Viêm môi dị ứng là bệnh phổ biến ở môi do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vậy viêm môi dị ứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh và bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh ra sao?
Viêm môi dị ứng là gì?
Viêm môi dị ứng là bệnh viêm da dị ứng xảy ra ở vùng môi, với biểu hiện viêm, sưng, bong tróc vảy bởi các tác nhân gây dị ứng như: mỹ phẩm, kem chống nắng, kem đánh răng, nước súc miệng, thuốc, thực phẩm chứa chất bảo quản, nước hoa hoặc hương liệu nhân tạo.
Nguyên nhân viêm môi dị ứng
Viêm môi dị ứng xảy ra khi một hoặc cả hai môi tiếp xúc với chất gây dị ứng, khiến hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng. Các chất kích ứng gây bệnh gồm: (1)
- Kem đánh răng, chất làm sạch răng giả hoặc nước súc miệng.
- Nước hoa.
- Thuốc (như neomycin hoặc bacitracin).
- Kim loại (bao gồm phục hồi răng, dụng cụ y tế và thiết bị chỉnh nha).
- Kem chống nắng.
- Thực phẩm như quế hoặc trái cây họ cam quýt.
- Propylen glycol.
- Latex hoặc sản phẩm cao su.
- Kim loại mạ niken hoặc niken, đồ trang sức.
- Son môi.
- Ánh sáng.
Triệu chứng viêm môi dị ứng
Các triệu chứng viêm môi dị ứng thường gặp nhất: (2)
- Ngứa rát viền môi.
- Sưng tấy môi.
- Môi nổi mụn nhỏ li ti.
- Da môi khô, nứt nẻ, bong tróc.
- Môi thâm đen.
- Viêm môi vùng mép.
Khi bị dị ứng, bạn có thể truy ngược về nguyên nhân; ví dụ như dị ứng với nhạc cụ chỉ có phần môi tiếp xúc với nhạc cụ mới xảy ra thay đổi. Viêm môi dị ứng hiếm khi ảnh hưởng đến phần niêm mạc bên trong của môi.
Viêm môi dị ứng có nguy hiểm không?
Thông thường là không. Viêm môi dị ứng chỉ là tình trạng tạm thời và sẽ nhanh chóng khỏi hẳn sau khi người bệnh ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, phản ứng dị ứng nặng có thể đưa đến sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Sốc phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như đậu phộng hoặc vết ong đốt. Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ: (3)
- Sưng mặt, lưỡi và môi.
- Hạ huyết áp.
- Khó thở.
- Nghẹn họng.
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa.
- Bụng khó chịu.
- Lú lẫn.
- Co giật.
Sốc phản vệ cần được điều trị ngay lập tức bằng cách tiêm epinephrine. Ngay khi nhận thấy nạn nhân sốc phản vệ cần liên hệ đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Yếu tố rủi ro tăng khả năng mắc bệnh viêm môi dị ứng
Viêm môi tiếp xúc dị ứng phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Bệnh ảnh hưởng mọi lứa tuổi nhưng người lớn thường bị nhiều hơn trẻ em. Mức độ dị ứng của các tác nhân khác nhau tùy theo lứa tuổi. Dưới đây là các yếu tố rủi ro làm tăng khả năng mắc bệnh viêm môi dị ứng: (4)
- Mỹ phẩm là nguồn dị ứng phổ biến nhất ở phụ nữ, còn ở nam giới là kem đánh răng.
- Thuốc là nguồn gốc của các phản ứng viêm môi dị ứng xảy ra ở người cao tuổi.
- Dụng cụ nha khoa và các sản phẩm vệ sinh răng miệng có thể là tác nhân gây viêm môi ở mọi lứa tuổi.
- Phản ứng với thực phẩm chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em.
- Bệnh nhân đang điều trị y khoa cũng thường bị dị ứng.
Các nguồn gây dị ứng chính gây nên viêm môi tiếp xúc bao gồm:
- Son môi và mỹ phẩm dành cho môi khác
- Kem chống nắng.
- Kem đánh răng và các sản phẩm chăm sóc răng miệng khác (nước súc miệng làm trắng răng, chất làm sạch răng giả, chỉ nha khoa, tăm xỉa răng).
