Nguyên nhân mụn rộp ở môi – Mụn rộp ở môi dùng thuốc gì?

Nguyên nhân mụn rộp ở môi - Mụn rộp ở môi dùng thuốc gì?
Herpes (Mụn rộp) ở môi
Mụn rộp ở môi gây ngứa ngáy, đau nhức lâu ngày – Ảnh: Pinterest

Mụn rộp ở môi (còn gọi là Herpes môi) rất dễ lây lan từ vị trí này sang vị trí khác trên cơ thể người bệnh nếu không được điều trị sớm.

Đôi khi bệnh không có những triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân cần nắm được những dấu hiệu của bệnh mụn rộp môi để biết khi nào cần đi khám với bác sĩ Da liễu.

Mụn rộp môi (Herpes môi) là bệnh gì?

Mụn rộp ở môi còn được gọi là viêm môi do herpes. Mụn rộp là nốt loét trông giống như một nốt phồng rộp hoặc một đám mụn nước trên nền đỏ. Cuối cùng, chúng sẽ khô đi, có màu vàng nhạt và bong vảy.

Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên phạm vi cả nước, bạn đọc có nhu cầu đi khám, điều trị mụn rộp môi nên lựa chọn bác sĩ khám da liễu từ xa qua video để đảm bảo an toàn.

Nguyên nhân mụn rộp ở môi

Nguyên nhân gây ra bệnh mụn rộp ở môi là virus Herpes simplex (HSV). Có 2 loại là HSV-1 và HSV-2. Cả 2 loại virus đều có thể gây loét xung quanh miệng (herpes labialis) và trên cơ quan sinh dục (herpes genital).

Virus gây bệnh mụn rộp môi xâm nhập vào cơ thể người khỏe mạnh thông qua tiếp xúc với vùng da bị mụn rộp. Các tổn thương bên ngoài da hay xung quanh miệng đều có thể là con đường để virus đi vào cơ thể.

Một số nguyên nhân khác dẫn đến mụn rộp ở môi:

  • Stress.
  • Phẫu thuật hoặc chấn thương nhẹ gần vùng môi.
  • Thời tiết lạnh.
  • Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Bị ốm.
  • Phụ nữ đang trong kì kinh nguyệt.
  • Thiếu ngủ.

Triệu chứng mụn rộp ở môi

Khi có những triệu chứng dưới đây, có thể bạn đang mắc mụn rộp ở miệng và nên sớm đi khám với bác sĩ Da liễu:

  • Mụn nước nhỏ mọc thành một chùm trên nền da sưng đỏ, vị trí thường gặp là ở vùng niêm mạc môi trên hoặc môi dưới tiếp giáp với vùng da kế cận.
  • Mụn nước bị vỡ, tràn dịch ra ngoài sẽ lây lan bệnh ra các vị trí khác trên cơ thể hoặc lây sang người khác.
  • Triệu chứng ngứa, đau rát.
  • Mỗi đợt bệnh kéo dài 1-3 tuần, một năm tái phát 1-2 lần, cũng có khi đến 5-6 lần.
  • Bệnh nhân có sức đề kháng yếu hoặc bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch, bệnh thường lan rộng, kéo dài, có biến chứng.
  • Bị sốt, đau họng
  • Sưng hạch cổ
  • Chảy nước dãi ở trẻ nhỏ.

Lần đầu bùng phát bệnh mụn rộp ở miệng có thể không có dấu hiệu. Nếu có biểu hiện, mụn rộp có thể lan tràn đến mọi nơi trong miệng và tình trạng này thường nghiêm trọng hơn trong những lần bùng phát sau này.

Mụn rộp ở môi khiến bệnh nhân mất tự tin – Ảnh: baomoi.com

Mụn rộp ở môi lây qua đường nào?

Bệnh nhân nên cẩn thận để tránh lây nhiễm mụn rộp ở miệng qua những con đường sau:

  • Lây thông qua vết thương trên vùng da xung quanh và bên trong miệng.
  • Tiếp xúc với vết phồng hoặc chất dịch từ người bệnh thông qua ăn uống chung, dùng chung dụng cụ vệ sinh hoặc dao cạo, hôn hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bị bệnh.

Thuốc điều trị bệnh mụn rộp ở môi

Hiện nay chưa có cách chữa trị bệnh mụn rộp môi hoàn toàn, cũng không có cách tiêu diệt virus gây bệnh herpes simplex (HSV).

Thông thường các mụn rộp sẽ tự biến mất trong thời gian từ 1-3 tuần. Tuy nhiên, do bệnh rất dễ lây lan nên việc điều trị sớm là vô cùng cần thiết.

Việc điều trị bằng thuốc đúng cách giúp cho rút ngắn thời gian mắc bệnh, đồng thời ngăn chặn bệnh bùng phát trở lại trong tương lai.

Việc sử dụng thuốc bôi mụn rộp ở môi hay thuốc uống chữa mụn rộp ở môi tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc phù hợp.

