Bị zona thần kinh kiêng gì, nên ăn gì cho mau khỏi bệnh?

Bị zona thần kinh kiêng gì, nên ăn gì cho mau khỏi bệnh?

Mụn nước hình thành từ Virus Varicella zoster (VZV) gây nên zona thần kinh khiến nhiều người khó chịu và đôi lúc mất tự tin. Vậy zona thần kinh kiêng gì để giảm nhẹ triệu chứng và giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi?

zona thần kinh kiêng gì

Tổng quan về zona thần kinh

1. Triệu chứng

Triệu chứng của người phát bệnh Zona là đau, sốt, mệt mỏi, mất ngủ… Phát ban và mụn nước bên trong chứa chất lỏng tập trung nhiều chùm, thường chỉ xuất hiện 1 bên của cơ thể. Mụn nước khi vỡ tạo thành những vết loét, rỉ nhiều chất dịch. Sau đó vết thương đóng mài và lành dần trong 1 – 3 tuần. Tuy nhiên triệu chứng đau vẫn còn và có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn.

2. Nguyên nhân

VZV thuộc họ virus herpes tác nhân gây bệnh Zona thần kinh. Người nhiễm virus VZV lần đầu sẽ có biểu hiện của bệnh thuỷ đậu. Sau khi khỏi hoàn toàn thủy đậu, virus Varicella vẫn còn tồn tại và sống ẩn ở hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm.

Khi gặp điều kiện thuận lợi như: stress, suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch,… virus được kích hoạt trở lại và phát triển gây ra biểu hiện của bệnh Zona. Và Zona thần kinh là một trong những biểu hiện của sự tái hoạt virus VZV. (1)

Zona thần kinh có gây hại cho người bị mắc bệnh không?

Khi virus Varicella zoster (VZV) bùng phát, cơ thể sẽ hình thành các kháng thể kìm hãm và ức chế bệnh. Người bị Zona không điều trị vẫn có thể tự khỏi. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không chủ quan vì khi không điều trị, virus có thể lây lan mạnh, gây tổn thương nghiêm trọng trên da. Khi vết loét sâu dễ nhiễm trùng hoặc nặng hơn dẫn đến các biến chứng liệt dây thần kinh, nhất là ở vùng mặt.

Bài viết liên quan: 14 cách chữa zona thần kinh tại nhà tự nhiên dân gian thường áp dụng

Bị zona thần kinh kiêng gì?

Khi mắc bệnh Zona thần kinh, ngoài việc tuân thủ những chỉ định từ bác sĩ, người bệnh nên kiêng một số loại thực phẩm, chú ý nhiều hơn trong sinh hoạt hàng ngày để bệnh mau khỏi, tránh biến chứng nguy hiểm không đáng có.

1. Zona thần kinh trong ăn uống nên kiêng gì?

1.1 Ngũ cốc tinh chế

Ngũ cốc tinh chế chứa rất nhiều đường, có chỉ số đường huyết cao. Nếu ăn quá nhiều đường huyết trong máu sẽ tăng. Từ đó, tạo cơ hội thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong bệnh zona thần kinh.

Thay vì ăn ngũ cốc tinh chế, bạn có thể dùng khoai lang, gạo lứt… thay thế cho các bữa ăn hàng ngày, như vậy vừa giảm nhẹ triệu chứng của zona thần kinh, đồng thời bổ sung tinh bột giúp cơ thể mau lành bệnh.

1.2 Thực phẩm nhiều đường

Ăn nhiều sẽ làm tăng đường huyết đột ngột cản trở bạch cầu tấn công và tiêu diệt mầm bệnh zona thần kinh, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng vết thương, chậm lành vết thương. Vì vậy, trong thời gian mắc bệnh zona, bạn nên hạn chế ăn bánh kẹo, nước ngọt,…

kiêng thực phẩm nhiều đường
Thực phẩm nhiều đường

1.3 Thực phẩm chứa Gelatin

Hoạt chất chứa trong Gelatin có hàm lượng protein cao khiến virus gây bệnh zona phát triển nhanh tại các dây thần kinh. Vì vậy, bạn nên tránh những thực phẩm có chứa Gelatin như: chả giò, bò viên, thịt đông,…

1.4 Thực phẩm chứa nhiều thành phần acid amin Arginine

Thực phẩm chứa nhiều acid amin Arginine như: socola, yến mạch, lúa mì,.. làm lượng đường trong máu tăng lên cản trở quá trình phục hồi bệnh, tạo cơ hội cho virus hoạt động mạnh mẽ.

