Mụn nhọt ở đầu đầu mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu và đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu về vấn đề da liễu này cũng như các phương pháp để điều trị nhé!
Các loại mụn trên da đầu
Mụn ở đầu thường xuất hiện trên da đầu ở vị trí dọc theo rìa chân tóc. Tùy mức độ từ nhẹ tới nặng, mà có mụn này có thể là mụn nhỏ, ngứa nhưng đôi khi có thể là những nốt mụn to, chứa mủ. Chúng có thể trở nên lở loét và tróc vảy sau đó.
Các loại mụn trên đầu thường gặp là:1
- Mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Mụn đầu đen hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa và tế bào chết. Khi tiếp xúc với không khí, dầu và các tế bào che phủ lỗ chân lông chuyển sang màu đen, khiến mụn đầu đen có màu đen đặc trưng. Mụn đầu trắng tương tự như mụn đầu đen, nhưng chúng được bao phủ bởi làn da của bạn. Bạn có thể thấy một mảng da bao phủ đầu trắng, cứng đang làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn.
- Mụn mủ và mụn nhọt: là những vết mụn sâu hơn, khó nặn hơn. Viêm và có màu đỏ là đặc trưng của loại mụn này. Nguyên nhân có thể do dị ứng, thay đổi nội tiết tố, vi khuẩn, vi nấm hoặc một tình trạng da khác.
- Nốt và nang: đây là loại mụn nghiêm trọng nhất. Mụn nang nằm sâu bên trong da, chứa đầy mủ. Chúng có thể mọc riêng lẻ hoặc tập trung lại thành đám. Chúng gây ra cảm giác đau nhức và để lại tổn thương trên da như sẹo lõm, sẹo vĩnh viễn sâu trong da.
Tình trạng mụn trên da đầu nghiêm trọng sẽ hình thành vảy đen, đó là màu của máu và dịch tiết. Nó có thể để lại sẹo vĩnh viễn và gây mất tóc ở vùng sẹo đó. Nếu mụn ở da đầu có kèm theo các dấu hiệu như rụng tóc, hói đầu hay ngứa hoặc đau nhức dữ dội, hãy tìm đến bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Những đối tượng dễ mọc mụn trên da đầu
Trẻ em là đối tượng dễ nổi mụn ở da đầu. Ngoài ra, vấn đề da liễu này cũng thường gặp ở các đối tượng sau:
- Cơ thể có hệ thống miễn dịch yếu.
- Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh.
- Người già.
- Cơ địa dễ nhạy cảm và dễ kích ứng với hóa chất.
- Bệnh tiểu đường làm suy yếu sức đề kháng.
Trẻ mọc mụn trên da đầu có nguy hiểm không?
Mụn thường hình thành khi các tuyến bã hoặc tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn và nhiễm trùng trong nang lông. Mụn cũng có thể xuất hiện do vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương, trầy xước trước đó. Da đầu của trẻ nhỏ là môi trường thích hợp để vi khuẩn nấm sinh sôi, nảy nở. Nếu bé bị mụn nhọt ở trên đầu, trước tiên bố mẹ cần lưu ý các nguyên nhân từ thức ăn hay dị ứng với hóa chất (dầu gội,…).
Ở trẻ nhỏ, vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào máu do sức đề kháng còn yếu. Do đó, khi có dấu hiệu bất thường trên da, đặc biệt là các tổn thương da có mủ, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời. Vì chậm trễ có thể gây ra nhiễm trùng huyết hay những hệ lụy nặng nề khác như viêm màng não, điếc,…
Mụn trên da đầu xuất hiện do đâu?
Mụn có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên da đầu, gây ra cảm giác ngứa rát và đau.
Do tắc nghẽn lỗ chân lông2
Cũng giống như mụn ở những nơi khác, mụn xuất hiện trên da đầu khi các tuyến bã nhờn, hoặc tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn và nhiễm trùng trong nang lông.
Các yếu tố khác góp phần gây ra vấn đề này như:
- Tích tụ các sản phẩm chăm sóc tóc như sáp dưỡng tóc, keo xịt tóc,…
- Không rửa sạch dầu gội hay dầu xả khi gội đầu.
- Không gội đầu sạch sau khi da đầu tiết nhiều mồ hôi.
- Các đồ vật tiếp xúc với da đầu như mũ, gối, ga giường không được vệ sinh sạch sẽ.
Do vi khuẩn, nấm2
Các loại vi trùng thường gây ra vấn đề mụn mủ ở da đầu như:
- Nấm từ họ Malassezia.
- Cutibacterium.
- Staphylococcus epidermidids.
- Propionibacterium acnes.
- Staphylococcus aureus.
- Demodex folliculorum.
Ngoài ra, mụn và chế độ ăn cũng có mối liên hệ với nhau. Thực phẩm giàu carbohydrate hay các chế phẩm từ sữa cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây ra mụn hoặc làm nặng hơn tình trạng mụn hiện tại.
Biểu hiện của mụn nhọt ở đầu
Mụn nhọt ở đầu thường có những biểu hiện sau:2
- Những vết sưng nhỏ rời rạc hoặc theo từng cụm mà bạn có thể nhìn thấy được hoặc đôi khi chỉ cảm nhận được nhưng không nhìn thấy được.
- Mụn đầu trắng trên da đầu hoặc rìa chân tóc.
