3. Có các phương pháp tái tạo da nào?
3.1. Mặt nạ hóa học
Mặt nạ hóa học là một phương pháp trị liệu thẩm mỹ các vấn đề da như sẹo thâm, lão hóa, rối loạn tăng sắc tố. Cơ chế khoa học của mặt nạ hóa học là dùng các alpha hydroxy acid (AHA) gồm acid citric, acid glycolic, acid lactic hay beta hydroxy acid (BHA), acid salicylic để làm bong vảy các lớp biểu bì, kích thích được quá trình tái tạo bề mặt da, cho da một “lớp giáp” mới tươi sắc và rạng ngời hơn. Ngoài AHA, BHA thì bạn còn có thể sử dụng vitamin C, retinoids, tretinoin để thực hiện tái tạo da.
Khi lựa chọn phương pháp này, bạn cần phải lưu ý thực hiện tại cơ sở uy tín, được cấp phép hoạt động và đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp, tay nghề cao để đảm bảo quá trình tái tạo da mặt được chuẩn mực, an toàn, đồng thời, giảm thiểu tai biến nghiêm trọng cho da như nhiễm trùng, lở loét, tạo sẹo, da mỏng đỏ, lộ chỉ máu hay tăng sắc tố sau viêm…
3.2. Liệu pháp bào mòn da
Siêu bào mòn da chính là liệu pháp tái tạo bề mặt da phổ biến hiện nay. Theo đó, bác sĩ da liễu sẽ sử dụng thiết bị có gắn tinh thể thạch anh hoặc mũi kim cương để tẩy hoặc bong vẩy các lớp sừng chết trên da nhằm thúc đẩy tế bào da mới được phát triển. Sau khi thực hiện, giải pháp này sẽ tạo cảm giác làn da được căng mịn, tươi trẻ hơn cho khách hàng.
Vì là phương pháp thâm nhập sâu vào trong da nên sau khi trị liệu, da bạn có thể gặp phải một số phản ứng không mong muốn như khô và bong tróc, có dấu hiệu mưng mủ và bị tiết dịch lỏng. Do đó, trước khi thực hiện liệu pháp bào mòn da này thì bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ da liễu để được tư vấn một cách chi tiết, hạn chế được những rủi ro, biến chứng và các tác dụng phụ.