- Kim loại đến từ dụng cụ phục hồi răng, thiết bị chỉnh nha, nhạc cụ, vỏ son môi làm từ kim loại, hay thói quen ngậm đồ vật bằng kim loại.
- Đồ ăn.
- Thuốc.
- Sơn móng tay.
- Găng tay cao su được sử dụng trong quá trình điều trị nha khoa.
Các nhóm chất gây dị ứng phổ biến gây viêm môi tiếp xúc bao gồm:
- Các kim loại như niken.
- Hương liệu.
- Chất bảo quản.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Thông thường, viêm môi dị ứng sẽ tự biến mất sau khi một người ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích. Tuy nhiên, nếu phát ban kéo dài hoặc tái phát, bạn nên đến gặp bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da để xác định nguyên nhân gây ra phản ứng.
Các tình trạng Viêm môi có thể bạn quan tâm: Viêm môi cơ địa, viêm môi dạng u hạt, viêm môi bong vảy
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm môi dị ứng
Patch test thường được thực hiện để xem những chất nào sẽ làm người bệnh phát sinh phản ứng dị ứng. Bác sĩ sẽ bôi một lượng nhỏ chất có thể gây dị ứng lên da và sau đó đắp lại bằng miếng dán trong 48 giờ, sau đó gỡ bỏ miếng dán và kiểm tra phản ứng trên da.
Xét nghiệm bằng patch test lần đầu tiên có khả năng cao không thành công vì có rất nhiều chất gây dị ứng tiềm ẩn. Để đưa ra kết quả chuẩn xác, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh xét nghiệm nhiều lần. Vì vậy, người bệnh nên đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da từ 4 – 7 ngày sau lần khám đầu tiên để các bác sĩ kiểm tra lại.
Cách chữa viêm môi dị ứng hiệu quả
Tùy vào nhân tố gây ra phản ứng dị ứng mà việc điều trị sẽ có thể khác nhau. Ưu tiên số một khi điều trị viêm môi dị ứng là ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng và tránh xa chất kích thích gây ra phản ứng. Tuy nhiên, nếu như vậy vẫn không đủ để đối phó với các triệu chứng viêm môi dị ứng thì liên hệ ngay bác sĩ để có những biện pháp điều trị chuyên khoa hữu hiệu. (5)
- Dưỡng ẩm: dưỡng ẩm tốt có thể giúp điều trị da khô, ngứa hoặc bong vảy và các sản phẩm dưỡng ẩm có thể dễ dàng tìm mua ở hiệu thuốc, cửa hàng và các sàn thương mại điện tử. Thoa kem dưỡng ẩm trực tiếp lên da sẽ làm dịu và cấp ẩm cho da bằng cách cung cấp một lớp màng bảo vệ thông qua các sản phẩm dưỡng ẩm như kem dưỡng ẩm, sữa dưỡng ẩm, gel dưỡng ẩm và thuốc mỡ. Để tránh bị kích ứng hoặc dị ứng nên chọn sản phẩm dưỡng môi lành tính và không hương liệu.
- Corticosteroid bôi tại chỗ: là những loại thuốc steroid bôi trực tiếp lên da giúp giảm viêm và kích ứng bao gồm: thuốc mỡ, kem dưỡng, sữa dưỡng và gel đều có thể giúp giảm mức độ sưng tấy, nứt nẻ và giúp hồi phục môi. Corticosteroid tại chỗ có hiệu lực thấp là thuốc không kê toa có thể tìm mua ở các nhà thuốc. Tương tự, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc kháng histamine. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và không nên sử dụng thuốc quá 1 tuần nếu chưa nhận được chấp thuận từ bác sĩ.
- Thuốc ức chế Calcineurin tại chỗ (TCIs): chất điều hòa miễn dịch không steroids giúp thay đổi hệ thống miễn dịch trong cơ thể giúp giảm viêm và ngứa da. Tuy nhiên, không để thuốc dính vào bên trong mắt, mũi và miệng.
- Điều trị không dùng thuốc: là biện pháp chăm sóc da tối ưu và giúp giải quyết các vấn đề thương tổn trên da. Bạn nên uống đủ nước; không cắn, liếm hoặc chạm vào môi; tránh các vật dụng làm bằng kim loại trên môi, chẳng hạn như khuyên môi; sử dụng máy tạo độ ẩm; chườm lạnh để giảm ngứa. Tránh gãi môi vì tình trạng dị ứng sẽ có khả năng phát triển nghiêm trọng hơn và có khả năng dẫn đến nhiễm trùng, khi đó người bệnh phải dùng kháng sinh để điều trị.
