1. Thành phần dinh dưỡng của cà tím
Trong mỗi 100g cà tím có chứa khoảng 3g chất xơ, 0.2g chất béo, nhóm Vitamin B1, B3, B6, B9, B5, B2, Vitamin E, Choline, Vitamin K. Ngoài ra, cà tím còn chứa nhiều khoáng chất như Đồng, Mangan, Magie, Kali và nhóm hàm lượng ít hơn bao gồm: Kẽm, Sắt, Canxi, Phốt pho,… Đặc biệt, cà tím có lượng calo thấp chỉ khoảng 24 calo trong mỗi 100g tương đương với 1.7% lượng calo cần nạp vào hàng ngày. Có thể thấy cà tím là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Cà tím có chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất
Nguồn: USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ)
2. Ăn cà tím có tốt không?
Đối với một số quan niệm dân gian cho rằng mẹ bầu dùng cà tím sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên chưa có chứng minh y khoa nào tìm thấy việc ăn cà tím sẽ gây hại đến sức khỏe của mẹ và bé.
Có thể thấy, cà tím có lượng chất xơ dồi dào với lượng calo thấp, ít cholesterol và chứa các nhóm vitamin, khoáng chất tự nhiên. Vì thế thường xuyên dùng cà tím trong các bữa ăn, khoảng từ 2 – 3 lần/tuần vừa mang đến cho gia đình những món ăn thơm ngon, vừa hỗ trợ bảo vệ và cải thiện sức khỏe.
Ăn cà tím có tốt không là thắc mắc của nhiều người
3. Lợi ích khi ăn cà tím
Mặc dù là thực phẩm dân dã và dễ mua nhưng cà tím là loại quả mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Cụ thể như sau:
3.1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Khi dùng 100g cà tím sẽ giúp nạp vào cơ thể khoảng 229mg Kali có công dụng hỗ trợ ổn định nhịp tim đối với những người mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, các vitamin nhóm B trong cà tím cũng có khả năng chống oxy hóa hiệu quả, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng ngừa các bệnh về tim mạch như: suy tim, rối loạn nhịp tim, rung tâm thất,… Đồng thời, cà tím chứa ít chất béo, giàu chất xơ giúp tăng cường quá trình chuyển hóa, từ đó hạn chế tích tụ mỡ thừa làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
Kali và vitamin trong cà tím có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch
3.2. Hỗ trợ tiêu hóa
Đối với những người thường xuyên gặp tình trạng táo bón thì chắc chắn cà tím sẽ là giải pháp hiệu quả với hàm lượng chất xơ lên đến 3g trong 100g cà tím. Khi dùng thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ giúp kích thích quá trình tiêu hóa, nhờ đó đường tiêu hóa hoạt động tốt hơn để loại bỏ chất thải ra ngoài cơ thể. Đối với những người mắc táo bón nên dùng khoảng 200g cà tím trong 2 – 3 ngày để cải thiện tình trạng này.
3.3. Kiểm soát lượng đường trong máu
Cà tím được khuyến cáo sử dụng đối với bệnh nhân đái tháo đường nhờ chứa nhiều chất xơ không hòa tan. Nhờ đó, khi cơ thể dung nạp lượng chất xơ này với lượng vừa đủ sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hạn chế được tốc độ hấp thụ đường trong thức ăn.
Dùng cà tím với lượng vừa đủ giúp điều hòa đường huyết
Ngoài ra, cà tím còn chứa lượng hợp chất polyphenol có tác dụng kiểm soát lượng insulin được giải phóng, từ đó ổn định chỉ số đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường. Nhiều chuyên gia khuyến cáo nên đưa cà tím vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
3.4. Hỗ trợ giảm cân
Lượng calo thấp và giàu chất xơ là yếu tố khiến cho cà tím trở thành thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn ăn giảm cân. Bên cạnh chất xơ giúp no lâu, giảm cảm giác thèm ăn thì cà tím có chứa nhiều vitamin, khoáng chất hỗ trợ phát triển các nhóm cơ trong quá trình tập luyện. Hàm lượng chất béo thấp cũng giúp hạn chế tình trạng tích tụ mỡ thừa hạn chế nguy cơ béo phì, thừa cân.
Cà tím giàu chất xơ giúp no lâu và hạn chế tích mỡ thừa
3.5. Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh
Một số quan niệm dân gian cho rằng mẹ bầu không nên ăn cà tím sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, trong y học hiện đại chưa tìm thấy tác hại của cà tím khi dùng trong quá trình mang thai.
Cà tím còn được khuyến cáo sử dụng ở mẹ bầu để thúc đẩy phát triển não bộ và hình thành khả năng nhận thức cho thai nhi từ trong bụng mẹ nhờ lượng folate (Vitamin B9) lớn. Bên cạnh đó, giá trị dinh dưỡng của cà tím còn giúp hạn chế nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh hoặc các bệnh bẩm sinh khác.
4. Ai nên hạn chế ăn cà tím?
- Người có tiền sử dị ứng nên hạn chế sử dụng cà tím hoặc nếu có sử dụng nên dùng lượng ít và theo dõi triệu chứng dị ứng để có thể xử lý kịp thời.
- Các bệnh nhân mắc vấn đề về thận hạn chế dùng cà tím để tránh tình trạng hình thành sỏi do lượng oxalate trong quả này.
- Hoạt chất histamin trong cà tím có nguy cơ làm tăng mẫn cảm đối với người mắc bệnh hen suyễn. Nếu ăn nhiều cà tím có thể gây tái phát triệu chứng bệnh.
5. Nên ăn bao nhiêu cà tím là đủ?
Mặc dù cà tím là loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể tuy nhiên chỉ nên sử dụng với lượng vừa đủ được khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Bởi vì trong cà tím có chứa hoạt chất solanine và nicotine có nguy cơ gây ngộ độc nếu sử dụng quá nhiều. Chính vì thế khẩu phần ăn chỉ nên có tối đa 200g cà tím trong 1 ngày và không dùng quá 3 lần trong tuần. Đối với trẻ em nên dùng khoảng 50 – 100g/ngày để giúp bé thích ứng và làm quen với thực phẩm này.
Nên dùng cà tím 2 – 3 lần một tuần để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể
6. Chế biến cà tím đúng cách
- Ngâm cà tím với nước muối hoặc giấm để làm giảm hoạt tính của solanine và nicotine trước khi chế biến
- Không nên ăn sống cà tím chưa qua chế biến nhiệt bởi sẽ dễ gây ra ngộ độc hoặc gây ngứa miệng, họng.
Cà tím nên được chế biến chín kỹ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
- Nấu cà tím ở nhiệt độ vừa, hạn chế chiên ngập dầu vì sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
- Nên chọn quả cà tím có vỏ căng bóng và cầm chắc tay là quả có độ tươi, không bị bọng bên trong ruột.
- Quả cà tím nhỏ sẽ có vị ngọt, dễ ăn hơn so với các quả già thường có vị đắng nhẹ do tích tụ nhiều solanine hơn.
Có thể thấy, cà tím là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có nhiều công dụng đối với sức khỏe trẻ em và người lớn. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc ăn cà tím có tốt không và có kế hoạch bổ sung loại quả này vào thực đơn hàng ngày.