  • Thuốc kháng virut (acyclovir, famcyclovir,valacylovir): Thuốc làm rút ngắn thời gian bị bệnh, giảm tái phát.
  • Thuốc giảm đau: Mụn rộp ở môi không gây đau dữ dội nhưng thường kéo dài, gây khó chịu, nên khi cần thì chọn loại thuốc thông thường, ít gây tai biến như paracetamol.
  • Thuốc chăm sóc tại chỗ: trường hợp nặng hay nhẹ đều cần dùng cream kháng virut acyclovir 5%.
  • Thuốc chống bội nhiễm (dung dịch povidin, dung dịch milian): Thuốc làm khô nhanh các vết trợt lở và nhanh đóng vảy.
  • Kem làm giảm đau (xyclocain).
  • Súc miệng bằng nước muối, rửa môi bằng nước ấm hay dung dịch thuốc tím pha loãng.

Điều trị mụn rộp ở môi tại nhà

Mụn rộp ở môi gây mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân cảm thấy mất tự tin. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân chủ quan, chờ đến khi mụn rộp tự khỏi nhưng lại khiến bệnh trở nặng hơn, lây lan rộng và tái phát nhiều lần.

Nếu bệnh nhân muốn điều trị mụn rộp tại nhà, để an toàn và hiệu quả, bệnh nhân có thể thăm khám với các bác sĩ Da liễu từ xa qua video. Sau khi xem xét tình trạng, bác sĩ sẽ tư vấn và định hướng điều trị đúng cách.

Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp điều trị mụn rộp môi tại nhà:

  • Đặt chiếc khăn ướt mát lên trên các vết loét 3 lần một ngày, mỗi lần 20 phút để làm giảm tấy đỏ và sưng.
  • Hạn chế sờ tay lên vết thương để tránh lây lan bệnh sang các vùng khác.
  • Làm dịu cơn đau miệng bằng cách sử dụng nước súc miệng có chứa baking soda.
  • Tránh dùng các loại thực phẩm có chứa axit (ví dụ: trái cây họ cam, quýt, cà chua).
  • Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng vì mụn rộp ở môi dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Bác sĩ Da liễu từ xa
Bệnh nhân nên thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa khi muốn điều trị tại nhà – Ảnh: BookingCare

Cách phòng ngừa và ngăn mụn rộp ở môi tái phát

Để đề phòng mụn rộp ở môi, bệnh nhân nên chú ý thực hiện các biện pháp như sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh các loại thức ăn có hàm lượng arginin cao (dừa, đậu nành, chocolate, cà rốt…) để tránh virus tái sinh
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng với bệnh nhân đang bị mụn rộp sinh dục
  • Tránh để đôi môi tiếp xúc ánh sáng mặt trời quá lâu. Nếu có thể, nên sử dụng kem chống nắng cho môi và bảo vệ khuôn mặt tránh tác động từ ánh nắng mặt trời.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên lưu ý phòng bệnh mụn rộp ở môi lây lan cho con bằng cách:

  • Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên.
  • Không để trẻ đưa đồ chơi vào miệng.
  • Thường xuyên rửa sạch đồ chơi của trẻ với chất khử trùng.
  • Nếu trẻ em có biểu hiện mụn vỡ hay rỉ dịch, nên giữ ở nhà cho đến khi thấy mụn nước bắt đầu đóng vảy.
  • Không để trẻ em tiếp xúc gần nhau trong khi có mụn rộp và chảy nước dãi không kiểm soát.
  • Sử dụng loại găng tay dùng một lần hoặc miếng gạc bông để lấy thuốc mỡ bôi lên vết mụn loét của bé.
  • Cho bé thăm khám với các bác sĩ Da liễu ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên về bệnh.

Xem thêm bài viết:

  • 11 bác sĩ Da liễu giỏi và uy tín tại TP HCM
  • 7 bác sĩ Da liễu giỏi và nhiều kinh nghiệm tại Hà Nội
  • 8 Bác sĩ Da liễu giỏi khám online (Khám từ xa qua video)

Khám, tư vấn điều trị mụn rộp ở môi với bác sĩ từ xa

Hiện nay, bạn đọc có thể dễ dàng thăm khám, điều trị mụn rộp ở môi với bác sĩ chuyên khoa Da liễu từ xa. Bệnh mụn rộp hay herpes dễ dàng được điều trị hiệu quả qua hình thức khám từ xa, đây là bệnh không quá phức tạp hay cần dùng đến nhiều loại chụp chiếu, xét nghiệm, hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả qua quá trình hỏi bệnh và quan sát của bác sĩ.

Khi khám từ xa, bạn đọc sẽ được lựa chọn bác sĩ giỏi phù hợp với nhu cầu, bệnh lý gặp phải bởi các thông tin của bác sĩ rất chi tiết. Ngoài ra, bác sĩ khám theo giờ đặt hẹn của bệnh nhân, vì vậy không mất nhiều thời gian chờ đợi tại phòng khám giống như khi đi khám trực tiếp tại phòng khám, bênh viện.

BookingCare là Nền tảng Y tế – Chăm sóc sức khỏe toàn diện, hỗ trợ đặt lịch khám trực tiếp tại bệnh viện phòng khám và tư vấn online qua Video với bác sĩ. Tùy theo mong muốn mà bạn có thể lựa chọn hình thức khám phù hợp.

Rate this post