Sầu riêng là một loại trái cây đặc biệt và phổ biến ở Đông Nam Á. Không chỉ nổi tiếng với hương vị độc đáo, sầu riêng còn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Vậy một trái sầu riêng bao nhiêu calo, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1Sầu riêng bao nhiêu calo?
Trong 100g sầu riêng cung cấp khoảng 147 calo. Số calo này có thể dao động tùy thuộc vào loại và giống sầu riêng. Tuy nhiên, đây vẫn là một loại trái cây có hàm lượng calo khá cao, cần sử dụng vừa phải để tránh tăng cân không mong muốn. [2]
1 trái sầu riêng có thể cung cấp đến 147 calo
2Ăn sầu riêng có béo không?
Mặc dù sầu riêng có một lượng calo khá cao và chứa nhiều đường, nhiều chất béo nhưng nếu ăn sầu riêng với lượng vừa phải, không vượt quá lượng calo cần nạp hàng ngày thì sẽ không gây tình trạng tăng cân.
Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt khẩu phần ăn và tiêu thụ quá nhiều sầu riêng, vượt quá lượng calo cần thiết, việc ăn sầu riêng rất dễ dẫn đến tăng cân, béo phì. [3]
Ăn sầu riêng với lượng vừa phải và đúng cách sẽ ít gây ảnh hưởng đến cân nặng
3Cách ăn sầu riêng không tăng cân
Không ăn quá nhiều sầu riêng
Mặc dù sầu riêng không chứa cholesterol hoặc chất béo không lành mạnh nhưng loại trái cây này vẫn chứa nhiều calo. Hơn nữa, sầu riêng lại có mùi vị thơm ngon, dễ hấp dẫn người ăn tiêu thụ quá nhiều, từ đó có thể gây tăng cân không mong muốn.
Vì vậy, bạn cần kiểm soát khẩu phần ăn khi tiêu thụ sầu riêng để duy trì ổn định lượng calo hàng ngày. Cụ thể, bạn không nên ăn quá nửa quả (2 múi) sầu riêng một ngày.
Không nên ăn quá 2 múi sầu riêng một ngày
Không nên ăn vào buổi tối
Buổi tối là thời điểm cơ thể ít tiêu hóa và vận động để đốt cháy năng lượng. Do đó, bạn nên hạn chế ăn sầu riêng vào thời gian này để giảm nguy cơ tích tụ calo. Thời điểm ăn sầu riêng hợp lý là vào ban ngày hoặc các bữa xế.
Tuy nhiên, bạn nên tránh ăn sầu riêng quá gần bữa chính để hạn chế dung nạp quá nhiều dinh dưỡng cùng một lúc gây chướng bụng, đầy bụng và giảm ngon miệng trong bữa ăn.
Không nên ăn sầu riêng trước khi đi ngủ để tránh chướng bụng, đầy hơi
Kết hợp với các trái cây có tính mát
Theo quan điểm của Y học cổ truyền, sầu riêng được coi là thực phẩm có tính “nóng”. Vì thế khi ăn nhiều dễ gây ra các triệu chứng khó chịu như đau họng, loét miệng, táo bón hoặc tăng đờm. [3]
Để hạn chế vấn đề trên, bạn nên kết hợp sầu riêng với các loại trái cây có tính mát như dưa hấu, dưa leo hoặc cam. Sự kết hợp này cũng giúp điều chỉnh lượng calo và tăng bổ sung khoáng chất.
Nên kết hợp ăn sầu riêng với trái cây có tính giải nhiệt để tránh nóng trong người
Uống nhiều nước
Sầu riêng vốn là loại trái cây có tính nóng nên trong khi ăn bạn nên uống nhiều nước để làm mát cơ thể. Nước cũng giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn, tránh tình trạng chướng bụng, đầy hơi do ăn quá nhiều sầu riêng.
Uống nhiều nước vừa giúp làm mát cơ thể vừa giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa
Kết hợp thường xuyên vận động
Việc vận động thể chất hàng ngày sẽ giúp đốt cháy calo, duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe. Hơn nữa, nếu muốn xây dựng và phát triển cơ bắp, tập thể dục, thể thao là điều bắt buộc bạn nên làm để đạt được mục tiêu.
Hay đơn giản hơn trong trường hợp không có nhiều thời gian, bạn có thể vận động nhẹ nhàng hàng ngày như làm việc nhà, leo cầu thang,… để giúp tiêu thụ lượng calo dư thừa sau khi ăn sầu riêng.
Vận động thể thao sẽ giúp tiêu thụ bớt lượng calo dung nạp từ sầu riêng
Tính lượng calo nạp vào trong ngày
Để điều chỉnh khẩu phần ăn, bạn hãy tính toán tổng lượng calo từ sầu riêng và các nguồn dinh dưỡng khác mà bạn tiêu thụ trong ngày. Điều này giúp bạn cân bằng được lượng calo nạp vào và tiêu thụ, từ đó duy trì cân nặng ổn định.
Lượng sầu riêng khuyến nghị nên ăn trong 1 ngày để không tăng cân phụ thuộc vào nhu cầu calo hàng ngày và cơ địa của mỗi người. Nói chung, bạn không nên ăn quá ½ trái sầu riêng (khoảng 100 – 150g tương đương 140 – 210 calo) trong một ngày. [4]
Tính toán lượng calo hàng ngày để hạn chế dung nạp thừa calo gây tăng cân, béo phì
4Tác dụng của sầu riêng
Ăn sầu riêng với lượng vừa đủ và đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cụ thể như:
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Sầu riêng chứa chất xơ, kali và chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm cholesterol trong máu, kiểm soát huyết áp và các bệnh tim mạch.
- Tăng cường sức đề kháng: Sầu riêng là một nguồn thực phẩm giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch và giúp chống lại các gốc tự do gây hại.
