Collagen là protein dạng sợi chiếm từ 25-30% tổng khối lượng protein của toàn cơ thể, và là thành phần chính của chất nền ngoại bào. Chức năng của collagen là liên kết các mô, tạo mô hình cấu trúc cho các mô, bảo vệ cơ học và nuôi dưỡng mô. Collagen cũng thúc đẩy quá trình tái tạo và bắt đầu chữa lành vết thương thông qua việc kích hoạt các tế bào viêm và mạch máu mô. Collagen đã được chứng minh là có khả năng kích thích các yếu tố tăng trưởng tạo mạch, di chuyển và tăng sinh tế bào biểu mô, dẫn đến tái tạo biểu mô.
Vai trò của collagen với mô được ví như xi-măng trong xây dựng 1 ngôi nhà. Ở da, collagen nằm ở lớp bì, cùng với elastin tạo thành mạng lưới mang lại độ đàn hồi và săn chắc cho làn da, giúp làn da trẻ trung và dẻo dai hơn. Cơ thể động vật có xương sống có 28 loại collagen đã được xác định và mô tả; trong đó, collagen ở da thuộc loại I và III.
Thật không may, quá trình sản xuất collagen tự nhiên của cơ thể sẽ chậm lại khi bạn bước sang tuổi 20 và mỗi năm, lượng collagen trong cơ thể sẽ mất đi khoảng 1-1,5%. Đến khi 40 tuổi, hầu hết chúng ta sẽ mất khoảng 50% lượng collagen trong da. Quá trình giảm collagen có thể nhiều và nhanh hơn khi có tác động của các yếu tố: tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, hút thuốc lá, uống rượu bia, tiêu thụ nhiều đường, stress, mất ngủ, ít vận động, di truyền, nội tiết tố và 1 số bệnh lý. Đặc biệt là khi phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các nếp nhăn và sự thiếu săn chắc, chảy xệ ở làn da của phụ nữ trung niên.
Nếu bạn có thói quen bôi kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tuân thủ lối sống lành mạnh, cân bằng thì sẽ ít bị giảm collagen sớm. Tuy nhiên, để có thể bù đắp lượng collagen đã mất và làm chậm quá trình giảm collagen thì việc bổ sung collagen đường uống đóng vai trò rất quan trọng.