Thủy đậu mọc trong miệng là một trong những nỗi ám ảnh của người bệnh, không chỉ khiến người bệnh phải trải qua cảm giác đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong việc ăn uống khiến tinh thần giảm sút trầm trọng. Vậy nếu thủy đậu nổi trong miệng cần xử trí như thế nào?

BS Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Bệnh thủy đậu vốn diễn biến lành tính nhưng có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng thứ phát… thậm chí đe dọa tới sức khỏe nếu không được điều trị đúng cách. Thủy đậu có thể mọc ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt thủy đậu mọc trong miệng có thể gây ra biến chứng bội nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nên cần được chăm sóc cẩn thận và đúng cách”.

thủy đậu mọc trong miệng

Thủy đậu mọc ở đâu trước?

Thủy đậu (còn gọi là bệnh phỏng rạ,trái rạ) là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, gây ra bởi virus Varicella Zoster và thường gặp vào tháng 3-5 mỗi năm. Bệnh có tính lây lan nhanh trong cộng đồng thông qua đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc người lành tiếp xúc phải các mụn nước chứa dịch của người bệnh.

Khi đi vào cơ thể qua đường hô hấp, virus VZV bắt đầu nhân lên trong mũi họng, các hạch bạch huyết khu vực, gan, lá lách và các cơ quan khác từ 10-20 ngày trước khi phát ban mụn nước trên da. Ở giai đoạn khởi phát, người bệnh thường sốt nhẹ, mệt mỏi, uể oải và nhức đầu kèm phát ban đỏ trên da. Tiếp đến cơ thể bắt đầu sốt cao, mệt mỏi, đau nhức nhiều và buồn nôn, vùng ban đỏ bắt đầu hình thành nốt mụn nước hình tròn gây ngứa rát, rất khó chịu, đường kính khoảng 1 đến 3mm.

Những nốt mụn nước này xuất hiện gần như kín toàn thân như đầu, mặt, cổ, lưng, tay chân, một số trường hợp thủy đậu mọc trong miệng với kích thước lớn khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh sẽ khỏi sau 7 đến 10 ngày phát bệnh, các nốt mụn nước sẽ dần khô lại, kết thành vảy và vùng da tổn thương lành lặn trở lại. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và vệ sinh da đúng cách, bệnh có thể để lại sẹo lõm, sẹo thâm sau khi chúng biến mất.

hình ảnh thủy đậu mọc trong miệng

hình ảnh thủy đậu mọc trong miệng

hình ảnh thủy đậu mọc trong miệng

Thủy đậu mọc trong miệng khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày nhất là khi ăn uống.

Thủy đậu có mọc trong miệng không?

CÓ! Thủy đậu mọc trong miệng là vị trí cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh. So với những vị trí khác trên cơ thể, thủy đậu nổi trong miệng hay thủy đậu mọc trong họng không chỉ khiến người bệnh gặp nhiều cản trở trong sinh hoạt hàng ngày mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh. Các nốt mụn nước mọc sâu trong khoang miệng sẽ khó vệ sinh mỗi ngày, nếu không được chăm sóc cẩn thận, mụn nước sẽ chuyển sang mủ và nguy cơ biến chứng bội nhiễm, kéo dài thời gian điều trị bệnh.

bé gái bị bệnh thủy đậu
Thủy đậu có mọc trong miệng không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Dấu hiệu thủy đậu mọc trong miệng, đừng nhầm với nhiệt miệng

Dấu hiệu thủy đậu mọc trong miệng thường khiến nhiều người nhầm lẫn với nhiệt miệng. Sự nhầm lẫn này khiến người bệnh gặp tổn thương niêm mạc miệng, phải kéo dài thời gian chữa trị, thậm chí có nguy cơ tiến triển xấu thành biến chứng bội nhiễm do áp dụng sai phương pháp điều trị.

Một số dấu hiệu thủy đậu trong miệng người bệnh cần lưu ý như:

  • Cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn và cảm giác luôn cộm trong khoang miệng;
  • Thông thường mụn nước thủy đậu ở miệng không giống như các nốt mụn nước thủy đậu khác trên cơ thể. Do đó, cần kiểm tra kỹ trong khoang miệng thấy có các nốt mụn nước màu đỏ, ban đầu chất dịch có màu trắng trong, sau chuyển màu đục như mủ có màu vàng hoặc xám.

Đối với những người bị thủy đậu mọc trong miệng, vấn đề sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi giao tiếp, ăn uống gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thủy đậu mọc trong miệng thường khó để điều trị và vệ sinh các nốt mụn nước, do đó người bệnh cần phải kiên nhẫn cũng như tuân thủ quy tắc điều trị từ bác sĩ.

