến –
Sử dụng aspirin như thành phần nguyên liệu chính trong công thức làm trắng da hiện đang được một số trang mạng truyền tải. Không ít chị em tin tưởng và thực hiện theo với mong muốn có một làn da trắng như ý. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc làm đẹp này không có cơ sở khoa học, thậm chí gây hại cho da.
Da đen nhẻm thành trắng bóc?
Công thức làm trắng da từ aspirin được một trang web chia sẻ.
Chị Kim, chủ một tiệm cắt tóc trên đường Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TPHCM kể, theo chỉ dẫn của một người bạn, một tháng trở lại đây chị đang làm trắng da bằng thuốc aspirin.
Mỗi tuần hai lần, sau khi đã làm sạch da chị sử dụng hỗn hợp gồm 3-5 viên aspirin đã nghiền nát, 3 thìa canh bột yến mạch và một nửa ly sữa tươi không đường thoa đều lên cơ thể, đồng thời sử dụng lòng bàn tay massage nhẹ nhàng. Thời gian massage thường kéo dài trong khoảng 3-5 phút và để hỗn hợp trên lưu lại trên da chừng 15-20 phút thì tắm lại bằng nước.
Theo chị Kim, mặc dù bạn chị nói là chỉ sau 3-4 lần thực hiện thì làn da sẽ trắng hồng lên trông thấy, ít nhất trắng thêm 2-3 tông màu so với da hiện tại nhưng thực tế chị chưa thấy thay đổi gì. Có chăng chỉ là sau khi thoa hỗn hợp trên, tắm sạch thì thấy da khá mịn màng, giống như lớp tế bào chết được tẩy bỏ vậy.
Chị Đa, công nhân tại một khu công nghiệp ở huyện Bình Chánh, TPHCM cũng cho biết, khi đọc trên một số trang mạng, chia sẻ công thức làm trắng da từ thuốc aspirin, một loại thuốc dễ mua, nguyên liệu kèm theo cũng dễ tìm, nên chị đang làm thử.
“Tôi mới áp dụng công thức làm trắng da này được hai lần thôi, chưa thấy tác dụng và cũng chưa bị dị ứng gì. Nếu có tác dụng như mấy bài báo làm đẹp viết thì tốt quá. Vả lại tôi thấy thành phần nguyên liệu cũng khá lành nên chắc sẽ không có vấn đề gì với da”, chị Đa hào hứng.
Trên một số trang web về làm đẹp hiện nay đang chia sẻ công thức làm trắng da từ nguyên liệu chính là aspirin kết hợp với bột yến mạch, sữa tươi không đường; aspirin với bột matcha trà xanh, sữa chua, mật ong; aspirin với bột gạo, nước cốt chanh. Theo giới thiệu, khi áp dụng công thức này thì da đen nhẻm cũng thành trắng bóc và hoàn toàn an toàn. Trên một trang web, phần nội dung liên quan đến công thức này viết: “Thành phần axit salicylic có trong các viên aspirin có tác dụng trị mụn thần kỳ cùng với công dụng giải cứu các lỗ chân lông bị bít lại bởi dầu, tế bào chết, giảm sưng, đồng thời làm trắng da, sáng da rất hiệu quả”.
Da sẽ mỏng, dễ bắt nắng
PGS.TS.BS. Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám da liễu cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết aspirin là loại thuốc uống có tác dụng giảm đau, hạ sốt và tác dụng đối với một số bệnh tim mạch. Hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng của aspirin trong việc làm đẹp, làm trắng da.
Cũng theo bác sĩ Diệp, khó khẳng định tác hại chính xác của các công thức làm đẹp từ aspirin vì nó còn phụ thuộc vào từng loại da, phụ thuộc cơ địa từng người, vào vùng da bôi trực tiếp và phụ thuộc vào nguyên liệu trộn chung. Tuy nhiên, việc gây kích ứng da, dị ứng là điều dễ dàng xảy ra.
“Trong công thức làm đẹp, làm trắng của một số loại kem trộn theo tôi được biết có sử dụng aspirin. Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại dùng loại thuốc uống này. Tuy nhiên, chắc chắn để da trắng thì trong các loại kem trộn đó phải sử dụng corticoid – một chất có hại cho da; không thể nhờ aspirin mà trắng được”, bác sĩ Diệp nói thêm.
PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TPHCM, cho biết trong ngành thẩm mỹ với các loại mỹ phẩm chính thống thì không có aspirin trong công thức tạo thành.
Theo ông Nam, aspirin hay acetylsalicylic acid (ASA), (acetosal) là một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm non-steroid, có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, khi dùng liều thấp kéo dài có thể phòng ngừa đau tim và hình thành cục nghẽn trong mạch máu.
Aspirin thường dùng để bôi lên da là aspirin pH8, tức tính kiềm cao hơn pH của da (4.5-5.5). Nếu ở mức trung bình, độ pH chuẩn là 7 thì pH8 ở aspirin là quá kiềm so với da, khiến các tế bào sừng phình to ra, khiến da khô và bong ra, mang lại cho người sử dụng cảm giác là lột da, trắng trẻo, đẹp nhanh hơn.
“Hệ quả mà nó để lại là da sẽ mỏng và nhạy cảm hơn, bắt nắng nhanh và hấp thụ các tia UV dễ hơn dẫn đến việc da bị nám, lâu dần có thể gây ra ung thư da”, PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam nói.