Hiểu rõ tâm lý học làn da để chăm sóc da khỏe mạnh từ trong ra ngoài

Mối quan hệ giữa làn da và não bộ khăng khít hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.

Trong cuốn sách “The Mind-Beauty Connection” xuất bản năm 2008, Bác sỹ Da liễu và Tâm thần học Amy Wechsler đã viết: “Làn da và bộ não cùng khởi phát từ trục não-da, đó là khối mô đã hình thành trong cơ thể ngay từ khi ta còn là một bào thai trong tử cung của mẹ. Các đầu dây thần kinh trên da được kết nối chặt chẽ với hệ thần kinh và sự kết nối này diễn ra theo cả hai chiều.”

Đó là lý do ta đỏ mặt khi xấu hổ, sởn gai ốc khi sợ hãi, tái nhợt khi căng thẳng. Làn da luôn là một trong những bộ phận đầu tiên lên tiếng khi cơ thể phát ra luồng cảm xúc bất thường.

Mối quan hệ hai chiều giữa bộ não và làn da

Điều này được phản ánh rõ nhất khi ta stress. Sau một cuộc chia tay hay trong những ngày gặp toàn chuyện tồi tệ, não bộ của chúng ta sẽ giải phóng một lượng lớn cortisol – loại hormone chống lại căng thẳng được chứng minh là có tác động tiêu cực trực tiếp đến chức năng miễn dịch của da.

Vậy nên, khi tâm trạng trở nên bất ổn, nồng độ chất này tăng cao, kéo theo hàng rào bảo vệ da cũng bị suy yếu, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nên tình trạng mụn trứng cá cũng như những mảng da khô tróc, tối sạm.

Khi tinh thần kiệt quệ mà làn da còn gặp vấn đề, stress lại càng thêm stress. Nỗi mặc cảm về làn da không đẹp không phải là thứ cảm xúc chỉ xuất hiện thoáng qua và dễ dàng tiêu biến sau một đêm.

Năm 2017, khi thực hiện một cuộc nghiên cứu về cảm xúc của những bệnh nhân mắc các bệnh da liễu mãn tính như chàm, vẩy nến, mụn, phát ban đỏ… và các bệnh nhân đang đối mặt với căn bệnh ung thư, Bác sỹ Anthony Bewley thuộc Hiệp hội Bác sỹ Da liễu Anh đã nhận được một kết quả bất ngờ, đó là chỉ số căng thẳng trung bình ghi nhận ở hai nhóm bệnh nhân trên không quá chênh lệch, lần lượt là 78% và 85%.

Chăm da không chỉ ở tế bào

Dựa trên nền tảng lý thuyết và thực tế, một bộ môn khoa học mang tên Tâm lý học Da liễu đã được khai sinh. Với triết lý “tinh thần khỏe mạnh là nền tảng của làn da rạng ngời,” tâm lý học da liễu hướng đến mục tiêu điều trị các vấn đề về da thông qua góc độ sức khỏe tinh thần thay vì chỉ ở góc độ tế bào.

Khi nhắc đến lĩnh vực này, mỹ phẩm và thuốc điều trị không phải là con đường lý tưởng nhất. Thay vào đó, các kỹ thuật giúp cân bằng cảm xúc, giải tỏa suy nghĩ tiêu cực và làm mới tâm trí chẳng hạn như thiền hay chánh niệm được nhắc đến nhiều hơn.

[Căng tràn vẻ tươi trẻ và khỏe khoắn với làn da mọng sương]

Hơi thở – yếu tố quan trọng trong các bài tập thiền, khi được kiểm soát và điều chỉnh sẽ giúp loại bỏ lượng carbon dioxide dư thừa khỏi cơ thể, cung cấp lượng lớn ôxy cho máu để từ đó kích thích quá trình trao đổi chất của tế bào, bao gồm cả tế bào da và tế bào thần kinh.

Nghiên cứu năm 2018 về kiểm soát hơi thở của các Nhà khoa học tại Đại học Trinity College Dublin (Ireland) đã chỉ ra rằng khi chúng ta điều chỉnh hơi thở một cách nhịp nhàng và chậm rãi, hệ thần kinh trở nên thư thái hơn, nồng độ cortisol giảm đi đến 50%. Và khi tâm trí nhẹ nhàng, tĩnh tại, làn da đương nhiên cũng được hưởng lợi.

