Bên cạnh đó nha đam còn được dùng để chế biến ra món ăn, thức uống với những lời giới thiệu “có cánh” như làm giảm cân, hạ đường máu, nhuận tràng, chống viêm nhiễm, giúp tăng cường trí nhớ, giảm nguy cơ ung thư….

Sử dụng nha đam như thế nào thì đúng cách? - 1

Định danh

Nha đam, Lô hội, Long tu, tên khoa học là Aloe vera, họ Huệ Liliaceae. Trong khoảng 400 loài thì chỉ có 4 loài được sử dụng để làm thuốc, đặc biệt là hai nha đam Aloe ferox và Aloe vera.

Nha đam có nguồn gốc ở Bắc Phi. Vào thế kỷ 13, Marco Polo, nhà hàng hải người Ý, đã di thực nha đam đến Trung Quốc, sau đó di chuyển sang nuôi trồng ở Việt Nam.

Ở nước ta, nha đam được trồng rải rác khắp nơi để làm thuốc hoặc làm cây cảnh. Nhờ chịu hạn, khô và nóng rất giỏi, nên hiện nay nha đam được trồng nhiều ở Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết thuộc Bình Thuận, Ninh Thuận.

Cắt ngang một lá lô hội, từ ngoài vào, đầu tiên là một lớp vỏ cứng màu xanh (rind), có tác dụng chính để bảo vệ cho cây. Tiếp đến là một lớp nhựa mỏng màu vàng (latex). Trong cùng, chiếm thể tích lớn nhất là lớp gel trong suốt (gel, juice).

Thành phần và công dụng

Nhựa lá nha đam có các chất sau: Các carbohydrates như glucose, aldopentose, xylose, galactose, mannose, arabinose, cellulose..; Một số axít béo chưa no như linolenic, linolenic..; Nhiều loại axít amin; Vitamin như A, B1, B2, B5, B6, B12, C, axít folic, E; Khoáng chất như Na, K, Fe, Ca, P, Cu, Zn, Mn, Mg, Cr; Các enzym như lipase, oxydase, catalaza; Các polyphenols như anthraglycoside, anthraquinon.

Nhờ có thành phần cấu tạo phong phú, nha đam hiện tại được sử dụng rộng rãi trong các lãnh vực: (1) Thực phẩm với chức năng là phụ gia tạo mùi hương (flavoring); (2) Mỹ phẩm (cosmetics); (3) Thực phẩm bổ sung (food supplements) và (4) Thảo dược (herbal remedies).

Món ăn, thức uống có nha đam

Sử dụng nha đam như thế nào thì đúng cách? - 2

Nha đam có thể chế biến thành các món ăn như gỏi, salad, chiên giòn hay chế biến thành các món tráng miệng như chè, súp…

Sử dụng nha đam như thế nào thì đúng cách? - 3
Các loại chè nha đam

Một món quen thuộc hiện nay là sữa chua nha đam. Đây là một món ăn uống kết hợp rất khoa học giữa vai trò dinh dưỡng rất tốt của sữa và vai trò thảo dược của nha đam.

Theo thành phần dinh dưỡng, sữa chua nha đam có giá trị dinh dưỡng không thua kém bất kì loại sữa tươi nào, và nha đam ổn định đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng cơ thể, cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lão hóa ngăn ngừa ung thư.

Những vị thuốc có nha đam

Theo Đông y, nha đam thuộc dương, tính hàn, vị hơi đắng, không độc. Nha đam được dùng để điều trị các bệnh sau:

* Chống táo bón

Cơ quan quản lý thảo dược của Đức, phê duyệt việc sử dụng nha đam Aloe vera để điều trị táo bón. Liều dùng 50-200 miligam mủ Aloe thường được dùng ở dạng lỏng hoặc viên nang mỗi ngày một lần trong tối đa 10 ngày.

* Điều trị vết bỏng da

Trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Pakistan (Journal of Pakistan Medical Association), một nhóm các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình so sánh và kết luận rằng gel nha đam có tác dụng điều trị vết thương bỏng cấp độ hai tốt hơn kem bạc sulphadiazine 1% SSD truyền thống. Bệnh nhân bỏng sử dụng gel nha đam cũng giảm đau đáng kể so với nhóm sử dụng SSD.

