Các bước chăm sóc da ban đêm

Tương tự như việc chăm sóc da ban ngày, chăm sóc da buổi tối cũng cần theo một quy trình cơ bản và đầy đủ.

Các bước chăm sóc ban đêm bao gồm:

Bước 1: Tẩy trang

Tẩy trang là một trong những bước làm sạch da quan trọng không thể bỏ qua. Trong một ngày dài làm việc, bạn sẽ phải tiếp xúc với hàng ngàn loại vi khuẩn, bụi bẩn ở bên ngoài, sử dụng các loại chống nắng chống nước hay các sản phẩm trang điểm và đôi khi những loại sữa rửa mặt thông thường không đủ để có thể làm sạch tất cả những yếu tố trên. Lúc này, việc dùng các sản phẩm tẩy trang sẽ giúp da loại bỏ được hết những vi khuẩn bụi bẩn bám trên da, tẩy sạch được lớp make up, giúp làm sạch và thông thoáng bề mặt da.

Các loại tẩy trang hiện nay: dạng dầu, dạng nước, dạng hỗn hợp dầu và nước, dạng kem. Tùy theo tình trạng da và loại da để có những lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Có một vài thắc mắc rằng, nếu như không makeup, không sử dụng các loại mỹ phẩm có khả năng chống nước thì có cần phải tẩy trang không? Về nguyên tắc chăm sóc da cơ bản thì bước tẩy trang vẫn cần thiết đối với những trường hợp này. Tuy nhiên, một số loại sữa rửa mặt thông thường cũng đủ để làm sạch da mặt nên có thể bỏ qua ở những trường hợp vừa nói trên.

Bước 2: Làm sạch mặt với sữa rửa mặt

Một vài quan điểm cho rằng, nước muối sinh lý có thể làm sạch da mà không cần phải sử dụng sữa rửa mặt. Điều này hoàn toàn là sai lầm. Nước muối có thể giúp làm sạch nhưng không đủ, hơn nữa việc lạm dụng nước muối có thể dẫn đến tình trạng khô da. Sữa rửa mặt là một sản phẩm làm sạch da không thể được thay thế bằng bất kỳ một loại sản phẩm nào khác.

Rửa mặt bằng sữa rửa mặt bao nhiêu lần một ngày là đủ? Bạn nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt 2 lần mỗi ngày, không nên rửa quá nhiều lần vì sẽ gây tổn thương da. Đối với những người có làn da dầu, có thể rửa ngày 3 lần để kiểm soát dầu tốt hơn.

Lưu ý: sau khi rửa mặt bằng sữa rửa mặt, nên thấm khô mặt bằng khăn mềm.

Bước 3: Tẩy da chết, đắp mặt nạ lột hoặc mặt nạ rửa

Tẩy tế bào chết, mặt nạ lột hay mặt nạ rửa hoặc các loại mặt nạ tự chế tại nhà có thể được sử dụng tuần 1 – 2 lần, không nên sử dụng hàng ngày, vì sẽ làm tổn thương da.

Thành phần chính của những sản phẩm tẩy tế bào chết thường có chứa AHA, BHA… nên chỉ dùng sản phẩm vào buổi tối. Nếu dùng sản phẩm vào ban ngày sẽ làm tăng nguy cơ bắt nắng.

Đối với mặt nạ lột, sau khi đắp khoảng 15 đến 20 phút cần rửa lại mặt bằng nước sạch ấm.

Bước 4: Toner

Là sản phẩm giúp làm sạch da sâu hơn, cân bằng độ pH cho da, đồng thời tăng khả năng hấp thụ các dưỡng chất ở bước sau.

Tác dụng của toner: dưỡng ẩm, se khít lỗ chân lông, kiểm soát dầu nhờn, hỗ trợ trong điều trị trứng cá… Hiện tại, toner là bước có thể được bỏ qua tùy thuộc theo tình trạng da và những sản phẩm chăm sóc da đang sử dụng kết hợp.

Cách thực hiện: sử dụng bông tẩy trang thấm dung dịch toner đã được lựa chọn trước đó rồi lau nhẹ nhàng đều khắp mặt. Lưu ý tránh bôi vào vùng mắt, sau khi sử dụng toner không cần rửa lại mặt.