- Những nốt u nang ở sâu trong da không thấy cồi mụn.
- Những vết sưng đỏ đóng mài vàng, đen, nâu, có thể kèm theo tróc vảy.
Điều trị mụn nhọt ở đầu
Theo dân gian
Hỗn hợp cao nghệ: Thành phần gồm 60g củ nghệ, 80g củ ráy, 80g dầu vừng, 40g nhựa thông và 40g sáp ong. Giã nhuyễn nghệ cùng củ ráy đã được bỏ vỏ, sau nấu nhừ với nhựa thông, dầu vừng và sáp ong là thành. Đắp hỗn hợp lên nơi có mụn nhọt một ngày một lần.
Rau diếp cá: Giã dập rau diếp cá rồi đắp vào vùng có mụn nhọt giúp giảm sưng đau và làm mụn nhanh khỏi.
Nha đam: Vệ sinh sạch sẽ vùng có mụn. Lấy phần thịt lá đắp lên trong vòng 20 phút. Rửa lại bằng nước ấm và lau khô. Thực hiện 3-4 lần mỗi tuần cho đến khi hết mụn nhọt.
Dùng thuốc
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị một loại dầu gội đầu hoặc thuốc điều trị mụn trên đầu. Những loại dầu gội này có thể rửa sạch dầu thừa và cặn bẩn, đồng thời ngăn ngừa mụn da đầu quay trở lại.
Thuốc không kê đơn (OTC)3
Dầu gội trị mụn da đầu giúp rửa sạch nhờn và bụi bẩn, ngăn ngừa mụn tái phát. Dầu gội chứa một hay kết hợp các thành phần sau:
- Tinh dầu tràm trà: Giúp loại bỏ vi khuẩn trên da đầu.
- Axit salicylic, axit glycolic: Giúp loại bỏ tế bào da chết.
- Ketoconazole: Hoạt chất kháng nấm, giúp giảm sưng đỏ và tình trạng vảy ở da đầu.
- Ciclopirox: Đặc trị nấm da, giúp cải thiện tình trạng ngứa rõ rệt.
- Benzoyl peroxide: Tiêu diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes – nguyên nhân gây ra mụn.
Thuốc được kê đơn3
Nếu tình trạng mụn không khỏi mà ngày càng nặng hơn, gây rụng tóc hay đau nhức, có thể sử dụng các loại thuốc được bác sĩ kê đơn như sau:
- Thuốc kháng sinh dạng kem bôi hoặc uống.
- Thuốc kháng histamine cho các phản ứng dị ứng.
- Isotretinoin uống.
- Corticoid dạng kem bôi hoặc uống.
Chữa mụn nhọt trên da đầu kéo dài bao lâu?
Mụn trên da đầu không giống mụn ở mặt. Mụn trên da đầu thường do vi khuẩn (tụ cầu) và vi nấm gây ra. Thời gian điều trị mụn ở da đầu thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Hơn nữa, bạn cũng có thể phải tiếp tục điều trị khu vực này để tránh tái phát. Các loại dầu gội dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa mạnh được khuyên dùng. Nhẹ nhàng mát xa da đầu và hạn chế chà bằng móng tay vì có thể gây trầy xước da và gây nên vết thương hở.
Các vết sẹo do mụn có thể mất đến sáu tháng để mờ đi. Không nên nặn mụn vì có thể gây ra sẹo, vết loét khó lành. Hơn nữa nặn mụn sai cách còn làm mụn lây lan và trở nên tồi tệ hơn.
Những cách ngăn ngừa
Để hỗ trợ làm giảm mụn cũng như ngăn ngừa chúng quay trở lại, bạn có thể thực hiện những phương pháp sau:
Vệ sinh da đầu và các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với da đầu2
- Gội đầu sạch, tránh để tình trạng da đầu bị bẩn kéo dài. Điều này làm tắc nghẽn các nang tóc.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc từ thiên nhiên nhiên, ít hoá chất gây kích ứng.
- Hạn chế lạm dụng các sản phẩm tạo kiểu, chẳng hạn như keo xịt tóc và sáp vuốt tóc. Nên gội sạch da đầu sau khi sử dụng để hạn chế nguy cơ kích ứng.
- Vệ sinh mũ, nón bảo hiểm, ga gối thường xuyên để tránh nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn, vi trùng gây ra.
- Lựa chọn mũ rộng rãi, tránh ôm sát đầu khiến da đầu bí bách.
Chế độ ăn
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn nhiều dầu mỡ.
- Bổ sung đủ nước để hạn chế tình trạng da tiết dầu.
- Lưu ý các thành phần tốt cho việc giảm mụn như vitamin A, vitamin D, vitamin E hay omega 3,…3
- Theo dõi thực đơn để xem liệu một số loại thực phẩm có gây bùng phát hay không nếu chế độ ăn kiêng là nguyên nhân nghi ngờ gây ra mụn nhọt.
Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn thoát khỏi sự khó chịu do mụn nhọt ở đầu gây ra. Nếu có da đầu nhạy cảm, bạn nên ưu tiên sử dụng dầu gội đầu lành tính, dịu nhẹ. Vệ sinh da đầu sạch sẽ, giữ cho da đầu luôn được thông thoáng. Nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng mụn mủ dai dẳng và gây rụng tóc hay đau đớn cho bạn để được điều trị kịp thời nhé!