“Cho con bú phun mày được không?” là thắc mắc của không ít phụ nữ có mong muốn làm đẹp. Bởi vì cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm trong thời kỳ cho con bú và có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ sơ sinh. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên và các lưu ý cần nắm vững khi phun xăm lông mày.
Cho con bú phun mày được không?
Người mẹ đang cho con bú có thể phun mày. Bởi vì quá trình phun xăm chỉ xảy ra ở lớp thượng bì nên không thể thâm nhập vào cơ thể người mẹ qua đường máu. Bên cạnh đó, tuyến sữa nằm rất xa khu vực xăm nên việc xăm hình không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên phụ nữ sau khi sinh nên chờ một thời gian cho cơ thể ổn định trước khi có quyết định làm đẹp. Thời gian cơ thể ổn định còn tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của từng người. Nếu cơ thể bạn có thể sớm quay lại cuộc sống bình thường thì bạn có thể phun xăm mà không lo ngại đến sức khỏe và chất lượng sữa.
Những điều cần biết về phun mày khi cho con bú
Đang cho con bú có ủ tê được không?
Đang cho con bú có thể ủ tê mà không gây hại cho sức khỏe. Bởi vì thuốc ủ tê phun xăm chỉ có tác dụng rất ngắn và tác động ở trên một vùng da nhỏ. Thuốc này gần như không thể thấm vào máu, một lượng rất nhỏ có thể thấm vào máu cũng được đào thải nhanh chóng ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng với thuốc tê thì hãy báo cho kỹ thuật viên. Tỷ lệ dị ứng tại chỗ chỉ dưới 3% và diện tích bôi rất nhỏ nên bạn không cần phải lo lắng. Bạn cũng có thể báo với kỹ thuật viên về việc bản thân đang mang thai hoặc đang cho con bú để điều chỉnh lại lượng thuốc giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Khi nào có thể phun xăm chân mày sau khi sinh con?
Thông thường, bạn có thể phun xăm sau khoảng 4 đến 6 tháng sau khi sinh con. Sau khoảng thời gian này thì cơ thể mẹ bầu hầu như đã ổn định hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi phun xăm.
Mặc dù mực xăm thông thường không thể thâm nhập vào máu và ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ nhưng nếu bạn chọn spa không uy tín thì vẫn có thể làm tổn hại đến vùng da xăm. Những kỹ thuật viên thiếu tay nghề và mực xăm kém chất lượng sẽ khiến bạn dễ bị viêm sưng.
Những phụ nữ có cơ địa dị ứng thuốc tê thì nên đợi con quen với sữa ngoài rồi thì mới phun xăm. Bởi vì họ có thể sẽ phải điều trị viêm da bằng thuốc kháng sinh. Trong khoảng thời gian này, trẻ nên uống sữa công thức để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phun mày bao lâu thì có thể mang thai?
Phun mày xong từ 1 – 2 tháng thì bạn có thể có kế hoạch mang thai. Mặc dù mực xăm không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn nhưng quá trình bong mực xăm có thể khiến bạn khó chịu. Bởi vì cơ thể trong giai đoạn đầu của thai kỳ khá nhạy cảm và hay mệt mỏi nên bạn cần tránh phun mày thời điểm này. Bên cạnh đó, một số trường hợp hiếm có thể phải dùng thuốc để giảm đau, giảm viêm,… và tác động xấu đến thai nhi.
Những ai nên cẩn thận và không nên xăm lông mày?
Phụ nữ trong các trường hợp sau đây nên cẩn thận khi phun mày:
- Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, đang cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ;
- Phụ nữ có ý định mang thai trong chưa đầy 1 tháng sắp tới;
- Phụ nữ mang thai đang ở cữ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3;
- Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nhưng đã hết sau khi sinh con.
Nhóm phụ nữ sau đây không nên xăm lông mày để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé:
- Phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ hoàn toàn có cơ địa dị ứng;
- Phụ nữ đã mang thai;
- Phụ nữ ở cữ chưa đầy 1 tháng;
- Người bị tiểu đường loại 1 hoặc loại 2.
Các lưu ý về xăm lông mày khi cho con bú
Ngoài vấn đề cho con bú phun mày được không, bạn cũng cần quan tâm những vấn đề sau đây để giúp lông mày trông đẹp hơn và giảm đau đớn khó chịu:
- Chăm sóc da trước và sau khi xăm theo hướng dẫn của bác sĩ phun xăm;
- Sử dụng thuốc mỡ để đẩy nhanh thời gian bong mày và giúp da không bị khô;
- Không chạm, cào cấu khi vùng da xăm lông mày chưa lành hẳn;
- Lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.
Bài viết trên của nhà thuốc Long Châu đã giải đáp thắc mắc “Cho con bú phun mày được không”. Thực tế, việc phun xăm chân mày không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc nếu đang nằm trong một số trường hợp đặc biệt đã kể trên để đảm bảo chất lượng sữa mẹ được tốt nhất.
Xem thêm:
- Mẹ bầu đang cho con bú có triệt lông được không
- Phụ nữ trong giai đoạn đang cho con bú có peel da được không
- Giải đáp thắc mắc: Cho con bú có lấy tủy răng được không