Trầy xước da: Cách xử trí khi bị vết trầy xước ngoài da

Trầy xước da: Cách xử trí khi bị vết trầy xước ngoài da

Trầy xước da là những tổn thương thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Dù chỉ là vết thương nhỏ nhưng chúng vẫn gây khó chịu và ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài. Do đó hãy cùng nhau tìm hiểu cách xử lý đúng các vết trầy xước để bảo vệ làn da một cách tốt nhất qua bài viết này nhé!

1Vết trầy xước da là gì?

Trầy xước da (hay xây sát da, trợt da) là những vùng tổn thương trên bề mặt da do ma sát và không xâm nhập vào các mô bên dưới. Các vết trầy xước thường gây đau rát, có thể bị sưng đỏ hoặc chảy máu kèm nguy cơ nhiễm trùng.

Trầy xước có thể xảy ra ở nhiều bộ phận cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở:

  • Khuỷu tay.
  • Bàn tay.
  • Mắt cá chân.
  • Cẳng chân.
  • Đầu gối.

Trầy xước thường là các tổn thương do ma sát

Trầy xước thường là các tổn thương do ma sát

2Các nguyên nhân khiến da bị trầy xước

Trầy xước da xảy ra do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là các tai nạn đột ngột trong cuộc sống hàng ngày như ngã xe, vấp té… Khi xảy ra tai nạn, da tiếp xúc và cọ xát với các bề mặt thô ráp, dẫn đến những vết thương hở, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và tiềm tàng nguy cơ nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Ngoài ra, các vết thương do động vật gây ra như vết mèo cào cũng được xem là vết trầy xước.

Trầy xước da có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, thường gặp nhất ở trẻ em do tính hiếu động và khả năng kiểm soát cơ thể kém hơn người lớn.[1]

3Triệu chứng và biến chứng của vết trầy xước da

Triệu chứng và biến chứng của trầy xước

  • Trầy xước mức độ nhẹ: Là các tổn thương nông tại lớp biểu bì (lớp da ngoài cùng). Các vết trầy xước này không chảy máu và thường không để lại sẹo do không ảnh hưởng lớp hạ bì (lớp da thứ hai).
  • Trầy xước mức độ trung bình: Đây là tình trạng tổn thương ở biểu bì và hạ bì. Vết thương có thể chảy máu nhẹ.
  • Vết thương: Đây là tình trạng nặng nhất, ảnh hưởng tới các lớp mô ở dưới hạ bì. Vết thương có thể chảy nhiều máu và cần đến bệnh viện để xử trí.[2]

Dấu hiệu nhiễm trùng

Nhiễm trùng là một trong những biến chứng phổ biến nhất của vết thương và thường có các triệu chứng bao gồm sốt, vết thương không lành hoặc mẩn đỏ, đau ngày càng tăng, sưng, nóng, chảy dịch hoặc mủ hoặc vết thương có mùi khó chịu.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu trên, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức. Nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.[3]

4Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Hầu hết các vết cắt nhỏ và vết trầy không cần đến sự chăm sóc của bác sĩ. Tuy nhiên, hãy đến cơ sở y tế nếu:

  • Vết thương ở trên mặt.
  • Rìa, mép vết thương nham nhở, vết thương sâu (từ 0,6 cm trở lên), có thể nhìn thấy mỡ hoặc cơ.
  • Không thể loại bỏ hết bụi bẩn hoặc mảnh vụn trong vết thương hoặc vết thương được gây ra bởi vật rất bẩn hoặc gỉ sét.
  • Vết thương là vết cắn của động vật hoặc người.
  • Vết thương sưng tấy hoặc tiết dịch mủ xám, đặc hoặc hình thành các vệt đỏ sọc ở gần đó.
  • Mất cảm giác khu vực xung quanh vết thương.
  • Sốt hơn 38 °C.
  • Vết thương dạng xuyên thấu hoặc vết cắt sâu và người bị thương chưa chích ngừa uốn ván trong vòng 5 năm vừa qua.
  • Vết thương chảy máu nhiều, thấm ướt băng hoặc máu không ngừng chảy sau 20 phút đè ép trực tiếp.[4][5]

Các tình huống cần đến bệnh viện ngay lập tức

Các tình huống cần đến bệnh viện ngay lập tức

Nơi khám chữa bệnh uy tín

Đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện đa khoa tại địa phương ngay lập tức nếu vết thương sâu, chảy máu nhiều hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.

Nếu vết thương chuyển biến theo thiên hướng xấu thì có thể tham khảo một số bệnh viện uy tín dưới đây:

  • Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nhân dân 115…
  • Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội 108…

5Sơ cứu khi bị trầy xước

Đa số các vết trầy xước nhỏ đều không cần đến bệnh viện và có thể tiến hành các bước sơ cứu tại nhà như sau:

Rửa sạch và lau khô tay trước khi vệ sinh vết thương.

Làm sạch vết thương: Cho nước muối sinh lý chảy qua vết trầy xước trong 5 phút để làm sạch vết thương. Sau đó dùng povidin hoặc cồn nhẹ nhàng rửa sạch vùng da xung quanh vết thương. Loại bỏ bụi bẩn còn dính lại bằng nhíp được sát trùng bằng cồn.

Cầm máu: Ấn một miếng gạc sạch, mềm vào vết thương trong vài phút. Nếu vết thương chảy nhiều máu, cần giữ chặt vết thương lâu hơn (có thể lên đến 15 phút).

Bôi thuốc mỡ chứa kháng sinh xung quanh vết thương để diệt vi khuẩn, giúp giữ ẩm da và ngăn ngừa sẹo. Nếu xuất hiện các vết phát ban thì ngưng dùng ngay lập tức.

Băng vết thương bằng gạc hoặc băng cá nhân nếu nó nằm ở vị trí dễ nhiễm bẩn như tay, chân hoặc dễ cọ xát với quần áo.

Thay băng thường xuyên, ít nhất một lần một ngày hoặc khi băng ướt, bẩn.

Dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ipuprofen nếu cần.[6],[7],[8],[5]

Các bước sơ cứu cơ bản tại nhà

Các bước sơ cứu cơ bản tại nhà

6Một số lưu ý khi chăm sóc vết thương trầy xước

  • Giữ vết thương sạch sẽ và khô ráo.
  • Tránh cạy hoặc bóc vảy vùng da đang lành.
  • Không nên bôi dầu gió lên vết thương vì có thể làm tăng lưu thông máu đến vùng bị thương, gây đau đớn và làm cho tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng đã nêu ở trên.
  • Tránh sử dụng một số loại thực phẩm chế biến từ nếp, thịt gà… để hạn chế nguy cơ ung mủ, đau nhức và làm chậm quá trình lành của vùng da bị tổn thương.
  • Hạn chế thịt bò, trứng, hải sản… để tránh để lại sẹo lồi gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
  • Tiêm phòng uốn ván. Tiêm phòng uốn ván nếu bạn chưa tiêm trong 5 năm qua và vết thương sâu hoặc bẩn.
  • Có thể dùng thêm thuốc giúp hạn chế hình thành sẹo như các thuốc liền sẹo Contractubex, Dermatix, Hiruscar… [9]

Rửa tay thật sạch để tránh gây nhiễm trùng

Rửa tay thật sạch để tránh gây nhiễm trùng

  • Tác dụng của mật ong đối với vết thương
  • Cách chăm sóc vết thương mau lành, không để lại sẹo
  • Viêm da tiết bã: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh

Rate this post