Biện pháp phòng ngừa viêm môi dị ứng
Sau đây là các biện pháp giúp phòng ngừa viêm môi dị ứng:
- Bảo vệ môi bằng son dưỡng có chứa hoạt chất chống nắng. Vào mùa đông, khi ra ngoài trời lạnh nên che miệng bằng khăn quàng cổ để bảo vệ môi. Lựa chọn những sản phẩm không mùi, không màu, không gây dị ứng để môi không tiếp xúc với hóa chất kích ứng.
- Thay đổi thói quen liếm môi. Nhiều người nghĩ liếm môi giúp dưỡng ẩm cho vùng da đó nhưng thực tế lại khiến môi khô hơn. Nên cân nhắc thay đổi chế độ chăm sóc da và trang điểm hàng ngày để hạn chế môi tiếp xúc với các thành phần làm khô môi.
- Uống nước nhiều và sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà vào mùa lạnh có thể phục hồi độ ẩm cho da và giữ cho môi không nứt nẻ hay ngứa ngáy.
- Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng. Đọc kỹ thông tin sản phẩm trên tất cả sản phẩm dùng cho môi để đảm bảo chúng không chứa chất gây dị ứng. Tránh xa các tác nhân dị ứng như xà bông, lông thú cưng, bụi bẩn, chất tẩy rửa, phấn hoa,… vì có thể làm bệnh khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm.
Các câu hỏi liên quan về viêm môi dị ứng
1. Viêm môi dị ứng có tự chữa tại nhà được không?
Không. Dùng các loại thuốc thảo dược hay tinh dầu để tự chữa viêm môi dị ứng tại nhà có thể làm tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng hơn khi chưa xác định được các nhân tố gây bệnh.
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh cần liên hệ ngay các bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh để bệnh phát triển gây ra những biến chứng nguy hiểm làm tăng nguy cơ tái nhiễm. (6)
2. Viêm môi dị ứng có lây không?
Không. Viêm môi dị ứng không lây nhiễm từ người sang người ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp. Các triệu chứng của viêm môi dị ứng và Herpes ở môi thoạt nhìn giống nhau nhưng thực ra chúng rất khác.
Herpes là một bệnh nhiễm virus lây truyền qua đường tình dục và lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc vật lý. Viêm môi dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm. Vì vậy, để biết chính xác có phải mình đang bị viêm môi dị ứng hay không, người bệnh nên đến khám Da liễu – Thẩm mỹ Da để ngăn bệnh tiến triển nặng.
3. Viêm môi nên kiêng gì, ăn gì?
Các thực phẩm cần kiêng cữ khi bị viêm môi dị ứng là các loại hải sản, thực phẩm chứa nhiều đường, các loại thịt béo, thực phẩm được chế biến sẵn, chế phẩm từ sữa, đồ chua, thực phẩm nhiều tinh bột đã qua tinh chế, các chất kích thích, nước uống có màu.
Người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá biển, thịt lợn nạc, rau củ và trái cây tươi giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa viêm nhiễm.
4. Viêm môi dị ứng bôi thuốc gì?
Khi bị viêm môi dị ứng có thể thoa thuốc có chứa corticosteroid giúp kháng viêm và giảm sưng như mouthepaste, orrepaste… hoặc sử dụng thuốc kháng histamin để giảm ngứa, chống dị ứng và có thể bổ sung một số vitamin có tác dụng dưỡng môi như B2, PP… Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu sử dụng thuốc.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn với nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh về da như viêm da cơ địa, zona, vảy nến, mề đay,… cùng hàng loạt trang thiết bị tân tiến nhất được nhập khẩu từ Âu – Mỹ sẽ đưa ra kết quả xét nghiệm nhanh chóng, chuẩn xác, giúp người bệnh hoàn toàn yên tâm trong quá trình điều trị bệnh.
Viêm môi dị ứng là bệnh rất thường gặp và sớm khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Vì vậy ngay khi phát hiện các triệu chứng, người bệnh nên đến chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da ngay để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ trị liệu kịp thời và hiệu quả.