1.5 Thực phẩm nhiều chất béo

Những thực phẩm chứa nhiều chất béo cần “chỉ mặt gọi tên” như: thịt hun khói, xúc xích,… đều không tốt cho sức khỏe người đang mắc zona. Bởi đây là tác nhân làm giảm khả năng hấp thu vitamin, khoáng chất của cơ thể, làm suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện tốt cho virus zona hoạt động mạnh mẽ.

1.6 Thực phẩm cay nóng

Ớt, gừng, hạt tiêu, quế… là những loại gia vị, thực phẩm người bệnh zona cần tránh vì dễ gây kích ứng, đặc biệt với làn da đang có vết thương có sẵn. Khi ăn các loại thực phẩm này, người bệnh thường cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu hơn.

1.7 Thực phẩm chế biến sẵn

Phần lớn những thực phẩm đông lạnh,, đồ hộp chế biến sẵn,… thường sử dụng chất bảo quản, làm mất những thành phần dinh dưỡng vốn có của thực phẩm. Khiến bạn mất cân bằng dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho zona phát triển.

1.8 Rượu, bia và các đồ uống chứa cồn

Ngay cả khi bạn không mắc bệnh zona cũng cần hạn chế các loại đồ uống này. Bởi đồ uống có cồn sẽ khiến suy giảm hệ miễn dịch, ngoài ra khả năng chuyển hóa và đào thải chất độc của gan cũng sẽ giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan đến các bộ phận khác trong cơ thể. (2)

2. Zona thần kinh trong sinh hoạt nên kiêng gì?

Ngoài những thực phẩm cần tránh, người bệnh zona cần lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày, để mau chóng bình phục, quay trở lại cuộc sống thường nhật.

2.1 Đắp đậu xanh lên vùng da nổi mụn nước

Theo kinh nghiệm dân gian, người bệnh có thể dùng đậu xanh đắp lên vùng da nổi mụn nước zona. Tuy nhiên, cách này không có tác dụng tiêu diệt virus, mặt khác còn tăng nguy cơ gây loét, kích ứng da, nhiễm trùng và để lại sẹo, vì khi nhai, vi khuẩn trong nước bọt sẽ xâm nhập và làm nặng thêm, gây nhiễm trùng những mụn nước trong bệnh zona.

2.2 Kiêng gió, kiêng nước

Nhiều người vẫn quan niệm bị zona hạn chế tắm, ra gió càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, việc này thiếu cơ sở khoa học, vì người bệnh cần vệ sinh da sạch sẽ. Nếu không tắm lâu ngày, lớp da chết sẽ tích tụ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động. Ngoài ra, người bệnh mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát để tránh cọ xát vào da làm vỡ mụn nước zona.

2.3 Kiêng gãi, tác động lên vùng da

Những mụn nước zona khiến người bệnh cảm giác ngứa, khó chịu, chỉ muốn gãi. Tuy nhiên, việc gãi mạnh khiến vỡ mụn nước, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, do đó bạn không chà xát mạnh, gãi ngứa.

2.4 Không tự ý bôi thuốc khi chưa được chỉ định của bác sĩ

Tùy mỗi cơ địa, tuỳ tình trạng da ở mỗi giai đoạn, bác sĩ sẽ chỉ định bôi thuốc phù hợp. Bạn không tự ý bôi thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Tốt nhất nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán chính xác.

3. Để tránh lây lan cho người khác nên kiêng gì?

