1. Herpes môi là bệnh gì?
Herpes môi là tổn thương dạng mụn nước phồng rộp thành đám, chứa dịch bên trong, chủ yếu khu trú ở da môi và vùng xung quanh miệng, do virus Herpes simplex gây ra (thường là do type HSV-1).
Mụn nước do herpes môi thường tự vỡ rồi đóng thành vảy trong vài ngày sau đó tự lạnh lại, không gây sẹo.
Virus Herpes Simplex type 1 là tác nhân chính gây ra bệnh herpes môi
2. Triệu chứng và biến chứng có thể gặp phải khi bị herpes môi
2.1. Triệu chứng của bệnh herpes môi
Tùy theo từng giai đoạn mà triệu chứng herpes môi ở người bệnh thường gặp phải là:
– Giai đoạn châm chích, ngứa: tại khu vực chuẩn bị xuất hiện tổn thương da do herpes môi người bệnh sẽ cảm thấy rát, ngứa ran. Khoảng một vài ngày sau đó vùng da này sẽ mọc lên nốt nhỏ cứng, đau.
– Giai đoạn mụn nước: các nốt nhỏ cứng ở giai đoạn trên hình thành mụn nước chứa dịch bên trong, chạy dọc theo viền môi, trong miệng, má hoặc mũi.
– Giai đoạn chảy dịch và đóng vảy: mụn nước sẽ tự vỡ tạo vết loét nông kèm dịch nước rỉ ra sau đó dần dần tự khô lại và đóng vảy.
Những triệu chứng này ở mỗi bệnh nhân sẽ có thể khác nhau về thời điểm xuất hiện và mức độ nghiêm trọng, giai đoạn sơ nhiễm hay tái phát. Thông thường, ở giai đoạn sơ nhiễm, thời gian các triệu chứng tồn tại tối thiểu khoảng 20 ngày sau khi virus xâm nhập vào cơ thể. Đến giai đoạn tái phát thì khoảng thời gian này sẽ rút ngắn lại, có trường hợp chỉ vài ngày đến 1 tuần là khỏi.
Ngoài ra, người bị herpes môi cũng có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như: hạch bạch huyết sưng, các cơ nhức mỏi, đau đầu, đau họng, sốt nhẹ,…
2.2. Biến chứng có thể mắc phải khi bị herpes môi
Rất ít khi herpes môi biến chứng nhưng nếu virus nhân rộng sang các vùng khác của cơ thể thì có thể bị:
– Nhiễm trùng mắt, sẹo giác mạc do viêm giác mạc herpes gây giảm sút thị lực và mù lòa.
– Virus tấn công hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não (chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân bị suy yếu miễn dịch).
– Bị viêm loét, nổi mụn nước ở bộ phận sinh dục.
– Herpes chàm hóa ở những người bị nhiễm herpes môi có cơ địa mắc bệnh chàm.
Đặc trưng tổn thương trên da của người bị herpes môi
3. Phương pháp điều trị và chăm sóc tại nhà khi bị herpes môi
3.1. Điều trị y tế
Không thể điều trị khỏi hoàn toàn herpes môi vì virus sẽ vẫn có thể còn tồn tại trong cơ thể, chúng sẽ tái hoạt động khi có thời cơ thuận lợi. Hiện các phương pháp điều trị herpes môi đều chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa diễn tiến nghiêm trọng của triệu chứng và giảm thiểu tối đa tần suất tái phát bệnh.
Các loại thuốc thường được dùng để điều trị herpes môi gồm:
– Thuốc bôi dạng mỡ
Các loại thuốc mỡ kháng virus như Docosanol, Penciclovir,… nếu được dùng ngay khi khởi phát triệu chứng herpes môi sẽ đem lại hiệu quả rất tốt.
– Thuốc uống kháng virus
Tùy từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để chấm dứt nhanh triệu chứng và kiểm soát nguy cơ tái phát bệnh. Các loại thuốc kháng virus đường uống thường được dùng để điều trị herpes môi như: acyclovir, valacyclovir, famciclovir,…
3.2. Chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà trong quá trình điều trị herpes môi sau đây cũng góp phần hỗ trợ phục hồi tốt hơn:
– Hạn chế dùng thực phẩm giàu axit
Trong thời gian bị herpes môi nếu phải tiếp xúc với các loại thực phẩm giàu axit thì rất dễ bị đau môi ở mức độ nghiêm trọng hơn, dễ làm vết loét lâu lành hơn. Vì thế hãy hạn chế ăn các loại thực phẩm thuộc nhóm này. Để tăng cường miễn dịch cho cơ thể người bệnh có thể bổ sung đường uống và dùng ống hút để tránh tiếp xúc với vùng da môi bị bệnh.
– Dưỡng ẩm da
Vùng da môi bị tổn thương do herpes cần được dưỡng ẩm bằng kem dưỡng không có tính kích ứng để làm dịu da, giúp tổn thương mau hồi phục.
– Tăng bổ sung nước
Uống nhiều nước trong thời gian bị herpes môi sẽ giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể tốt hơn, giảm đau, tránh mất nước và tăng tốc độ hồi phục. Điều này đặc biệt hiệu quả với các trường hợp bị đau, sốt do herpes.
Việc dùng thuốc điều trị herpes môi cần có sự chỉ định từ bác sĩ da liễu sau khi đã chẩn đoán đúng bệnh
4. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ tái phát herpes môi
Thời gian, tần suất tái phát herpes môi ở mỗi người không giống nhau tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố: chăm sóc và điều trị giai đoạn sơ nhiễm, tiếp xúc với tác nhân gây suy giảm miễn dịch, hành vi có nguy cơ lây nhiễm,… Vì thế có những người tái phát herpes môi thường xuyên nhưng lại có những trường hợp hàng chục năm không hề thấy bệnh tái diễn.
Để phòng ngừa tình trạng tái phát bệnh herpes môi có thể áp dụng các biện pháp:
– Không hôn người đang có triệu chứng herpes môi hoặc hôn người khác khi bản thân mình đang bị herpes.
– Không chạm tay vào nốt mụn rộp của bất cứ ai hay trên bất cứ bộ phận nào của cơ thể. Nếu lỡ chạm vào cần rửa sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn ngay sau đó.
– Không tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời, nếu đi ra ngoài tốt nhất nên dùng son dưỡng môi có khả năng chống UV và đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với yếu tố kích thích bệnh tái diễn.
– Không quan hệ bằng miệng, nếu bắt buộc phải có hành động này thì cần dùng màng chắn bảo vệ miệng.
– Không dùng chung dao cạo râu, khăn tắm, bàn chải đánh răng với người khác. Tuy virus herpes không có khả năng sinh sống trên các bề mặt nhưng điều kiện ẩm ướt rất thuận lợi để virus trú ẩn và lây lan nên việc áp dụng biện pháp phòng ngừa này là cần thiết.
– Giữ gìn sạch sẽ vệ sinh cá nhân.
Nội dung bài viết trên đây hy vọng sẽ giúp quý khách hàng hình dung rõ nét hơn về bệnh herpes môi và biết cách xử trí khi có triệu chứng nghi nhiễm. Khách hàng có nhu cầu chẩn đoán xác định đúng khả năng mắc bệnh có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch xét nghiệm HSV cùng Hệ thống Y tế MEDLATEC.