Siêu mẫu Kate Moss từng chia sẻ phương pháp thở 4-7-8 được cô áp dụng như một liều thuốc an thần hữu hiệu trong khoảng thời gian đại dịch, đó là hít sâu 4 giây, nín thở trong 7 giây rồi thở ra trong 8 giây kế tiếp, lặp lại trong 5 đến 10 phút trước khi ngủ. Phương pháp này giúp cải thiện giấc ngủ sâu, đồng thời cũng khiến nhịp tim tăng lên, máu lưu thông tốt hơn và làn da nhờ đó mà trở nên hồng hào.

Mỹ phẩm giải stress

Ngày nay, rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm đã gia nhập đường đua chinh phục trái tim các tín đồ làm đẹp bằng những dòng sản phẩm vừa dưỡng da, vừa giải tỏa căng thẳng, xoa dịu tâm hồn.

Năm 2013, Chanel từng mang tới khái niệm mỹ phẩm có khả năng điều hòa lại nhịp sinh học của tế bào da. Kem dưỡng Le Weekend được thương hiệu này khuyến khích các khách hàng sử dụng vào cuối tuần như một liệu trình đặc biệt giúp bù đắp năng lượng cho làn da đã chịu nhiều áp lực mệt mỏi suốt một tuần.

Lớp kem mịn như bơ chứa chiết xuất hoa nhài, hoa hồng tháng Năm, trầm hương Ấn Độ thẩm thấu vào lớp trung bì nơi có các sợi thần kinh truyền tín hiệu đến não bộ, giải tỏa căng thẳng cho cả làn da và tâm trí.

Ứng dụng yếu tố tinh thần, suy nghĩ, cảm xúc để chăm sóc làn da và chữa lành cơ thể là xu hướng mới nở rộ ở phương Tây trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã xuất hiện rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau ở phương Đông từ nhiều thế kỷ trước.

Yang sheng – một khái niệm trong Y học Cổ truyền Trung Hoa ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 4 Trước Công nguyên là ví dụ điển hình. Phương pháp này xoay quanh việc cân bằng hai yếu tố âm dương trong cơ thể bằng cách tắm luân phiên với nước nóng và nước lạnh, massage mặt bằng ngọc hay ngâm chân… để cải thiện chất lượng cuộc sống trên nhiều phương diện bao gồm giấc ngủ, việc tiêu hóa và cả vẻ đẹp làn da.

Ở Nhật Bản, zen – trạng thái cân bằng thăng hoa khi con người hòa nhịp với vũ trụ, là tinh thần luôn lan tỏa trong từng lát cắt của cuộc sống.

Menard, hãng mỹ phẩm hơn 60 năm tuổi đến từ Nhật Bản vốn nổi tiếng với dòng dưỡng da Beauness lấy zen làm trọng tâm. Là sự kết tinh giữa chiết xuất từ thực vật, tinh chất suối khoáng, thảo dược từ thiên nhiên và thành phần vitamin B5, dòng sản phẩm này có công dụng bảo toàn sinh khí cho làn da trong cuộc sống bận rộn hằng ngày. Nổi bật nhất trong dòng này là tinh chất khoáng cân bằng da Beauness A, loại nước dưỡng đem đến làn sương tươi mát cùng cảm giác thư giãn khi sử dụng.

Cũng được xây dựng dựa trên triết lý cân bằng, thương hiệu Sulwhasoo đến từ Hàn Quốc hướng đến việc nuôi dưỡng làn da bằng cách khơi dậy sức sống từ bên trong.

Câu chuyện thời xa xưa về các bậc minh quân mỗi khi muộn phiền đều ngồi thiền dưới gốc cây thông đỏ đã truyền cảm hứng để thương hiệu này ra mắt dòng sản phẩm Timetreasure Invigorating vào năm 2019.

Năng lượng từ nhựa và tinh dầu thông đỏ đã được Đông Y Bảo Giám của người Hàn ghi nhận về khả năng giải tỏa tiêu cực, tái tạo sức sống cho thể chất và tâm trí.

Rate this post