Cách trị thủy đậu mọc trong miệng

1. Dùng thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin là loại thuốc phổ biến thường được chỉ định để điều trị thủy đậu ở nhiều vị trí, trong đó có thủy đậu mọc trong miệng có tác dụng làm cải thiện đáng kể tình trạng ngứa. Tuy nhiên, histamin cần được sử dụng theo liều lượng bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không dùng quá liều vì có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, ảo giác, co giật.

2. Uống thuốc giảm đau

Nhằm giúp giảm triệu chứng nhức đầu, sốt cao và các cơn đau nhức dữ dội do vết loét mụn nước trong miệng gây ra, người bệnh có thể được kê thêm thuốc paracetamol với liều lượng phù hợp.

Lưu ý không nên sử dụng NSAIDs, ibuprofen hoặc Aspirin trong quá trình điều trị thủy đậu mọc trong miệng, vì đây đều là những loại thuốc chống viêm và giảm đau không steroid có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng trên da khi điều trị nhiễm virus. Chính vì vậy, nếu phát hiện thủy đậu mọc trong miệng, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua bất kỳ loại thuốc nào trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.

sử dụng thuốc để giảm ngứa thủy đậu trong miệng
Thuốc giúp giảm tình trạng ngứa và giảm đau là một trong những cách trị thủy đậu mọc trong miệng hiệu quả thường được sử dụng.

3. Dùng thuốc gây tê cục bộ

Thuốc gây tê cục bộ bề mặt thường được bào chế dưới dạng bôi ngoài da như kem, gel, thuốc mỡ, thuốc xịt cũng thường được chỉ định cho người bệnh, có tác dụng điều trị và giảm đau các vết loét thủy đậu mọc trong miệng.

4. Chế độ ăn mềm và nhạt

Các nốt mụn nước thủy đậu mọc trong miệng của người bệnh thường là vết loét gây đau rát, khó chịu. Chính vì vậy, những món ăn được chế biến dạng lỏng, mềm và nhạt sẽ phù hợp trong chế độ ăn hàng ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các loại rau, củ, quả, trái cây giàu vitamin và khoáng chất để giúp cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo năng lượng cần thiết mỗi ngày. Những loại trái cây chua, có tính axit cao như cam, chanh, quýt cần kiêng để tránh tình trạng đau rát, khó chịu hơn.

5. Có thể ăn đồ ăn lạnh

Đối với người mắc thủy đậu ở miệng, nên hạn chế ăn thức ăn nóng, thay vào đó nên sử dụng thức ăn nấu chín để nguội, có thể giúp người bệnh dễ ăn hơn và giảm tình trạng sưng viêm vết loét.

6. Uống đủ nước

Uống đủ nước mỗi ngày không chỉ giúp người bệnh đào thải được lượng virus trong cơ thể ra ngoài hiệu quả mà còn giúp cân bằng nước và chất điện giải do sốt cao, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do mất nước. Lưu ý: trong quá trình điều trị thủy đậu mọc trong miệng, người bệnh chỉ được uống nước lọc, nước bù điện giải, các loại nước ép phù hợp, nước canh, súp theo chỉ định của bác sĩ, không nên các loại nước có ga, nước ngọt trong giai đoạn này.

uống đủ nước

7. Vệ sinh răng miệng sạch và nhẹ nhàng

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và nhẹ nhàng bằng nước muối loãng mỗi ngày. Lưu ý: nên thực hiện nhẹ nhàng tránh cọ xát mạnh có thể làm các nốt mụn nước thủy đậu bị vỡ.

8. Không được sờ hoặc làm vỡ mụn nước trong miệng

Không hoạt động mạnh, tránh sờ gãi, chà xát các nốt mụn nước trong miệng tránh thủy đậu bị vỡ. Thay vào đó nên nghỉ ngơi, sinh hoạt nhẹ nhàng để vết thương mau hồi phục.

⇒ Xem thêm: 10 cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất an toàn ngay tại nhà.

Thủy đậu nổi trong miệng bao lâu thì hết?

Thông thường, người bệnh sẽ khỏi bệnh sau khoảng 7 đến 10 ngày. Nếu được chăm sóc cẩn thận và tuân thủ quy định điều trị của bác sĩ, các nốt thủy đậu trong khoang miệng sẽ dần khô và lành lặn trở lại. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và vệ sinh da đúng cách, bệnh có thể dẫn đến biến chứng bội nhiễm khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn.

Tóm lại, thủy đậu mọc trong miệng với các nốt phát ban, mụn nước trong khoang miệng gây khó chịu, đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống, do đó người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ cũng như chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc ở ngoài vì nguy cơ tiến triển xấu thành biến chứng bội nhiễm rất nguy hiểm.

Rate this post