Các tác giả đã viết: “Bệnh nhân bỏng nhiệt mặc quần áo bằng gel nha đam có lợi thế hơn so với nhóm mặc áo có SSD vì biểu mô vết thương lành sớm, giảm đau nhanh và chi phí điều trị thấp”.

* Bảo vệ da khỏi tia tử ngoại và phóng xạ

Các nhà khoa học Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, cho thấy chiết xuất từ lá cây nha đam giúp bảo vệ da khỏi tác dụng gây hại của tia tử ngoại. Trên Phytotherapy Research, các tác giả viết “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy dịch chiết từ lá nha đam, đặc biệt lá non, có khả năng bảo vệ da khỏi tác hại do UVB gây ra”.

Sử dụng nha đam như thế nào thì đúng cách? - 4

Nghiên cứu từ Đại học Naples, Ý, cho thấy kem bôi da có nha đam có tác dụng bảo vệ da của bệnh nhân ung thư vú khi cho chạy tia phóng xạ trị liệu tốt hơn các loại kem khác. Công trình được đăng trên Radiation Oncology.

* Bệnh răng nướu

Nhựa lá nha đam có chứa các nhân vòng polyphenol anthraquinone, là hợp chất chống oxy hóa tích cực chữa lành viêm và giảm đau tự nhiên.

Một nghiên cứu được công bố General Dentistry cho thấy, nha đam cho vào kem có tác dụng chống sâu răng rất tốt như các kem đánh răng thông thường.

* Bàn chân đái tháo đường (diabetes-induced foot ulcers)

Nghiên cứu của Đại học Dược Sinhgad, Ấn Độ, công bố trên Tạp chí Vết thương quốc tế (International Wound Journal) rằng “Gel nha đam có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương ở chuột bị đái tháo đường tương tự với các sản phẩm thương mại với bệnh bàn chân chân đái tháo đường”

* Chống oxy-hóa và kháng khuẩn (antioxidant and antimicrobial)

Các nhà nghiên cứu Đại học Las Palmas de Gran Canaria, Tây Ban Nha, đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Molecules rằng: Cả chiết xuất hoa và lá nha đam đều có tính chống oxy hóa, đặc biệt là chiết xuất từ lá. Các chiết xuất từ da lá cũng thể hiện tính chất kháng khuẩn, nấm khá cao.

Bàn luận

Theo hồ sơ y học Ai Cập, con người đã sử dụng nha đam từ thế kỷ 16 trước Công nguyên. Thời đó, họ đã gọi nha đam là “cây bất tử”. Nha đam cũng đã được dùng làm thuốc điều trị trong nhiều thế kỷ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hy Lạp, Ai Cập, Mexico….

Truyền thuyết rằng, nữ hoàng Cleopatra cũng đã dùng nha đam để duy trì vẻ tươi tắn, mềm mại của làn da; Đại đế Hy Lạp, Alexandros đã dùng nha đam để chữa vết thương cho binh lính trong những cuộc viễn chinh

Các sản phẩm chế biến từ nha đam (kem, keo, hồ nước …) được coi là an toàn khi dùng ngoài da, với lưu ý là cần thử test khả năng gây dị ứng tại chỗ.

Về việc sử dụng các chế phẩm nha đam đường uống, hầu hết các cơ quan y tế trên thế giới đều cho rằng cần phải có thêm bằng chứng khoa học: Trung tâm NCCAM (National Center for Complementary and Alternative Medicine) của Viện sức khỏe quốc gia (National Institutes of Health) Hoa Kỳ, thì nhựa nha đam có các chất nhuận tràng mạnh. Năm 2002, FDA yêu cầu loại bỏ các thuốc nhuận tràng có các thành phần của nha đam như aloin, aloe-emodin và barbaloin vì thiếu an toàn.

Các chất làm tăng nhu động ruột trong phần nhựa giúp điều trị táo bón, nhưng nếu dùng liều cao, kéo dài sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, mất kali, suy thận… Với liều 1g nhựa/ ngày trong vài ngày có thể gây tử vong. Vì vậy, không sử dụng nha đam cho phụ nữ có thai, có khả năng gây sảy thai, và trẻ em dưới 12 tuổi, vì dễ gây rối loạn tiêu hóa.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Rate this post