- Hỗ trợ tiêu hoá: Chất xơ trong sầu riêng giúp cải thiện chức năng tiêu hoá, giảm táo bón và duy trì sức khỏe ruột.
- Cải thiện tâm trạng: Sầu riêng chứa tryptophan, một loại axit amin cần thiết cho sản xuất serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm xúc và tâm trạng. Việc tiêu thụ sầu riêng có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
- Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư: Sầu riêng chứa các hợp chất chống oxy hóa như polyphenol và flavonoid, có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. [5]
Sầu riêng có thể hỗ trợ cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe, giúp cơ thể khỏe mạnh
5Ăn nhiều sầu riêng có tốt không?
Bên cạnh nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ, việc tiêu thụ nhiều sầu riêng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như:
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá: Sầu riêng có hàm lượng chất xơ khá cao nên khi ăn quá nhiều có thể gây tình trạng tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi.
- Gây dị ứng: Một số người có thể xuất hiện phản ứng dị ứng khi tiêu thụ sầu riêng, gây ra các triệu chứng như ngứa da, phát ban, hoặc khó thở.
- Gây đau họng: Sầu riêng có tính nóng. Khi bạn ăn quá nhiều, cổ họng của bạn có thể bị khô và khản tiếng.
- Tăng cân: Ăn sầu riêng thường xuyên dễ tăng lượng calo nạp vào cơ thể, dẫn đến tích tụ mỡ và gây béo phì. [6]
Ăn quá nhiều sầu riêng sẽ gây tăng cân
6Lưu ý khi ăn sầu riêng
Đối tượng không nên ăn nhiều sầu riêng
Các đối tượng sau đây nên hạn chế tiêu thụ nhiều sầu riêng hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn:
- Bệnh nhân tiểu đường: Sầu riêng có hàm lượng đường tự nhiên cao, do đó những người có vấn đề về đường huyết nên hạn chế tiêu thụ để kiểm soát mức đường trong máu.
- Người mắc bệnh ngoài da: Sầu riêng có tính nóng nên sẽ khiến các vết mẩn đỏ trên da trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người có cơ địa nóng: Đối tượng này ăn sầu riêng sẽ làm tăng tình trạng nóng trong và có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.
- Người mắc bệnh tim mạch: Sầu riêng chứa một lượng calo và đường bột cao, có thể dễ dẫn đến béo phì, kéo theo các bệnh lý liên quan như mỡ máu, tiểu đường,… làm nặng thêm tình trạng bệnh tim mạch.
- Bệnh nhân u nang buồng trứng: Tính nóng và các hoạt chất của sầu riêng dễ khiến u nang buồng trứng tiếp tục phát triển, từ đó chèn ép các bộ phận khác của buồng trứng, gây chảy máu hoặc thậm chí là xoắn u nang, ảnh hưởng đến tính mạng.
- Người mắc bệnh về thận: Sầu riêng có chứa kali và việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể gây khó khăn cho hoạt động của hệ thống thận. [7]
Người bị bệnh thận ăn sầu riêng có thể gặp khó khăn trong việc đào thải
Lưu ý khi chọn mua, bảo quản sầu riêng
Để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, khi chọn mua và bảo quản sầu riêng, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Chọn trái sầu riêng chín: Chọn những trái có vỏ màu nâu và mềm khi chạm vào. Trái chín thường có mùi thơm đặc trưng.
- Kiểm tra trạng thái: Hạn chế mua những trái bị nứt, móp hoặc có dấu hiệu hư hỏng. Những trái này có nguy cơ cao đã bị nhiễm khuẩn và ảnh hưởng đến chất lượng cơm sầu riêng bên trong.
- Bảo quản ở nhiệt độ phù hợp: Sầu riêng có thể bị chín quá nhanh nếu để ở nhiệt độ phòng. Để giữ cho sầu riêng tươi và chín đều, bạn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nơi nhiệt độ khoảng 10-12°C.
- Ăn ngay khi chín: Sầu riêng là loại trái cây dễ hỏng và nhanh chóng mất chất lượng sau khi chín, vì vậy nên ăn ngay khi sầu riêng đã chín.
Sầu riêng chín nên ăn ngay, tránh để lâu dễ hỏng, mất vị ngon, mất chất dinh dưỡng
Thực phẩm kỵ với sầu riêng
Sầu riêng có thể không tương thích hoặc gây phản ứng không mong muốn khi kết hợp với các loại thực phẩm sau:
- Thịt bò: Chất đạm trong thịt và chất béo trong sầu riêng có thể làm tăng lượng cholesterol xấu.
- Hải sản: Gây dị ứng nặng do cả hai đều chứa histamin – chất liên quan đến phản ứng dị ứng.
- Gia vị cay nóng: Làm tăng cảm giác nóng trong, khó chịu.
- Quả vải, quả nhãn: Gây ra tác dụng phụ và tăng nguy cơ nổi mẩn, ngứa hoặc khó thở do phản ứng dị ứng.
- Sữa bò: Có thể gây ngộ độc.
- Măng cụt: Gây khó tiêu.
- Cà phê, cacao: Gây ra tình trạng lo lắng, mất ngủ hoặc nhịp tim tăng cao.
- Rượu bia: Gây khó tiêu, khó chịu và tác động xấu đến hệ tiêu hóa.
Không nên ăn sầu riêng cùng với các đồ uống có chất kích thích
Bài viết trên đã mang đến cho bạn những thông tin về hàm lượng calo có trong sầu riêng và các lợi ích cũng nhưu lưu ý khi ăn. Để duy trì vóc dáng và tránh tăng cân khi ăn sầu riêng, bạn hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên vận động để tiêu hao bớt lượng calo dư thừa nhé!