Bên cạnh những kiêng cữ trong ăn uống và sinh hoạt. Người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để tránh lây bệnh cho người xung quanh:

  • Không tự ý mua uống hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc hay kem thuốc nào khi chưa được chỉ dẫn từ bác sĩ.
  • Bạn hoàn toàn có thể chườm lạnh xung quanh vùng da tổn thương để giảm đau và ngứa nhưng tuyệt đối không chườm trực tiếp vùng da đang tổn thương. Vì sẽ làm da lở loét và tạo điều kiện cho khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Bài viết liên quan: Zona thần kinh có lây không? Lây qua đường nào phổ biến?

Bị zona nên ăn gì cho mau khỏi?

Người bệnh nên chú ý bổ sung những thực phẩm có hàm lượng kẽm, lysine, vitamin C, B6, B12 cao trong chế độ ăn hằng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị, giúp vết thương nhanh lành hơn.

1. Thực phẩm chứa nhiều lysine

Thịt, cá, trứng, sữa,… sẽ rất tốt cho người bệnh zona, bởi chứa rất nhiều lysine, thành phần lysine có trong thực phẩm trên giúp ức chế sự tăng trưởng của virus VZV. Ngoài ra, người bệnh tăng cường sức đề kháng để nhanh chóng khỏi bệnh.

2. Thực phẩm giàu kẽm, vitamin A, B12, C và E

Đây là sự lựa chọn tiếp theo dành cho người mắc bệnh zona thần kinh. Những thực phẩm này có tác dụng tăng khả năng miễn dịch, chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh, tái tạo da nhờ khả năng chống viêm và oxy hóa. (3)

zona thần kinh nên ăn gì
Thực phẩm chứa nhiều thành phần kẽm, vitamin A, B12, C và E

Hướng dẫn tự chăm sóc bệnh zona thần kinh tại nhà

Để đạt kết quả tốt nhất trong điều trị zona thần kinh, tự chăm sóc tại nhà cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, giữ cho da luôn khô thoáng, sạch sẽ.
  • Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần luôn được thư giãn, lạc quan.
  • Tập luyện các bài thể dục thể thao vừa sức như đi bộ, yoga,… đồng thời giúp lưu thông máu tốt hơn, kích thích quá trình làm lành thương tổn da.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bị Zona thần kinh nên đến gặp bác sĩ sớm ngay khi có những biểu hiện của bệnh vì thuốc kháng virus hiệu quả nhất trong 72 giờ đầu giúp kiểm soát bệnh, hạn chế độ nặng và giảm tần suất tái phát bệnh.

  • Những người có yếu tố nguy cơ cao tiến triển nặng khi bị Zona nên đến thăm khám ngay:
  • Đau và phát ban xuất hiện gần vùng mắt mắt, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mắt.
  • Người trên 60 tuổi, có những bệnh nền như: tiểu đường, hen suyễn,…
  • Người đang điều trị ung thư, sử dụng nhiều thuốc thời gian dài hoặc bệnh mạn tính có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch trong cơ thể và khi bị zona thần kinh sẽ càng nguy hiểm hơn.
khi nào cần gặp bác sĩ
Người bị Zona thần kinh nên đến gặp bác sĩ sớm ngay khi có những biểu hiện của bệnh

Vậy biện pháp phòng ngừa zona thần kinh là gì?

Các biện pháp phòng bệnh zona thần kinh hiệu quả:

  • Vắc xin là công cụ hữu hiệu giúp ngăn 90% nguy cơ mắc và biến chứng của bệnh. Ngay cả khi đã mắc bệnh zona thần kinh, tiêm phòng vẫn ngăn bệnh tái phát. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiêm vắc xin phòng bệnh. Những đối tượng không không phù hợp để tiêm phòng như: có hệ miễn dịch yếu, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, có tiền sử dị ứng với vắc xin…
  • Những đối tượng không thể tiêm vắc xin cần được theo dõi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục đều đặn, ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, mệt mỏi.

Trên đây là những kiến thức phần nào giải đáp thắc mắc của nhiều độc giả về câu hỏi zona thần kinh kiêng gì. Bạn nên đi thăm khám sớm khi có triệu chứng zona thần kinh để điều trị, mang lại kết quả điều trị tốt nhất.

Rate this post