Bước 5: Essence

Essence là một sản phẩm dưỡng da có vai trò chính là dưỡng ẩm. Essence tồn tại ở dạng sữa lỏng, nhũ tương… loãng, nhẹ hơn serum nên thường bôi trước serum nhưng đặc hơn dạng xịt khoáng. Do đó sản phẩm thường thẩm thấu nhanh và sâu mà không gây bí bít da.

Bước 6: Serum dưỡng da

Dùng serum dưỡng da là một trong những bước quan trọng nhất để quyết định hiệu quả việc chăm sóc da.

Có nhiều loại serum khác nhau như: serum vitamin C, serum HA, serum niacinamide, serum B5, serum tái tạo phục hồi da… Tùy theo mục đích chăm sóc, tình trạng và loại da để chọn lựa những sản phẩm dưỡng phù hợp.

Serum cũng có nhiều dạng trình bày khác như dạng gel, dạng dung dịch… Có nhiều người hỏi bác sĩ rằng, có thể dùng cùng lúc nhiều loại serum không? Câu trả lời là Có. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng 2 đến 3 loại serum trong quy trình chăm sóc da của mình theo nguyên tắc serum nào lỏng thì bôi trước, đặc thì bôi sau, serum đặc trị bôi trước, thiên dưỡng bôi sau. Sử dụng serum chỉ cần dùng vài giọt (3 đến 5 giọt) là đủ để bôi toàn mặt.

Cũng như các loại dưỡng thông thường, serum cần thời gian để thẩm thấu hết vào da. Vậy nên bạn hãy chờ khoảng vài phút để cho serum thấm hết rồi tiếp tục các bước chăm sóc da tiếp theo.

Bước 7: Đắp mặt nạ tấm

Mặt nạ tấm là loại mặt nạ khung sẵn được thiết kế để cung cấp độ ẩm cho da. Loại mặt nạ này thường phù hợp với những người có da khô, da sau thủ thuật xâm lấn như lăn kim, laser… Mặt nạ có thể dùng trước hoặc sau serum đều được.

Đắp mặt nạ trong khoảng 15 – 20 phút sau đó lột ra rồi massage đều để dưỡng chất được thẩm thấu hết vào da. Một số loại mặt nạ sẽ để lại cảm giác nhớt sau đắp nên cần massage kỹ hơn.

Đắp mặt nạ xong có cần rửa mặt lại hay không? Câu trả lời là KHÔNG. Trên thực tế, các dưỡng chất của mặt nạ đều cần thiết cho da và sẽ tốt hơn nếu bạn để chúng được thẩm thấu hết.

Bước 8: Thoa kem mắt

Có rất nhiều người mải chăm sóc da mặt mà lại quên đi đôi mắt. Vùng mắt là vùng da rất dễ tổn thương, dễ bị nhăn và thâm nên cần được bảo vệ đúng cách. Nên bôi kem mắt ngày 2 lần để có hiệu quả tốt nhất.

Thành phần cơ bản của kem mắt: hoạt chất dưỡng ẩm, HA, peptide, yếu tố tăng trưởng, vitamin C, tranexamic acid

Kem mắt là sản phẩm có thể dùng được vào ban ngày. Đối với những loại kem mắt có chứa thành phần retinoids thì chỉ nên dùng buổi tối.

Bước 9: Kem dưỡng ẩm ban đêm

Kem dưỡng ẩm dùng để chăm sóc da buổi tối cần đặc hơn ban ngày, nên dùng dạng kem hoặc dạng mỡ tùy tình trạng da.

Kem dưỡng ẩm được sử dụng với mục đích:

  • Cấp ẩm, dưỡng ẩm cho da.
  • Khóa ẩm, làm tăng tác dụng của serum.

Bước 10: Đắp mặt nạ ngủ

Mặt nạ ngủ thường ở dạng kem và để qua đêm.

Chăm sóc da là một quy trình không thể bỏ qua nếu như bạn muốn có một làn da khỏe mạnh, đẹp căng bóng và tươi sáng. Tuy nhiên, việc chăm sóc da cần được thực hiện đúng quy trình, kiên trì và đều đặn mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu bạn đang gặp những khó khăn về việc chăm sóc và điều trị da.

Rate this post